Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp nông, thủy sản doanh nghiệp xuất khẩu

22:15' - 04/12/2020
BNEWS Chương trình “Kết nối giao thương tại Việt Nam giữa các nhà cung cấp nông, thủy sản với các doanh nghiệp xuất khẩu và các tổ chức xúc tiến thương mại các tỉnh phía Nam năm 2020” diễn ra tại Cà Mau.
[ti]Kết nối giao thương giữa các nhà cung cấp nông, thủy sản với các doanh nghiệp xuất khẩu[/ti]
[ca]công nghiệp - thương mại[/ca]
[kw][/kw]
[su][/su]
[id]32b901e1-6f4f-41e5-9383-efaf0af78091[/id]
[au]Huỳnh Thế Anh[/au]
Kết nối giao thương giữa các nhà cung cấp nông, thủy sản với các doanh nghiệp xuất khẩu
Cà Mau (TTXVN 4/12)
Chiều 4/12, tại tỉnh Cà Mau đã diễn ra chương trình “Kết nối giao thương tại Việt Nam giữa các nhà cung cấp nông, thủy sản với các doanh nghiệp xuất khẩu và các tổ chức xúc tiến thương mại các tỉnh phía Nam năm 2020”, đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình cấp Quốc gia về Xúc tiến thương mại năm 2020 do Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Cà Mau tổ chức.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, năm 2020, đại dịch COVID – 19 bùng phát đã khiến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh, thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, thiếu hụt nguyên liệu dẫn tới sụt giảm doanh thu của hầu hết các doanh nghiệp trên cả nước.
Theo thống kê, đã qua các Trung tâm Xúc tiến thương mại khu vực phía Nam đã tổ chức 400 chương trình xúc tiến thương mại, giảm hơn 50% so với năm 2019. Các hoạt động xúc tiến thương mại chủ yếu tập trung vào kết nối doanh nghiệp với các nhà mua trong nước và với các đối tác nước ngoài bằng hình thức trực tuyến, một số hoạt động hội chợ triển lãm và phiên chợ.
Trước tình hình trên, các doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh để phù hợp với tình hình mới; trong đó, hoạt động kết nối giao thương cung cầu hàng hóa luôn được trú trọng thực hiện. Ngoài ra, các hoạt động kết nối giao thương bằng nhiều hình thức thích hợp sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Những tháng cuối năm, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang tích cực tổ chức và tham gia các hội nghị giao thương, hội chợ kết nối cung cầu hàng hóa và các hoạt động trưng bày sản phẩm đặc trưng bằng nhiều hình thức phù hợp thông qua nền tảng số, trên môi trường thương mại điện tử, khai thác các ứng dụng công nghệ thông tin, trú trọng kết nối hoạt động thông tin với các thương vụ ở nước ngoài, truyền thông quảng bá sản phẩm xuất khẩu, kết nối giao thương trực tuyến giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác có nhu cầu nhập khẩu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, ông Lê Văn Sử đánh giá, hệ thống xúc tiến thương mại ngày càng khẳng định vai trò trong việc hỗ trợ tích cực các doanh nghiệp trong xúc tiến thương mại, phát triển thị trường. Thông qua các hoạt động đa dạng, phù hợp với nhu cầu và năng lực của doanh nghiệp, các cơ quan xúc tiến thương mại đã đạt được những thành công nhất định trong việc giúp các doanh nghiệp tìm được đối tác xuất khẩu hàng hóa, phát triển thị trường.
Thời gian qua, tỉnh Cà Mau tăng cường  hoạt động nghiên cứu, cập nhật thông tin thị trường thông qua các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, Phòng Thương mại các nước, các trang thông tin thương mại quốc tế. Về hoạt động xúc tiến thương mại trong nước, việc tổ chức chức hội chợ, kết nối giao thương, cung cầu hàng hóa của tỉnh Cà Mau với các tỉnh, thành phố trong nước từ những tháng đầu năm đã bị đình, hoãn; đến những tháng cuối năm mới thực hiện được trở lại.
Cụ thể, từ tháng 7 đến nay, Sở Công Thương tỉnh Cà Mau đã tiếp nhận gần 3.400 chương trình khuyến mãi, tăng 247% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2020 của tỉnh ước đạt 65.300 tỷ đồng, đạt hơn 95% kế hoạch và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong khuôn khổ của hội nghị, tiềm năng kinh tế của Đồng bằng sông Cửu Long cũng được giới thiệu. 13 tỉnh, thành trong khu vực đã tăng tốc phát triển với lợi thế là “vựa lúa, vựa cá, vựa trái cây” cũng như ngành hàng tôm chủ lực của cả nước. Đây hứa hẹn là tiềm năng thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, các đại biểu đã lắng nghe nhiều chia sẻ bổ ích từ các Thương vụ Việt Nam ở các quốc gia như: Đức, Trung Quốc, Hàn Quốc, UAE…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho rằng, đây là dịp để các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương, các đơn vị làm xúc tiến thương mại, các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng cùng trao đổi, đánh giá một cách có hệ thống những kết quả đạt được, những khó khăn, hạn chế và hướng đi trong thời gian tới trong xúc tiến thương mại của khu vực phía Nam nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng.
“Hội nghị tổ chức tại Cà Mau là cơ hội để các ngành chức năng, các doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh có điều kiện quảng bá về tiềm năng, thế mạnh, các sản phẩm chủ lực của địa phương. Qua đó có cơ hội kết nối, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm để tổ chức thực hiện tốt hơn việc xúc tiến thương mại thời gian tới…”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử nhấn mạnh, đồng thời kiến nghị đến Bộ Công thương cần phối hợp với các bộ có liên quan đánh giá về mô hình tổ chức bộ máy của xúc tiến thương mại để tìm ra bộ máy hoạt động hiệu quả, tìm ra mô hình bộ máy mở để tạo thuận lợi cho hoạt động xúc tiến, đầu tư, thương mại và du lịch; đồng thời đẩy mạnh tập huấn xúc tiến thương mại đa phương thức cho các địa phương.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, các Sở Công Thương và Trung tâm Xúc tiến thương mại, hiệp hội sẽ thảo luận, tích cực trao đổi về cách thức đổi mới việc triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, đặc biệt chú trọng tăng cường liên kết để hoạt động xúc tiến thương mại trong khu vực đạt được kết quả thiết thực, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp khu vực phát triển bền vững. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay cần xây dựng mô hình hoạt động của cơ quan xúc tiến thương mại địa phương phù hợp và mang lại hiệu quả cao trong xúc tiến thương mại.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, thời gian tới đẩy mạnh hoạt động kết nối cung cầu. Về mô hình tổ chức cơ quan xúc tiến thương mại, đồng tình với kiến nghị của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, cần tìm ra mô hình tiêu biểu, hoạt động hiệu quả để nhân rộng; đồng thời nhấn mạnh việc đẩy mạnh giao thương, xúc tiến thương mại trực tuyến chắc chắn thời gian tới sẽ diễn ra ngày càng nhiều và việc dự báo thị trường thì vai trò của Bộ Công Thương, Cục Xúc tiến thương mại cần làm tốt hơn nữa thời gian tới.
Kết thúc hội nghị, đại diện các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp sản xuất đã ký kết thỏa thuận, hợp đồng nguyên tắc với hệ thống phân phối và các doanh nghiệp thương mại./.
Huỳnh Anh

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục