Kết nối kinh tế giữa ASEAN và Australia

09:07' - 12/09/2023
BNEWS Thủ tướng Australia Anthony Albanese vừa công bố Chiến lược kinh tế Đông Nam Á đến năm 2040, trong đó nhấn mạnh vai trò tích cực của chính phủ nhằm thúc đẩy liên kết thương mại và đầu tư giữa hai bên.

Theo bài viết của chuyên gia chính sách đối ngoại Australia Melissa Conley Tyler thuộc Viện châu Á của Đại học Melbourne đăng trên trang mạng The Conversation, hợp tác kinh tế sẽ là trụ cột mới trong mối quan hệ giữa Australia và Đông Nam Á.

 

Thủ tướng Australia Anthony Albanese vừa công bố Chiến lược kinh tế Đông Nam Á đến năm 2040, trong đó nhấn mạnh vai trò tích cực của chính phủ nhằm thúc đẩy liên kết thương mại và đầu tư giữa hai bên.

Theo Thủ tướng Albanese, mối quan hệ quốc phòng, ngoại giao giữa Australia và Đông Nam Á đã có nhiều tín hiệu tích cực, nhưng mối quan hệ kinh tế vẫn còn khoảng trống chưa được khai thác hết. Chiến lược kinh tế Đông Nam Á là giải pháp hướng tới việc khắc phục khoảng trống này.

Đông Nam Á có 687 triệu dân với tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng. Tuy nhiên, bất chấp sức hút to lớn từ các thị trường Đông Nam Á năng động, sự có mặt của các doanh nghiệp Australia tại đây vẫn còn thấp.

Một thống kê cho biết đầu tư trực tiếp của Australia vào New Zealand nhiều hơn vào Đông Nam Á. Dự báo đến năm 2040, kinh tế Đông Nam Á sẽ tăng trưởng trung bình 4%/năm. Điều này có nghĩa là Đông Nam Á sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2040, sau Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ.

Chiến lược kinh tế Đông Nam Á của Australia cho thấy những nỗ lực của chính phủ, để hướng sự quan tâm của các doanh nghiệp Australia vào Đông Nam Á. Cùng với New Zealand, Australia đã có Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) AANZFTA  từ năm 2010.

Cho đến tháng 2/2023, Hiệp định AANZFTA đã chính thức được nâng cấp, tạo thuận lợi cho giới kinh doanh trong việc khai thác thị trường lẫn nhau giữa các bên.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, đầu tư từ Australia vào Đông Nam Á có xu hướng giảm, đi ngược lại xu hướng toàn cầu. Do đó, chiến lược mới xuất hiện vào thời điểm phù hợp và nêu cao vai trò tích cực hơn nữa của chính phủ trong việc giúp các công ty thâm nhập thị trường Đông Nam Á. Chiến lược không chỉ khuyến khích các doanh nghiệp Australia hoạt động tốt hơn, mà còn đưa ra những khuyến nghị với chính phủ, hướng tới việc loại bỏ các rào cản thương mại và giảm thiểu rủi ro.

Chiến lược đề xuất hài hòa các tiêu chuẩn về chuyên môn và chất lượng đối với hàng hóa và dịch vụ, đồng thời chỉ ra vai trò của chính phủ trong việc cải thiện khả năng kết nối thông qua thúc đẩy các tuyến đường thương mại và cải cách hệ thống nhập cư, qua đó giúp các doanh nhân và tài năng từ Đông Nam Á đến Australia dễ dàng hơn.

Chiến lược cũng đề cao vai trò của chính phủ trong việc cung cấp nguồn vốn ban đầu. Ví dụ, Chính phủ Australia có thể hợp tác với ngành công nghiệp nội địa để tài trợ cho chương trình nghiên cứu ở Đông Nam Á và thiết lập một chương trình mục tiêu nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Australia tăng cường thương mại và đầu tư với khu vực.

Trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng quan trọng - ước tính đến năm 2040, Đông Nam Á sẽ cần một khoản vốn đầu tư trị giá 3.000 tỷ USD trong lĩnh vực này - chiến lược đề xuất rằng Australia có thể tham gia từ giai đoạn ban đầu của dự án.

Tính đến thời điểm hiện nay, mới chỉ có khoảng 250 nhà xuất khẩu của Australia, chiếm 90% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang Đông Nam Á. Điều này cho thấy còn rất nhiều tiềm năng thương mại chưa được khai phá.

Australia có thể đạt được lợi ích chiến lược từ sự tham gia kinh tế mạnh mẽ hơn với các nước Đông Nam Á. Nếu Australia trở thành đối tác quan trọng trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế xanh của khu vực này hoặc trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng rất cần thiết, điều này sẽ tạo ra sự thay đổi về tầm nhìn và sự nhận thức lẫn nhau giữa Australia và Đông Nam Á./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục