Kết nối nhà cung cấp với doanh nghiệp xuất khẩu

19:02' - 20/05/2022
BNEWS Bộ Công Thương rất kỳ vọng chương trình kết nối sẽ tạo nền tảng nhân rộng ra các khu vực, vùng miền thành một hoạt động phối hợp thường xuyên liên vùng, liên địa phương.

Để góp phần tháo gỡ khó khăn cho các nhà sản xuất trong bối cảnh thị trường tiêu thụ vẫn còn khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Bộ Công Thương đã và tiếp tục đồng hành cùng các địa phương trên cả nước nói chung và các tỉnh, thành phố phía Bắc và Bắc Trung Bộ nói riêng.

Điều này góp phần đẩy mạnh xúc tiến thương mại hỗ trợ phát triển thị trường cả trong và ngoài nước cho các sản phẩm có thế mạnh của các địa phương.

 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã khẳng định như vậy tại Hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức chiều 20/5, tại Hà Nội.

Đây là hoạt động xúc tiến thương mại nằm trong khuôn khổ Chương trình cấp Quốc gia về Xúc tiến thương mại năm 2022 nhằm giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu, các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu của khu vực tới các cơ quan xúc tiến thương mại quốc tế, các nhà nhập khẩu, các nhà thu mua chế biến xuất khẩu Việt Nam cũng như các nhà phân phối Việt Nam và quốc tế.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, năm 2021, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp đã tác động tới hoạt động xuất nhập khẩu của mọi quốc gia trên thế giới; trong đó, có Việt Nam.

Trước thực tế này, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liên quan, mở rộng cả kênh phân phối truyền thống và hiện đại, tích cực củng cố và phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thông qua các hình thức xúc tiến thương mại khác nhau được tổ chức thường xuyên, liên tục.

Cụ thể như Hội nghị kết nối giao thương, hội chợ triển lãm trực tuyến và trực tiếp, tạo ra hàng ngàn kết nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các nhà nhập khẩu nước ngoài tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm và tiềm năng.

Điều này góp phần thiết thực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, duy trì ổn định kinh tế trong bối cảnh đại dịch.

Song song với Hội nghị kết nối giao thương, để nâng cao hiệu quả tham gia của doanh nghiệp, Ban tổ chức tổ chức khu trưng bày giới thiệu sản phẩm tiểu biểu, tiềm năng xuất khẩu của các địa phương tại khu phố đi bộ, quanh hồ Hoàn Kiếm nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp quảng bá trực tiếp sản phẩm tới người tiêu dùng trong nước và du khách quốc tế, tiếp cận và nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng từ đó có kế hoạch sản xuất kinh doanh thích ứng với xu hướng thị trường.

Chia sẻ tại Hội nghị, ông Vũ Bá Phú- Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho hay: Việc triển khai các đề án cấp quốc gia về xúc tiến thương mại hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã là hết sức cần thiết nhằm kết nối giao thương, tăng cường kết nối cung cầu nội địa, tiêu thụ sản phẩm trong nước, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước.

Đồng thời hỗ trợ các nhà cung ứng địa phương kết nối với các doanh nghiệp chế biến, thu mua xuất khẩu, các tổ chức xúc tiến thương mại quốc tế, qua đó các sản phẩm tiềm năng của các địa phương tại Việt Nam sẽ dần dần thâm nhập và phát triển tại thị trường quốc tế.

Chương trình Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp địa phương với các nhà phân phối, doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại nhằm kết nối doanh nghiệp với các cơ quan đại diện, tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam, từ đó đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu trực tiếp vào mạng lưới phân phối nước ngoài.

Ngoài ra, Chương trình còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy sản xuất, kết nối cung cầu hàng hóa, phát triển hệ thống phân phối cũng như phục vụ nhu cầu tiêu dùng đa dạng của người dân và đẩy mạnh xuất khẩu; đổi mới để tạo hiệu ứng mạnh và sức lan tỏa.

Theo ông Vũ Bá Phú, Chương trình năm 2022 với sự tham dự của hơn 400 doanh nghiệp từ 23 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ, quy mô gấp 5 lần so với năm 2020.

Do đó, Bộ Công Thương rất kỳ vọng qua đây sẽ tạo nền tảng nhân rộng ra các khu vực, vùng miền thành một hoạt động phối hợp thường xuyên liên vùng, liên địa phương để góp phần hình thành các chuỗi giá trị liên kết sản xuất, phân phối, tiêu dùng và xuất khẩu bền vững, hiệu quả.

Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản nhận định: Năm 2021, Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam (sau Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc) và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 3 (sau Trung Quốc và Hàn Quốc).

Các mặt hàng lớn lần lượt theo tỷ trọng là hàng dệt may, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, gỗ và sản phẩm gỗ, hàng thủy sản, máy vi tính và sản phẩm điện tử, giày dép, điện thoại và linh kiện…

Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cũng chỉ ra rằng mặc dù nhiều mặt hàng Việt Nam đã xâm nhập được vào thị trường Nhật Bản nhưng với thị phần chưa cao và còn cơ hội nâng cao thị phần. Thế nhưng, quan trọng là phải nâng cao sức cạnh tranh về giá cả, sự ổn định lượng cung cấp, chất lượng, truy xuất nguồn gốc, quảng bá thương hiệu, sự uy tín…

Vì vậy, doanh nghiệp xuất khẩu cần tận dụng các cam kết cắt giảm thuế trong các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam và Nhật Bản cùng là thành viên như Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản (AJCEP), Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…

Mặt khác, doanh nghiệp nên tham gia các hội chợ triển lãm quốc tế giới thiệu hàng hóa sản phẩm của mình với các khách hàng nước ngoài; tận dụng các kênh hỗ trợ của Việt Nam và Nhật Bản như Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Xuất nhập khẩu, các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Sở Công Thương, các hiệp hội ngành hàng, các tổ chức xúc tiến thương mại của nước ngoài.

Đại diện Central Retail tại Việt Nam khẳng định: Với mong muốn phát triển bền vững tại Việt Nam, Tập đoàn Central Retail luôn cam kết đóng góp vào sự thịnh vượng của Việt Nam cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống của người Việt.

Do đó, Central Retail không ngừng nỗ lực để đồng hành cùng Bộ Công Thương và các địa phương trong các hoạt động kết nối giao thương một cách hiệu quả, thiết thực nhất.

Đóng góp vào sự thịnh vượng của Việt Nam thông qua thế mạnh ở mảng bán lẻ thực phẩm, Central Retail đang nỗ lực đồng hành cùng các bộ, ngành và các địa phương để thực hiện nhiều chương trình xúc tiến quảng bá cho hàng Việt.

Đáng lưu ý, đã có nhiều doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thành công và đáp ứng đúng nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng của người Thái Lan. Hơn nữa, hậu COVID-19, Thái Lan cũng đang dần mở cửa nền kinh tế - nhu cầu nhập khẩu với những sản phẩm Việt Nam đang mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt.

Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan vào cuối năm nay sẽ nhận được sự đồng hành của doanh nghiệp Việt Nam nhằm đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng Việt Nam qua thị trường Thái Lan và các quốc gia khác, qua đó góp phần cân bằng cán cân thương mại giữa 2 nước./.

>>>Kết nối đưa Tây Nguyên cất cánh

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục