Kết nối tiêu thụ hàng hoá trong giai đoạn bình thường mới

16:11' - 16/10/2021
BNEWS Các địa phương triển khai nhiều biện pháp kết nối cung cầu nhằm tiêu thụ hàng hoá trong giai đoạn bình thường mới.

Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, ngoài việc ổn định kênh phân phối, các địa phương đang tích cực triển khai nhiều biện pháp kết nối cung cầu nhằm tiêu thụ hàng hoá trong giai đoạn bình thường mới.

Theo Vụ Thị trường trong nước, Sở Công Thương Hà Nội đang tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ cung cấp thông tin, kết nối sản phẩm trái cây, nông sản thực phẩm các tỉnh vào các kênh phân phối, chợ truyền thống, siêu thị, nhà hàng kinh doanh ăn uống.

Đồng thời hỗ trợ các tỉnh Quảng Ninh, Bình Phước, Khánh Hòa và Quảng Trị giới thiệu 50.000 tấn nông thủy hải sản, sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại thị trường Hà Nội.

Cùng với đó, các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ trên địa bàn thành phố tiếp tục duy trì thực hiện nghiêm việc phòng, chống dịch như đeo khẩu trang, thực hiện 5K, lắp đặt màn ngăn giọt bắn, tấm chắn tránh tiếp xúc trực tiếp… để đảm bảo an toàn cho người dân mua sắm hàng hoá.

Ngoài ra, để hoạt động kết nối cung cầu phát huy tối đa hiệu quả, các địa phương đang tập trung ổn định kênh phân phối để đưa hàng hoá đến tận tay người tiêu dùng.

Cụ thể, tại tỉnh Tiền Giang hiện có 134 chợ truyền thống, chiếm tỷ lệ 74% đang hoạt động, ngoài ra còn có 4/4 siêu thị và chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh, VinMart+ vẫn duy trì hoạt động, đảm bảo cung cấp đầy đủ các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân với giá cả ổn định.

Một số nhà phân phối sử dụng kênh phân phối trực tuyến, người mua sử dụng hình thức mua sắm và thanh toán trực tuyến, hàng hóa nhận tại nhà đã tạo ra xu hướng phân phối hàng hóa kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến.

Cũng theo Vụ Thị trường trong nước, tại Tp. Hồ Chí Minh, đến ngày 15/10 đã có 68 chợ truyền thống, tăng 20 chợ so với ngày 14/10 và chính thức hoạt động tại các quận: 1, 3, 5, 8, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú; huyện Củ Chi, Cần Giờ và thành phố Thủ Đức.

Ngoài các chợ quy mô nhỏ, những chợ có quy mô lớn như Bến Thành (quận 1), Bình Tây (quận 6), An Đông (quận 5)... đều đã được cho mở trở lại; trong đó chợ An Đông cho mở lại với tất cả các ngành hàng. Hiện nay vẫn còn 8 quận huyện chưa mở lại chợ gồm quận 4, 6, 7, Gò Vấp, Phú Nhuận, huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè.

Tại một số chợ mở lại, dù lượng khách chưa nhiều, một số tiểu thương có tâm lý ngại mở bán nhưng ban quản lý nhiều chợ vẫn xem xét các phương án tăng dần quy mô hoạt động; trong đó ngoài mặt hàng lương thực thực phẩm, một số chợ dự kiến cho bán thêm các mặt hàng không thiết yếu như thời trang, đồ gia dụng, hóa mỹ phẩm....

Các chợ được mở lại phải tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch theo bộ quy tắc của Thành phố ban hành.

Bên cạnh đó, điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa tại 3 chợ đầu mối Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Điền vẫn tiếp tục hoạt động ổn định, duy trì việc tập kết, trung chuyển hàng hóa, lương thực thực phẩm cho các hệ thống phân phối trên địa bàn Thành phố và các tỉnh, trung bình từ 1.000 – 1.200 tấn thực phẩm, rau củ quả/đêm.

Các siêu thị và cửa hàng tiện lợi vẫn duy trì hoạt động với 106/106 siêu thị, số lượng cửa hàng tiện lợi mở lại ngày càng tăng lên, đến nay có 2.976/3101 cửa hàng tiện lợi, có thêm 2 cửa hàng hoạt động trở lại so với ngày 14/10/2021 để phục vụ nhu cầu hàng hóa thiết yếu của người dân.

Tại Tiền Giang, tổng số doanh nghiệp trong Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh là 186 doanh nghiệp. Đến thời điểm này, tỉnh đã công nhận phương án sản xuất “3 tại chỗ” cho 46 doanh nghiệp trong Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp, chiếm 24,7% với tổng số lao động thực hiện phương án là 50.677 người; 140/186 doanh nghiệp còn lại trong Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp tạm dừng hoạt động.

Riêng với các doanh nghiệp ngoài Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp có khoảng 417/897 doanh nghiệp, hợp tác xã ngoài Khu, Cụm công nghiệp đang hoạt động./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục