Kết nối tiêu thụ nông sản, hàng công nghiệp Vĩnh Long và Tp. Hồ Chí Minh

18:41' - 22/07/2022
BNEWS Ngày 22/7, Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long tổ chức hội nghị kết nối cung cầu, tiêu thụ nông sản, hàng công nghiệp giữa tỉnh Vĩnh Long và Tp. Hồ Chí Minh năm 2022.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Liệt nhấn mạnh, hội nghị kết nối cung cầu lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở ra nhiều cơ hội giao thương, liên doanh, liên kết, phát triển mở rộng thị trường của các tổ chức và doanh nghiệp tại hai địa phương, đồng thời cũng là dịp để nhà đầu tư đến Vĩnh Long khảo sát và đầu tư vào hạ tầng thương mại dịch vụ của tỉnh.

 

Ngoài ra, đây còn là dịp để các doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh Vĩnh Long quảng bá thương hiệu, giao lưu trao đổi học tập kinh nghiệm và ký kết thỏa thuận các hợp đồng kinh tế, thiết lập các kênh phân phối nhằm mở rộng thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho sản phẩm hàng hóa của tỉnh Vĩnh Long đến tay người tiêu dùng cả nước nói chung và Tp. Hồ Chí Minh nói riêng, tạo động lực cho các doanh nghiệp phát triển kinh tế trên con đường hội nhập.

Tại hội nghị, các doanh nghiệp của tỉnh Vĩnh Long đã ký kết 16 bản ghi nhớ hợp tác với các hệ thống phân phối, chợ đầu mối và các sàn thương mại điện tử tại Tp. Hồ Chí Minh, tỉnh Vĩnh Long để trao đổi, ký hợp đồng tiêu thụ hàng hóa nông sản, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu (OCOP).

Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long ký kết với 3 chợ đầu mối, 7 hệ thống phân phối, 4 Sàn thương mại điện tử tại Tp. Hồ Chí Minh và tỉnh Vĩnh Long về hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất thu mua hàng nông sản, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của Vĩnh Long trong thời gian tới và nghiên cứu đầu tư hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh.

Vĩnh Long là một trong những tỉnh nằm giữa vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có điều kiện tự nhiên ưu đãi, có thế mạnh về phát triển nông nghiệp, với các loại nông sản có chất lượng và sản lượng lớn như: lúa gạo, trái cây, rau củ quả các loại…

Hàng năm, Vĩnh Long sản xuất được trên 900.000 tấn lúa, 660.000 tấn trái cây các loại, 680.000 tấn rau, đậu các loại. Bên cạnh đó, Vĩnh Long cũng là địa phương có ngành chăn nuôi, thủy sản phát triển của khu vực với tổng đàn gia cầm đạt 9,4 triệu con, đàn bò khoảng 90.000 con và đàn heo trên 240.000 con.

Ngoài ra, tỉnh hiện có 118 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, 73 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, các sản phẩm có thế mạnh của tỉnh đã được đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu trên thị trường.

Tuy nhiên, năm 2021 và đầu năm 2022, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, tình hình tiêu thụ nông sản của tỉnh gặp không ít khó khăn, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, đồng thời chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP, đặc biệt là nông sản của tỉnh vẫn chưa được đẩy mạnh và phát triển theo hướng bền vững.

Bên cạnh đó, tình trạng nông sản được mùa rớt giá, đầu ra nông sản không ổn định, nhất là khi vào vụ thu hoạch rộ đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và phát triển kinh tế của hộ nông dân và doanh nghiệp.

Với mục tiêu phát triển các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, ổn định đầu ra, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng sản phẩm, UBND tỉnh Vĩnh Long đã chỉ đạo Sở Vĩnh Long xây dựng chương trình, kế hoạch hàng năm để xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu trong và ngoài nước đặc biệt là thị trường nội địa với gần 100 triệu dân; trong đó, có Thành phố Hồ Chí Minh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục