Kêu gọi doanh nghiệp chăn nuôi cùng chung tay bình ổn giá thịt lợn

15:39' - 27/05/2020
BNEWS UBND tỉnh Đồng Nai kêu gọi các doanh nghiệp chăn nuôi lợn trên địa bàn chia sẻ, có trách nhiệm với cộng đồng, cùng nhà nước ổn định giá cả thị trường theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, năm 2019 vừa qua, ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do dịch tả lợn châu Phi bùng phát gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Đến nay, sau khi hết dịch, việc tái đàn lợn được tập trung thực hiện, nâng tổng đàn trên địa bàn lên hơn 80% so với thời điểm trước dịch. 

Tuy nhiên, do sản lượng thịt lợn vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng, dẫn đến tình trạng mất cân đối cung – cầu khiến giá thịt lợn tăng và duy trì ở mức cao.

Trước thực trạng trên, ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất chăn nuôi đồng hành cùng các cơ sở chăn nuôi trong việc tái đàn lợn, chia sẻ về giá cả, cung cấp con giống, thức ăn, hỗ trợ kỹ thuật góp phần phát triển sản xuất chăn nuôi, ổn định giá cả thị trường theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ông Chánh cũng đề nghị, doanh nghiệp đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; khuyến khích tăng đàn và hợp tác liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ với các cơ sở, hộ cá thể, phát triển chăn nuôi bền vững.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cũng yêu cầu các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh thực hiện chương trình bình ổn giá thịt lợn; hướng dẫn, hỗ trợ người dân, các cơ sở chăn nuôi trong việc tái đàn; tháo gỡ vướng mắc về vốn và các thủ tục hành chính trong cấp phép, xây dựng và phát triển chăn nuôi lợn.

Theo ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, lợn giống đang là vấn đề khó khăn nhất của người chăn nuôi thời điểm hiện nay để thực hiện tái đàn. Với mức giá lợn giống hơn 200.000 đồng/kg như hiện nay, người chăn nuôi phải bỏ ra hơn 4 triệu đồng để mua được 1 con lợn có trọng lượng 20kg để nuôi.

“Với mức giá cao như thế này sẽ là rủi ro rất lớn cho người chăn nuôi khi tái đàn”, ông Đoán cho biết.

Ngoài ra, người chăn nuôi hiện vẫn khó có khả năng tiếp cận nguồn tín dụng để tái đàn. “Do nguy cơ về dịch bệnh vẫn còn, trong khi giá lợn giống quá cao, các đơn vị cung cấp thức ăn chăn nuôi cũng thận trọng hơn khi thanh toán trả sau, khiến người chăn nuôi khó tiếp cận được nguồn tín dụng ưu đãi”, ông Đoán cho biết./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục