Khả năng hiệu ứng domino bao phủ khắp các nền kinh tế trong năm 2019

05:30' - 11/03/2019
BNEWS Tổng thống Donald Trump với tham vọng bảo vệ lợi ích kinh tế Mỹ đã làm rung chuyển toàn bộ hệ thống thương mại toàn cầu. Đó là chất Mỹ điển hình, khi một quốc gia dám đứng ra cáng đáng mọi hậu quả.
Căng thẳng thương mại tăng cao ở những nền kinh tế lớn nhất thế giới làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xảy ra một làn sóng domino. Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, tình hình căng thẳng thương mại tăng cao ở những nền kinh tế lớn nhất thế giới đang làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xảy ra một làn sóng domino bao phủ khắp các nền kinh tế. 

* Bấp bênh quan hệ Mỹ - Trung

Ngày nay, xuất hiện những dấu hiệu về một sự lung lay nghiêm trọng với hiệu ứng domino trải dài. Mặc dù đã có những dự đoán lạc quan về khả năng đạt thỏa thuận thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc, song việc Tổng thống Trump đang quay trở lại với chủ nghĩa song phương, nếu không muốn nói là chủ nghĩa đơn phương, trong các mối quan hệ quốc tế cho thấy ông đang làm đảo lộn một cách nguy hiểm nền kinh tế thế giới vốn đã rất mong manh. 

Hậu quả là lạm phát nhập khẩu tại Mỹ tăng lên vì thuế quan làm tăng chi phí ước tính lên đến 100 tỷ USD đối với người tiêu dùng Mỹ. Nhưng hiện tại, ngay cả khi những sản phẩm nhập khẩu bị đánh thuế, người Mỹ vẫn chưa cảm nhận được điều đó vì sức mua của đồng USD ở nước ngoài cũng tăng lên. Thị trường chứng khoán tăng điểm.

Điều này chắc chắn mang lại lợi ích cho ông Trump - người tự cho mình là một thiên tài kinh tế, nhưng đã nhanh chóng quên đi rằng hàng xuất khẩu tiếp tục bị trừng phạt bởi việc tăng giá của đồng USD, bất chấp những cam kết của ông Trump. 

Tất cả điều đó đã được Tổng thống Trump dùng như là lý lẽ phòng vệ trước những khiếu nại vây quanh: “Tôi hay là sự hỗn loạn”. Về truyền thống, Mỹ dựa vào Trung Quốc, nguồn hàng giá rẻ liên tục và dồi dào đã cho phép dân Mỹ kiếm sống.       

Người Mỹ cũng dựa vào Trung Quốc để mua những trái phiếu Chính phủ nhằm tài trợ cho các khoản thâm hụt ngân sách đang được nới rộng theo thời gian. Thế nhưng về mặt hải quan, phải biết rằng mức thuế trung bình của Trung Quốc chỉ là 3,5%.

Con số này đã giảm so với con số 32% hồi năm 1992. Những biện pháp đối phó của Trung Quốc sẽ khiến các nhà sản xuất Mỹ tăng thêm chi phí, ví như nông dân xuất khẩu mỗi năm sang Trung Quốc khoảng 13 tỷ USD đậu tương. Tổng quan mà nói, Trung Quốc bán nhiều hơn là mua từ Mỹ; nên họ mất nhiều hơn trong cuộc chiến này. 

Tuy nhiên, vì nước này cũng là khách hàng mua nhiều nguyên liệu thô nhất thế giới nên rủi ro này được chia sẻ bởi tất cả các đối tác thương mại Trung Quốc, trong đó có Mỹ. Nói cách khác, nếu Trung Quốc phải rơi vào một cơn suy thoái, Mỹ sẽ sớm theo sau.

Mặt khác, vấn đề đặt ra là nợ công Mỹ. Trung Quốc nắm giữ hơn 1.100 tỷ USD trái phiếu Mỹ, chiếm 37% dự trữ ngoại hối, đã bán ròng cổ phiếu Mỹ vào mùa Xuân năm ngoái. Dường như sự giận dữ với chủ nợ chính của họ không phải là điều tốt cho nước Mỹ khi mà các khoản nợ thường được sử dụng như một thứ vũ khí, thậm chí còn nguy hiểm hơn hàng rào thuế quan.

* Kinh tế Trung Quốc suy yếu 

Tuy nhiên, Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng dường như đang thể hiện một vài dấu hiệu suy yếu. Sản xuất công nghiệp ở nước này cũng như sự tăng trưởng đầu tư thấp hơn mức dự báo trong tháng 7/2018.

Các khoản đầu tư bằng nguồn vốn cố định, "đong đếm" những khoản chi cho cơ sở hạ tầng, cho thấy sự khó khăn thực sự chưa từng được biết đến ở Trung Quốc kể từ gần 20 năm qua.

Hơn nữa, những nỗ lực của Chính phủ nhằm kiềm chế gánh nặng nợ khổng lồ đã phần nào tác động lên hoạt động kinh tế, nhất là những chỉ dấu minh chứng cho tính mong manh mới trong nhu cầu nội địa Trung Quốc sau cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Tuy nhiên, Trung Quốc đang nỗ lực để thúc đẩy tiến trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ trên thị trường thế giới và Trung Quốc rất muốn tận dụng những lợi ích từ việc phá vỡ những thỏa thuận với Tehran khi châu Âu một lần nữa lại "ngủ quên" trong vấn đề hạt nhân Iran: dầu mỏ của nước này có thể cung ứng cho toàn bộ thị trường châu Á. Giờ đây, để đi đến Tehran thì cần phải thanh toán bằng đồng nhân dân tệ cho Iran Air. Tất cả chỉ là biểu tượng. 

* Hiệu ứng domino dàn trải 

Sau Trung Quốc và Mỹ, chúng ta phải kể đến trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ. Nguyên nhân chính là sự phụ thuộc vào các nguồn vốn nước ngoài tính bằng đồng USD cũng như phần lớn các nước đang trong tình trạng khó khăn khi không thu đủ số USD này để giải quyết các món nợ.

Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục sụt giảm 6,3%, ở mức 6,86 lira/USD vào trung tuần tháng 8/2018. Đồng USD đã nhanh chóng chạm mức cao kỷ lục 7,61 lira. Quỹ Kapstream đánh giá rằng một sự gia tăng với biên độ rộng của tỷ giá hối đoái từ 5% đến 10% là cần thiết để hy vọng lật ngược tình thế. Vấn đề của Thổ Nhĩ Kỳ có chút giống với trường hợp của châu Âu: muốn tránh rủi ro tài chính và tiền tệ gây ra bởi cuộc khủng hoảng ngân hàng.

Theo Ngân hàng Goldman Sachs, sự sụt giảm của đồng lira ở mức 7,1 lira/USD là mối đe dọa cho tính ổn định của hệ thống ngân hàng địa phương. Trên thị trường chứng khoán Istanbul, nhóm cổ phiếu khu vực ngân hàng đã mất đến gần 10% giá trị. Trong những điều kiện này, việc đầu cơ quốc tế là nguyên nhân khiến đồng lira giảm.

Phản ứng yếu ớt của Chính quyền Erdogan cho thấy sự bất lực khi quyết định tiến hành điều tra đối với những chủ thể “đe dọa an ninh kinh tế của đất nước” và phát tán những tin đồn thất thiệt về ngân hàng và các công ty lớn của Thổ Nhĩ Kỳ với án phạt lên đến 5 năm tù. 

Trên các hệ thống mạng xã hội, gần 350 tài khoản nằm trong tầm kiểm soát của giới cầm quyền Thổ Nhĩ Kỳ, vốn buộc tội những chủ thể nói trên đã cố tình gây ra sự sụt giảm của đồng lira. Tất cả các thị trường mới nổi đều phải chịu áp lực ngay sau Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhất là đồng rand của Nam Phi và đồng rupiah của Indonesia. Một hiệu ứng domino đang diễn ra và bắt đầu lây nhiễm sang các đồng tiền của các nước được đánh giá là mỏng manh, vì phụ thuộc vào nguồn vốn nước ngoài. 

Đồng ruble (rúp) của Nga, đồng peso của Argentina, đồng real của Brazil và đồng peso của Mexico cũng đồng loạt giảm từ 4% đến 6% giữa mùa Hè vừa qua. Thật vậy, các nhà đầu tư lo ngại về những hậu quả việc đồng USD tăng giá sẽ làm đội chi phí của các khoản nợ bằng USD.

Vì đồng USD luôn tồn tại và nó là “đồng tiền của chúng tôi và là vấn đề của các bạn”, theo phát ngôn của John Connolly, Bộ trưởng Tài chính dưới thời Tông thống Richard Nixon năm 1971. 

Ông Trump tuyên bố đấu tranh chống một đồng USD mạnh, nhưng có những cơ chế chống lại những điều mà không ai có thể làm gì được. Trong khi đó, châu Âu cũng không phải là ngoại lệ khi các cổ phiếu ngân hàng cũng phải chịu nhiều áp lực.

JP Morgan nhắc lại rằng “các mối liên kết tài chính và thương mại của Thổ Nhĩ Kỳ với châu Âu mạnh mẽ hơn nhiều so với những nền kinh tế mới nổi khác”. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đặc biệt lo ngại cho UniCredit và BNP Paribas vốn đầu tư rất nhiều vào nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong cùng thời gian, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ nâng lãi suất, điều này thông thường sẽ gây những hệ quả xấu đối với tài sản của những nước mới nổi. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ không thể xử lý tình trạng mất giá của đồng nội tệ, nền kinh tế của họ sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng và thu nhập của 83 triệu dân nước này sẽ sụt giảm thê thảm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục