Những thách thức đối với kinh tế Trung Quốc trong năm 2019

05:30' - 02/02/2019
BNEWS Thêm vào đó, những mức áp thuế mới từ Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng là yếu tố khiến cho nền kinh tế này gặp nhiều khó khăn trong năm 2019.
Hàng hóa được xếp tại cảng Dương Sơn, Thượng Hải, Trung Quốc ngày 1/11/2018. Ảnh: THX/TTXVN

Theo tờ Financial Review, nền kinh tế Trung Quốc nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với một năm khó khăn nhất trong suốt một thập kỷ qua trong năm 2019. Nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo tăng trưởng thực tế của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ sụt giảm xuống mức 4% cùng với sự giảm sút niềm tin của người tiêu dùng.

* Thực trạng kinh tế yếu kém

Cuộc chiến thương mại gây thiệt hại với Mỹ đang làm tăng thêm mối lo ngại ở Trung Quốc khi kinh tế của nước này có dấu hiệu tăng trưởng chậm dần. Trong ba tháng tính đến tháng 12/2018, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ tăng trưởng 6,4% so với cùng kỳ một năm trước đó, giảm từ mức 6,5% của quý trước đó. Trong cả năm 2018, kinh tế Trung Quốc chỉ "nhích" có 6,6%, tốc độ tăng trưởng chậm nhất kể từ năm 1990. 

Dữ liệu này phù hợp với dự báo nhưng vẫn nhấn mạnh mối lo ngại gần đây về sự suy yếu tăng trưởng trong nền kinh tế Trung Quốc. Tỷ lệ tăng trưởng này đã làm dấy lên lo ngại về tiềm năng của hiệu ứng dây chuyền với nền kinh tế toàn cầu với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung làm tăng thêm viễn cảnh ảm đạm. 

Các số liệu chính thức được công bố ngày 21/1 cho thấy tốc độ tăng trưởng từng quý là yếu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã giảm dần trong nhiều năm, nhưng mối lo ngại về tốc độ chậm lại ở nước này tăng lên trong những tháng gần đây khi các công ty gióng lên hồi chuông cảnh báo về thị trường quan trọng. 

Đầu tháng này, hãng Apple đã cảnh báo sự yếu kém ở Trung Quốc sẽ ảnh hưởng doanh số. Các nhà sản xuất ô tô và các công ty khác đã lên tiếng về tác động của cuộc chiến thương mại với Mỹ. Chính phủ Trung Quốc đã và đang cố gắng tránh xa sự tăng trưởng nhờ vào xuất khẩu để phụ thuộc nhiều hơn vào giới tiêu dùng trong nước.

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc tăng cường nỗ lực trong những tháng gần đây để hỗ trợ nền kinh tế. Những biện pháp thúc đẩy nhu cầu bao gồm đẩy nhanh các dự án xây dựng, cắt giảm một số thuế và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại. Nhà kinh tế học Trung Quốc Julian Evans-Pritchard cho biết nền kinh tế của nước này vẫn còn yếu vào cuối năm 2018 “nhưng đã đứng vững hơn sự lo ngại của nhiều người”. 

Ông Julian Evans-Pritchard nói: “Tuy nhiên, với những cơn gió ngược từ việc làm dịu tăng trưởng toàn cầu và tác động bị trì hoãn của sự tăng trưởng chậm tín dụng giờ đang tăng cường... Kinh tế Trung Quốc có thể sẽ suy yếu hơn nữa trước khi tăng trưởng ổn định trong nửa sau của năm nay”.

* Những số liệu thống kê thiếu thực tế

Trong khi Chính phủ Trung Quốc công bố mức tăng trưởng kinh tế năm 2018, các nhà lãnh đạo kinh tế của quốc gia này đã đưa ra cảnh báo đối với chính phủ về việc số liệu GDP không phản ánh việc nền kinh tế đang phải đối mặt với rất nhiều thử thách.

Mặc dù ở trong nước, truyền thông liên tục đưa tin về việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phát triển rất ổn định, tăng trưởng cao song các chuyên gia kinh tế đã có những cảnh báo đối với Bắc Kinh về việc không nên tin tưởng vào các số liệu tăng trưởng.

Các số liệu thống kê cho thấy kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,6% trong năm 2018, song nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng con số thực sự của quốc gia này chỉ đạt 5% hoặc thậm chí thấp hơn.

Những phân tích này chủ yếu dựa trên việc trong năm 2018 vừa qua, Trung Quốc đã đầu tư, cấp vốn nhiều cho phát triển năng lượng mới, tiêu thụ thép, xi măng và xử lý nợ xấu.

Các chuyên gia kinh tế chỉ ra nhiều vấn đề của Bắc Kinh như bất động sản giao dịch chậm cũng như những yếu kém về dữ liệu sản xuất và chỉ số bán lẻ thấp.

Các chuyên gia kinh tế thường xuyên đặt ra nghi vấn về chỉ số tăng trưởng GDP của Trung Quốc bởi lịch sử chỉ ra rằng đã nhiều lần Bắc Kinh đưa ra những con số "ảo" về tăng trưởng quốc gia. Điển hình như vụ việc năm 2017 khi chính quyền tỉnh Liêu Ninh, thuộc Đông Bắc Trung Quốc bị phát hiện làm giả dữ liệu tài chính trong nhiều năm cùng nhiều thành phố, quận huyện khác của nước này.

Mặc dù nền kinh tế Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng bỏ xa nhiều nước phương Tây, nhưng Bắc Kinh không tạo ra được những biện pháp kích thích thực sự hiệu quả nhằm đối phó với khả năng khủng hoảng kinh tế thế giới.

Một số nguồn thạo tin gần đây đã tiết lộ rằng Bắc Kinh đang lên kế hoạch hạ mục tiêu tăng trưởng xuống còn 6-6,5% trong năm 2019, trong khi các chuyên gia kinh tế cho rằng kinh tế nước này chỉ đạt mức tăng trưởng trong khoảng 4%./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục