Khắc phục điểm nghẽn để hợp tác xã phát triển bền vững

20:30' - 27/12/2023
BNEWS Để các chính sách hỗ trợ trong Luật Hợp tác xã 2023 đi vào thực tiễn, các chuyên gia cho rằng, cơ quan quản lý cần phân biệt rõ chính sách nào cần thí điểm đánh giá, sau đó nhân rộng mới đạt hiệu quả.

Để làm rõ những nội dung cốt lõi và những điểm mới của Luật Hợp tác xã 2023 so với Luật Hợp tác xã 2012 và nội dung Dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều, biện pháp thi hành Luật Hợp tác xã năm 2023, chiều 27/12, tại Hà Nội, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã tổ chức Hội thảo triển khai Luật Hợp tác xã năm 2023.

Phát biểu tại hội thảo, bà Cao Xuân Thu Vân- Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết, những năm qua, kinh tế tập thể nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực, phát triển cả về số lượng và chất lượng. 

Tính đến tháng 12/2023, cả nước có 31.364 hợp tác xã, 133 liên hiệp hợp tác xã, 120.983 tổ hợp tác; tổng vốn điều lệ của hợp tác xã đạt 60,069 nghìn tỷ đồng; tổng giá trị tài sản là 194,332 nghìn tỷ dồng và đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Qua đó, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân cũng như thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước.

Bà Lê Thị Xuân Quỳnh, Trưởng phòng Chính sách và Hợp tác quốc tế, Cục Kinh tế hợp tác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/ TTXVN

Theo bà Cao Xuân Thu Vân, những kết quả đạt được là do sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và của khu vực kinh tế tập thể. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào hợp tác xã ở nước ta vẫn còn một số hạn chế, bất cập.

 

Chẳng hạn như hợp tác xã còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa có tính liên kết, hợp tác chặt chẽ; năng lực cạnh tranh của hợp tác xã còn hạn chế; hiệu quả hoạt động của một số hợp tác xã chưa cao.

Để khắc phục những hạn chế, bất cập, điểm nghẽn đối với phát triển kinh tế tập thể, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tập thể phát triển, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Luật Hợp tác xã năm 2023 đã được Quốc hội thông qua với nhiều điểm mới, tiến bộ, phù hợp với thực tiễn, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hợp tác xã phát triển.

Đơn cử như việc mở rộng đối tượng tham gia hợp tác xã; trao quyền cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tự quyết định mức cung ứng sản phẩm, dịch vụ ra bên ngoài sau khi đáp ứng nhu cầu của thành viên.

Cùng đó, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả việc quản trị, điều hành hợp tác xã; phát triển các loại hình tổ chức kinh tế tập thể từ thấp đến cao; phát triển hợp tác xã gắn với định hướng, chiến lược, tăng tính tự chủ, cạnh tranh cho các loại hình hợp tác xã.

Đặc biệt, củng cố, nâng cao vai trò của tổ chức đại diện, hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Tại hội thảo, đại diện các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong cả nước tham gia ý kiến đối với dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã năm 2023 và dự thảo Nghị định về đăng ký tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Cùng đó, các đại biểu đã đóng góp nhiều tham luận tâm huyết, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác xã hoạt động hiệu quả, phát triển bền vững.

Theo bà Lê Thị Xuân Quỳnh - Trưởng phòng Chính sách và Hợp tác quốc tế, Cục Kinh tế hợp tác (Bộ Kế hoạch và đầu tư), Luật Hợp tác xã năm 2023 có những điểm mới như: Hoàn thiện các quy định về bản chất hợp tác xã, phát triển thành viên; mở rộng đối tượng tham gia hợp tác xã, gồm cả thành viên chính thức, thành viên liên kết góp vốn và liên kết không góp vốn.

Ngoài ra, còn trao quyền cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tự quyết định mức cung ứng sản phẩm, dịch vụ ra bên ngoài sau khi đáp ứng nhu cầu của thành viên; đa dạng hóa hình thức huy động góp vốn của thành viên.

Đặc biệt, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả việc quản trị, điều hành hợp tác xã; phát triển các loại hình tổ chức kinh tế tập thể từ thấp đến cao, củng cố vai trò của tổ chức đại diện; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với kinh tế tập thể.

Đáng lưu ý, việc triển khai kịp thời một số điểm mới và thay đổi của Luật Hợp tác xã năm 2023 cho lãnh đạo, cán bộ quản lý và thành viên hợp tác xã sẽ góp phần thu hút nhiều thành phần, đối tượng tham gia.

Qua đó, hình thành các tổ chức kinh tế tập thể phát triển năng động, hiệu quả, bền vững, giúp nâng cao thu nhập của các thành viên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.

Trao đổi về điểm mới trong Luật Hợp tác xã năm 2023, ông Vũ Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Hợp Tiến (Ninh Bình) cho hay, nếu như trước đây, các hợp tác xã gặp nhiều khó khăn trong mở rộng thị trường, huy động vốn do Luật Hợp tác xã 2012 quy định giới hạn về việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ra bên ngoài của hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã thì nay đã được bãi bỏ.

Thay vào đó, Luật trao quyền cho hợp tác xã tự quyết định việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ra bên ngoài sau khi đáp ứng đầy đủ nhu cầu của thành viên nhằm giúp hợp tác xã phát triển thị trường bình đẳng như các loại hình doanh nghiệp khác.

Hiện tại, Luật Hợp tác xã 2023 cũng bổ sung chính sách hỗ trợ chuyển đổi tổ hợp tác lên hợp tác xã tương tự như chính sách chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tuy nhiên, để chính sách về vốn đi vào cuộc sống, nhiều hợp tác xã trên địa bàn thành phố Hà Nội cho rằng, các quỹ phát triển hợp tác xã, ngân hàng… cần sớm nghiên cứu, bổ sung thêm hình thức cho vay tín chấp, ủy thác, giải ngân ngay tại cơ sở như Ngân hàng Chính sách xã hội đang thực hiện. Điều này sẽ giúp các hợp tác xã tiếp cận vốn một cách thuận lợi.

Để các chính sách hỗ trợ trong Luật Hợp tác xã 2023 đi vào thực tiễn, các chuyên gia cho rằng, cơ quan quản lý cần phân biệt rõ những chính sách nào cần thí điểm để đánh giá, sau đó nhân rộng mới đạt hiệu quả.

Chẳng hạn như chính sách miễn, giảm thuế có thể thực hiện hỗ trợ trong 2 - 3 năm đầu, nếu sau khi hỗ trợ, hợp tác xã tiếp tục phát triển thì nên thực hiện miễn thuế để tạo động lực cho hợp tác xã phát triển.

Cùng với đó, trong thời điểm hiện nay, hợp tác xã không thể không chuyển đổi số nên điều quan trọng là tạo các nền tảng công nghệ, ứng dụng mà hợp tác xã có thể dùng chung được. Bởi phần mềm quản lý chất lượng sản phẩm cần có sự thống nhất để các hợp tác xã có thể dùng mới tạo được sự đồng đều, thống nhất trong chất lượng và quản lý.

Do đó, để Luật Hợp tác xã 2023 đi vào cuộc sống rất cần sự chung tay của các bộ, ngành, địa phương và sự nỗ lực của chính các hợp tác xã.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục