Khắc phục hậu quả bão số 3: Hà Nội chủ động xử lý các điểm đê xung yếu, sạt lở đất

16:19' - 23/07/2025
BNEWS Hiện các trạm bơm tiêu đang vận hành linh hoạt để kiểm soát mực nước trong kênh, đồng thời lực lượng xung kích ứng trực thường xuyên tại các điểm dễ úng ngập.
Tại Hà Nội, qua kiểm tra các điểm đê xung yếu, nhiều khả năng gây sạt lở đất trên tuyến đê tả Bùi, khu vực Đồng Mô, ven sông Tích..., UBND các xã đã triển khai các phương án trực chiến, không để xảy ra nguy hiểm đến tài sản và tính mạng của người dân.

Ông Bùi Mạnh Thắng, Chủ tịch UBND xã Quảng Bị cho biết, qua kiểm tra thực địa trên tuyến đê tả Bùi, đoạn thôn 5, đoàn công tác của xã đã ghi nhận mặt đê xuất hiện nhiều vết lún sụt, nứt nẻ, xuống cấp. Xã Quảng Bị đã yêu cầu cơ quan chuyên môn phối hợp các thôn tăng cường công tác ứng trực, kịp thời phát hiện sẵn sàng triển khai phương án hộ đê, sơ tán dân, khơi thông dòng chảy tiêu thoát nước...

Tại địa bàn xã Quảng Bị, thôn Đồng Dâu có địa hình trũng thấp, nguy cơ úng ngập, cô lập hàng trăm hộ dân khi mực nước sông Bùi dâng cao. Đoàn công tác cũng đã kiểm tra các trạm bơm tiêu như Yên Duyệt, An Vọng, nơi đảm nhận nhiệm vụ tiêu úng cho cả khu vực Quảng Bị và một phần các xã lân cận. Tuy nhiên, một số kênh mương tiêu thoát như máng Ông Canh đi qua Lương Xá thường xuyên tắc nghẽn do chảy qua khu dân cư, lòng máng hẹp, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả tiêu úng trong thời điểm mưa bão.

 
Bên cạnh đó, xã cũng đã thành lập Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự, phân công nhiệm vụ, địa bàn cụ thể đến từng thành viên. Lực lượng xung kích tại chỗ đã được củng cố, chuẩn bị đầy đủ vật tư gồm 500m³ đất đá, 2.000 bao tải. Các phương án sơ tán dân, bảo vệ công trình, phục hồi sản xuất cũng được rà soát, hoàn chỉnh...

Hiện các trạm bơm tiêu đang vận hành linh hoạt để kiểm soát mực nước trong kênh, đồng thời lực lượng xung kích ứng trực thường xuyên tại các điểm dễ úng ngập. Việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân bảo vệ tài sản, chủ động ứng phó mưa lớn, lũ rừng ngang cũng đang được tăng cường.

Tại khu vực có nguy cơ cao sạt lở đất đá ở ven sông Tích, hồ Đồng Mô... UBND xã Đoài Phương đã chủ động chuẩn bị đầy đủ lực lượng xung kích và phương tiện cần thiết như thuyền, áo phao, phao cứu sinh, cưa máy... để sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra; dừng toàn bộ hoạt động đánh bắt cá, du lịch, vận tải trên hồ Đồng Mô từ 18h ngày 21/7. Đặc biệt, UBND xã đã xây dựng phương án di dời người, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Ông Nguyễn Quang Hán, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Đoài Phương cho biết, trước diễn biến phức tạp của mùa mưa bão năm nay, ngay từ ngày 14/7, xã Đoài Phương đã thành lập Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự xã. Đặc biệt, ngay sau trận dông lốc chiều 19/7 và thực hiện Công điện số 112, 117 của Thủ tướng Chính phủ, Công điện số 08 của Chủ tịch UBND thành phố, xã đã ban hành văn bản yêu cầu các cơ quan đơn vị, các thôn trên địa bàn triển khai thực hiện ngay một số công việc cụ thể theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, chủ động ứng phó với bão số 3.

Các đơn vị đã khẩn trương rà soát, kiểm tra bảo đảm an toàn hệ thống lưới điện, cây xanh, cáp quang viễn thông, công trình thuỷ lợi, đê điều, công trình nhà ở dân cư (mái tôn, téc nước ở trên cao...), trụ sở các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp; kiểm tra các khu vực có nguy cơ ảnh hưởng bão cao ở ven sông Tích, hồ Đồng Mô, công trình nhà ở tạm bợ, không bảo đảm.

Sự cố nứt dọc mặt đê bê tông tại vị trí K25+630 – K25 +680 đê Hữu Cầu thôn Bắc Vọng, xã Đa Phúc xảy ra vào ngày 17/7, đã được Ban Quản lý duy tu các công trình Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội đã khắc phục. Ban Quản lý duy tu các công trình Nông nghiệp và Môi trường đã bóc toàn bộ một nửa bê tông mặt đường phía Hạ lưu phần bị nút, lún và hoàn trả bằng bê tông mới với chiều dài khoảng 20m. Ngày 19/7/2025 phòng Kinh tế xã Đa Phúc chủ động phối hợp với Hạt Quản lý đê số 7 và đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra thực tế tại hiện trường thấy phần bê tông mặt đường bị nứt, lún đã hoàn trả bằng lớp bê tông mới.

Bà Đỗ Thu Nga, Chủ tịch UBND xã Đa Phúc cho biết, trước tình hình cơn bão số 3 diễn biến bất thường và phức tạp, UBND xã đã tổ chức 3 đoàn đi kiểm tra thực tế và triển khai các phương án ứng phó cơn bão số 3 theo phương châm "4 tại chỗ"; đồng thời kiểm tra việc trực ban của một số phòng, ban, đơn vị, lực lượng tuần tra canh gác đê; kiểm tra công trình đê, kè, cống, đặc biệt là kiểm tra theo dõi diễn biến sự cố nêu trên. Bên cạnh đó, chỉ đạo đài truyền thanh xã tăng cường thông tin, tuyên truyền về mức độ nguy hiểm của sự cố để người dân biết chủ động phòng tránh.

Theo ông Nguyễn Đình Hoa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội, tinh thần ứng phó với hoàn lưu sau bão số 3 của thành phố Hà Nội là khẩn trương, quyết liệt, kịp thời, hiệu quả, không để bị động, bất ngờ trong ứng phó với thiên tai, đặc biệt là nguy cơ mưa lớn, úng ngập, sạt lở đất do hoàn lưu bão.

Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội cũng đề nghị các phường, xã tiếp tục triển khai nghiêm túc các công điện của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội về phòng, chống bão số 3 và mưa lũ sau bão; trong đó, cần ưu tiên bảo đảm an toàn cao nhất tính mạng, tài sản của người dân.

Đặc biệt, rà soát kỹ các khu dân cư, kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ mất an toàn để chủ động bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng di dời dân ra khỏi nơi khu vực nguy hiểm. Đồng thời, tổ chức kiểm soát, hướng dẫn giao thông trong thời gian xảy ra mưa lũ, nhất là việc đi lại qua ngầm tràn, khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, đường giao thông ngập nước…

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục