Khắc phục sự đứt gãy của chuỗi sản xuất, phát triển bền vững lâu dài

16:29' - 13/06/2020
BNEWS Tại phiên thảo luận ngày 13/6, các đại biểu đã đưa ra nhiều phân tích sâu sắc về bức tranh kinh tế, các cơ chế, chính sách, và giải pháp để khôi phục kinh tế sau dịch COVID-19.


Tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, ngày 13/6, các đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) và Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) đã đưa ra nhiều phân tích sâu sắc về bức tranh kinh tế, các cơ chế, chính sách, và giải pháp để khôi phục kinh tế sau dịch COVID-19.

Ý kiến đại biểu cho thấy,  khi kinh tế suy giảm, nguyên lý cơ bản là nới lỏng chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, tăng chi tiêu công và tăng cung ứng vốn để kích thích nền kinh tế tăng cung.

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 làm cả cung và cầu đều suy giảm nên việc nới lỏng mỗi chính sách cần phải có liều lượng phù hợp.

Cần có “khoảng lặng” để đánh giá và hạn chế tác động tiêu cực của chính sách

Theo đại biểu Hoàng Quang Hàm, phải đặt ra ngưỡng trần không được vượt qua, lường trước các rủi ro để điều hành và đặc biệt, “để thúc đẩy sản xuất lại, phải quay về các câu hỏi kinh điển là sản xuất gì, sản xuất như thế nào, bán cho ai để cơ cấu lại nền kinh tế và phải đặt trong bối cảnh chúng ta đã hội nhập sâu, độ mở của nền kinh tế lớn”.
Đại biểu cho rằng, các chính sách miễn, giảm, giãn thuế thu ngân sách chỉ phù hợp cho các doanh nghiệp còn hoạt động, có doanh thu, có lãi, không bao quát hết các doanh nghiệp khó khăn. Cần có thêm chính sách đối với các doanh nghiệp ngừng hoạt động do thiếu vốn, do đứt đoạn nguồn cung đầu vào hoặc thị trường đầu ra.

Để đảm bảo dòng tiền cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, dự báo còn kéo dài, ngoài chính sách tiền tệ, cần tiếp tục giãn thời gian nộp thuế, kể cả năm 2021.

Giãn thuế thường có hiệu quả tức thời và để khắc phục khó khăn tạm thời thường hiệu quả hơn miễn thuế, không làm giảm thu ngân sách.

Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý nới lỏng chính sách tiền tệ, phải kiểm soát được các chỉ số an toàn nợ của ngân hàng, không để phát sinh nợ xấu quá mức và phải kiểm soát được lạm phát.
“Một vấn đề lớn hiện nay là dịch COVID-19 gây đứt gãy chuỗi sản xuất có thể kéo dài nhiều năm. Để lấp đầy lỗ hổng của chuỗi sản xuất, ngoài việc thu hút, chọn lọc đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), phát triển kinh tế tư nhân, cần tính đến vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước theo quy định của Hiến pháp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước, theo đúng phương châm là đầu tư vào lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác không làm, do không mang lại hiệu quả hoặc do không đáp ứng được đòi hỏi phải có số vốn đầu tư lớn”, ông Hoàng Quang Hàm nói.
Từ quan điểm trên, ông cho rằng, để thực hiện được cần nhìn nhận lại doanh nghiệp nhà nước, bộ phận chủ yếu của kinh tế nhà nước ở hai khía cạnh.

Một, do phải đầu tư vào các lĩnh vực các thành phần kinh tế khác không làm, nên trong các trường hợp này, phải nhìn nhận khách quan, hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, không thể đòi hỏi lợi nhuận, hệ số sử dụng vốn như trong các điều kiện bình thường khác. Có như vậy, doanh nghiệp trong nước mới dám đầu tư.

Hai, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước phải coi là cơ cấu lại danh mục nhà nước đầu tư, nên tiền thu được ngoài việc nộp ngân sách để chi đầu tư, cần phải dành nguồn cho đầu tư mở rộng doanh nghiệp nhà nước, kể cả thành lập mới để hoạt động trong các lĩnh vực các thành phần khác không làm.

Đây là vấn đề cần giải quyết để cơ cấu lại nền kinh tế, khắc phục sự đứt gãy của chuỗi sản xuất và phát triển bền vững lâu dài.
Cũng theo đại biểu Hoàng Quang Hàm, với tình hình hiện nay, việc kiểm soát giá cả là cấp bách để đảm bảo ổn định đời sống của nhân dân.

Nền kinh tế Việt Nam là kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, vì vậy, điều tiết giá cả không thể bằng mệnh lệnh hành chính, mà phải bằng quản lý, điều tiết bằng bàn tay vô hình của nhà nước.

Những mặt hàng thị trường quyết định giá, phải nghiên cứu xem tăng giá do sản xuất hay lưu thông để tuyên truyền, định hướng, có biện pháp hỗ trợ.
“Nếu cần thiết, kinh tế nhà nước phải đảm trách, không nên để suốt thời gian qua dư luận cho rằng người dân chỉ được ăn thịt lợn giá rẻ trên tivi. Nếu do khâu sản xuất thì phải kích thích tăng đàn, tăng nhập khẩu. Nếu do khâu lưu thông thì có biện pháp hợp lý, hợp pháp, cần thiết thì cân nhắc cả đến việc nhà nước thu mua trực tiếp, cung ứng trực tiếp cho thị trường”, đại biểu nhấn mạnh.
Ông Hoàng Quang Hàm cũng cho rằng, đại dịch COVID-19 là thảm họa toàn cầu, tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội, chưa có dấu hiệu dừng lại. Để đối phó, cần có biện pháp nhanh, mạnh, dứt khoát.

Trong điều kiện gấp gáp hiện nay, vẫn cần phải có “khoảng lặng” để đánh giá và hạn chế tác động tiêu cực của các chính sách.

Khoảng lặng đó để xem chính sách có đặt mục tiêu không. Kết quả mang lại có vượt trội so với hậu quả tiêu cực của chính sách không. Không phải thời điểm thích hợp để do dự.

“Tôi sẽ bấm nút thông qua việc giảm 30% thuế doanh nghiệp, thuế thu nhập cho các doanh nghiệp quy mô nhỏ, nhưng vẫn còn đó nỗi băn khoăn bao nhiêu phần trăm doanh nghiệp sẽ có lãi để hưởng chính sách này. Các doanh nghiệp lỗ hoặc dừng hoạt động không được hưởng chính sách này chiếm bao nhiêu phần trăm, đã đủ chính sách khác để khôi phục hoạt động chưa? Có công bằng không khi một doanh nghiệp thừa tiêu chí lao động, chẳng hạn sử dụng 150 lao động nhưng doanh thu vượt ngưỡng một chút, ví dụ là 55 tỷ đồng, thì không được hưởng chính sách, trong khi doanh nghiệp sử dụng ít lao động hơn nhiều, có doanh thu ít hơn một chút lại được hưởng chính sách...”, hàng loạt băn khoăn với những câu hỏi được đại biểu này đặt ra.
Ông cho biết “Tôi sẽ thống nhất dừng tăng lương, nhưng sẽ trăn trở liệu có còn thực hiện được chính sách tiền lương mới theo lộ trình Nghị quyết 27 của Trung ương không? Bao giờ thực hiện được? Mọi chính sách tài khóa thông qua là giảm thu hàng tỷ đồng hoặc chi thêm hàng tỷ đồng đã đến ngưỡng giới hạn nguồn lực chưa? Sẽ phải nới bội chi bao nhiêu khi thu giảm sâu như hiện nay?”.

Gia cố nội lực nền kinh tế

Ví đại dịch COVID-19 như một cơn sóng thần, tàn phá, làm đứt gãy chuỗi liên kết cung tiêu của các nền kinh tế, các quốc gia có độ mở thương mại lớn và tăng trưởng dựa vào xuất khẩu như Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đại biểu Phạm Trọng Nhân thẳng thắn chỉ ra, việc đầu tư manh mún, thiếu liên kết giữa các địa phương và phân tán nguồn lực trong phát triển, làm yếu đi nguồn lực nội sinh đã và đang tiếp tục diễn ra nhưng chưa được quan tâm một cách thấu đáo.

Mặc dù, các vùng kinh tế trọng điểm đã được định hình gần 2 thập niên, nhưng đến nay, vẫn chưa hình thành được chuỗi liên kết giá trị đúng nghĩa, chưa là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế.

Ở một chiều hướng khác, đại biểu cho rằng, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)- vốn rất tích cực giúp các địa phương nhìn lại kết quả điều hành - nhưng không nên được hiểu là một nhiệt kế đo “thân nhiệt địa phương” trong thu hút đầu tư, mục tiêu tối thượng vẫn là liên kết mà không phải là cạnh tranh.

Một trong nhiều tồn tại lớn nhất trong liên kết vùng hiện nay được đề cập ở các hội nghị là thể chế liên kết vùng. Tuy nhiên, việc thể chế hóa liên kết vùng với tầm một dự án luật chưa được xem xét trong bất kỳ chương trình nghị sự nào của Quốc hội. Văn bản pháp lý cao nhất cũng chỉ dừng lại ở các quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Việc thiếu khung pháp lý cao nhất về liên kết vùng, cùng với tình trạng thu hút đầu tư nước ngoài còn dàn trải, thiếu nhất quán mà Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị đã nêu, cũng như một thực trạng nền kinh tế bị chia cắt bởi địa giới hành chính mà Báo cáo chính trị Đại hội Đảng lần thứ XII đã nhận định, là nguyên nhân đưa đến câu chuyện 63 nền kinh tế song trùng được nhắc đi nhắc lại tại các hội nghị liên kết vùng.
“Tỉnh Đồng Nai sốt ruột muốn đầu tư kết nối hạ tầng với Thành phố Hồ Chí Minh nhưng ngược lại thành phố thấy bình thường. Bình Dương sốt ruột muốn kết nối với Đồng Nai nhưng Đồng Nai thấy chưa quan trọng, là những bất cập trong đầu tư hạ tầng vùng được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ ra tại Hội nghị Phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vào tháng 5/2019, mà đoạn thắt nút cổ chai Quốc lộ 13 ngắn ngủi giữa Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh là một điển hình”, đại biểu chỉ rõ.
Theo ông Phạm Trọng Nhân, trước những dự báo lạc quan về dòng dịch chuyển đầu tư sau đại dịch, nhiều địa phương cũng bắt đầu rục rịch chủ trương xây dựng các khu công nghiệp.

Tuy nhiên, qua các con số thống kê cho thấy, quy mô đầu tư nước ngoài càng lớn thì nội lực nền kinh tế có chiều hướng yếu đi, dễ tổn thương trước khủng hoảng, mà đại dịch COVID-19 đã phần nào chứng minh.
“Bên cạnh thực trạng chuyển giá, trốn thuế, với 50% doanh nghiệp FDI kê khai báo lỗ, liệu sau những biệt đãi suốt thời gian qua đã tiêu hao bao nhiêu nguồn lực của đất nước? Chúng ta khó lòng vượt qua bẫy thu nhập trung bình với một tiến trình như vậy, do đó việc ứng xử thận trọng với dòng vốn này theo Nghị quyết 50 trong thời gian tới là vô cùng cần thiết”, đại biểu đặt vấn đề.
Lo ngại dù trong thời gian đại dịch vẫn còn diễn biến khó lường, kinh tế trì trệ, nhưng mua bán sáp nhập vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, đại biểu Phạm Trọng Nhân đánh giá, khi các doanh nghiệp Việt vẫn còn loay hoay tìm cách phục hồi sau đại dịch thì đây cũng là cơ hội tốt nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài nhòm ngó và thâu tóm bên cạnh các FTA thế hệ mới đã, đang và sẽ có hiệu lực, tạo thêm nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp FDI vốn đang nắm giữ tỷ trọng chủ lực trong xuất khẩu.

Từ những lý do đó, song hành cùng tổ công tác đón làn sóng đầu tư, đại biểu cho rằng, cần có “một cuộc trở về với doanh nghiệp trong nước, bởi đây mới chính là động lực quan trọng của nền kinh tế.

Trước những diễn biến phức tạp trên và những tồn tại đã được nhận diện, việc gia cố nội lực nền kinh tế tại thời điểm này là vô cùng bức bách”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục