Khai mạc Phiên họp thứ 19 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

17:28' - 11/12/2017
BNEWS Chiều 11/12, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 19 với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 19 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Trọng Đức - TTXVN

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, phiên họp lần này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổng kết Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ năm của Quốc hội; xem xét Báo cáo kết quả giám sát việc ban hành nghị quyết và hoạt động của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; xem xét việc thành lập thị trấn Ninh Cường thuộc huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định.

Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về các nội dung: Việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng giai đoạn 2016-2020; việc điều chỉnh kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015 và giai đoạn 2014-2016; việc giải quyết bồi thường khi nhà ở, công trình nằm ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng bị ảnh hưởng do quá trình thi công xây dựng các dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Thanh Hoá - Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên; việc sử dụng số vốn kết dư sau khi hoàn thành các dự án đóng tàu cảnh sát biển, kiểm ngư thực hiện theo Nghị quyết số 72/2014/QH13 của Quốc hội; việc bổ sung kinh phí mua bù gạo dự trữ quốc gia.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành đánh giá kết quả thực hiện chương trình hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế năm 2017; xem xét, thông qua chương trình hoạt động đối ngoại năm 2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho ý kiến (chỉ đạo, điều hòa) về chương trình hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, các nhóm nghị sĩ hữu nghị, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước và Văn phòng Quốc hội; xem xét, phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2017-2020 tại một số nước; xem xét đề xuất của Chính phủ về việc ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hỗ trợ kinh phí sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thuỷ lợi; cho ý kiến về việc ban hành Nghị định của Chính phủ về hoạt động triển lãm.

* Sau phần phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét Báo cáo kết quả giám sát về việc ban hành nghị quyết và hoạt động của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu.

Tại đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Trưởng ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trần Văn Túy trình bày báo cáo tóm tắt Kết quả giám sát việc ban hành nghị quyết và hoạt động của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo đánh giá của Đoàn giám sát, hoạt động tiếp xúc cử tri được thực hiện nghiêm túc, có sự phối hợp chặt chẽ giữa Thường trực HĐND tỉnh, thành phố với UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp, thường xuyên đổi mới hình thức, nội dung, tăng cường tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, tổ chức tiếp xúc cử tri trực tuyến.

Tỷ lệ đại biểu là cán bộ chủ chốt tham dự các buổi tiếp xúc cử tri đạt từ 90-98%. Một số địa phương tổ chức tiếp xúc cử tri cả 3 cấp hoặc 2 cấp trong cùng thời gian, địa điểm sau kỳ họp HĐND.

Công tác tiếp công dân của đại biểu HĐND ngày càng thực chất và hiệu quả hơn. Việc tổng hợp, theo dõi, đôn đốc xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân có nhiều chuyển biến, tỷ lệ đơn thư tồn đọng giảm.

Tuy nhiên, hoạt động tiếp xúc cử tri theo chuyên đề còn ít, chưa khắc phục được tình trạng thành phần tham dự tiếp xúc cử tri chủ yếu là cán bộ xã, thôn, bản, khu phố; còn có địa phương không tổ chức cho đại biểu tiếp xúc cử tri sau các kỳ họp như Quảng Ngãi; việc giải quyết kiến nghị cử tri của một số đơn vị có lúc còn chậm.

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, thực tế có một số địa phương đề nghị không tiếp xúc cử tri, vì đã truyền hình trực tiếp các nội dung kỳ họp, các phản ánh, kiến nghị của cử tri đều đã được trả lời và in thành sách gửi về đến tận từng phường, xã.

Vì vậy, việc không tổ chức tiếp xúc cử tri ở Quảng Ngãi chưa chắc đã là không tốt, mà do có thể đã có những hình thức thông tin tới cử tri, nhân dân nhanh hơn so với việc tiếp xúc cử tri.

Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải bày tỏ nhất trí cao với báo cáo của Đoàn giám sát, đồng thời cho rằng không nên bỏ hình thức tiếp xúc cử tri sau kỳ họp.

Cần duy trì đầy đủ các cuộc tiếp xúc cử tri để duy trì mối liên hệ với cử tri bầu ra đại biểu, ngoài ra có thể mở rộng thêm các hình thức tiếp xúc cử tri khác.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cho rằng, việc tiếp xúc cử tri chưa quy định trước kỳ họp tiếp xúc tối thiểu bao nhiêu cuộc, nên ở một số cuộc, đại biểu HĐND cấp tỉnh cùng tiếp xúc luôn với đại biểu HĐND cấp huyện, dẫn tới lãng phí.

Việc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, ngành, lĩnh vực hoặc tại nơi cư trú của đại biểu thì hầu như ít hơn. Tiếp xúc cử tri ở cấp xã, phường, thị trấn, cán bộ hưu trí là chủ yếu.

Do vậy, cần tăng cường tiếp xúc cử tri theo ngành, lĩnh vực, chuyên đề và nơi cư trú.

Ngoài nội dung tiếp xúc cử tri, các đại biểu cũng cho ý kiến về nhiều vấn đề khác nhằm hoàn thiện hơn bản báo cáo của Đoàn giám sát, liên quan tới phạm vi giám sát, hiệu quả hoạt động của HĐND và các ban chuyên môn của HĐND cấp tỉnh, nhất là hiệu quả các hoạt động giám sát, chất vấn tại kỳ họp; việc giải trình và chất vấn giữa hai kỳ họp; về cơ cấu tổ chức của HĐND cấp tỉnh, nhất là ở các vị trí Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, sao cho bảo đảm cao nhất hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan dân cử địa phương.../.

Xem thêm:

>>>Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về ông Đinh La Thăng

>>>Sau dự luật chi tiêu ngắn hạn, Mỹ vẫn tiếp tục “cuộc chiến” ngân sách

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục