Khai thác dầu từ đá móng: Nền tảng phát triển công nghệ và nâng cao hệ số thu hồi dầu

15:16' - 06/09/2018
BNEWS Với sự phát triển của Vietsovpetro, các nhà đầu tư nước ngoài đã tham gia ngày càng nhiều vào hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí ở Việt Nam, tạo ra động lực thúc đẩy nhiều ngành công nghiệp khác.

Phát hiện thân dầu trong tầng đá móng mỏ Bạch Hổ 30 năm trước đây của Vietsovpetro không chỉ là bước ngoặt quyết định với hoạt động thăm dò khai thác, giúp sản lượng dầu khí tăng vọt mà còn là nền tảng để Việt Nam tiếp tục phát triển công nghệ khai thác dầu khí hiệu quả trong thời gian tới.
*Bước ngoặt quyết định
Tại Hội nghị khoa học kỷ niệm 30 năm khai thác dầu từ tầng đá móng mỏ Bạch Hổ (06/9/1988 – 06/9/2018), ông Lê Việt Hải, Phó Tổng giám đốc Vietsovpetro cho biết, việc phát hiện và đưa vào khai thác thành công thân dầu trong đá móng ở mỏ Bạch Hổ đã tạo nên một bước ngoặt lịch sử cho ngành Dầu khí Việt Nam, làm thay đổi quan điểm truyền thống về đối tượng tìm kiếm, thăm dò dầu khí, mở ra hướng tìm kiếm thăm dò dầu khí mới vô cùng quan trọng ở bể Cửu Long nói riêng và thềm lục địa Việt Nam nói chung.

Phó Tổng Giám đốc Vietsovpetro Lê Việt Hải phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Đây cũng là động lực hấp dẫn và thu hút mạnh mẽ các công ty dầu khí trên thế giới quay trở lại đầu tư, đồng thời thúc đẩy hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí ở Việt Nam, đóng góp quan trọng cho sự phát triển nhanh chóng của ngành Dầu khí Việt Nam.
Đến nay, sau 32 năm kể từ ngày khai thác tấn dầu đầu tiên và nhất là thành công khai thác dầu từ tầng đá móng (06/9/1988), Vietsovpetro đã khai thác được trên 230 triệu tấn dầu; trong đó dầu khai thác từ tầng đá móng chiếm trên 85% sản lượng, cung cấp vào bờ trên 34 tỷ m3 khí đồng hành.
Nhờ vậy, doanh thu bán dầu đạt gần 78 tỷ USD, nộp ngân sách nhà nước Việt Nam trên 48 tỷ USD, góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an ninh năng lượng và khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển.
Với sự phát triển hiệu quả của Vietsovpetro, các nhà đầu tư nước ngoài đã tham gia ngày càng nhiều vào hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí ở Việt Nam, tạo ra động lực thúc đẩy nhiều ngành công nghiệp khác phát triển, như khí - điện - đạm, cơ khí chế tạo - lắp ráp, lọc hóa dầu, công nghiệp tàu biển và các dịch vụ dầu khí khác.

Thành viên Hội đồng Thành viên PVN Phan Ngọc Trung phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Đánh giá vai trò của Vietsovpetro trong việc tìm ra dầu trong tầng đá móng mỏ Bạch Hổ, thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Phan Ngọc Trung khẳng định phát hiện này thực sự là cứu cánh cho nền kinh tế Việt Nam còn nhiều khó khăn trong thời điểm đó nhờ đem lại sản lượng dầu khí tăng vọt trong thời gian ngắn.
Bên cạnh đó, thành tựu này đã ảnh hưởng lớn đối với hoạt động khoa học và công nghệ dầu khí thế giới, hình thành công nghệ khai thác dầu phi truyền thống dạng thân dầu đá móng granitoid nứt nẻ.
Theo Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Ngô Thường San, thành tựu này đã hình thành hệ thống phương pháp luận đầy đủ, khoa học để nghiên cứu hoạt động khai thác thân dầu trong đá móng từ giai đoạn thăm dò, thẩm lượng đến thiết kế, khai thác, công nghệ khoan và công nghệ khai thác mỏ.
Kết quả này là đóng góp quan trọng cho ngành dầu khí Việt Nam, cho khoa học công nghệ dầu khí thế giới, được nhà nước và các tổ chức khoa học công nghệ quốc gia và quốc tế trao các phần thưởng xứng đáng.
Tiêu biểu là công trình “Tìm kiếm, phát hiện và tổ chức khai thác hiệu quả các thân dầu trong đá móng nứt nẻ trước Đệ tam” đã được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh vào năm 2011 và công trình “Nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện thành công hệ thống công nghệ thu gom, xử lý và vận chuyển dầu trong điều kiện đặc thù của các mỏ Liên doanh Vietsovpetro và các mỏ kết nối” được giải thưởng Hồ Chí Minh vào năm 2016.
* Nâng cao hệ số thu hồi dầu
Theo ông Phan Ngọc Trung, Kết luận số 41 ngày 19/1/2006, Nghị quyết số 41 ngày 23/7/2015 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam, Quyết định số 1749 ngày 14/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã định hướng việc đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ để phục vụ phát triển bền vững ngành Dầu khí.

Toàn cảnh Hội nghị khoa học công nghệ kỷ niệm 30 năm khai thác dầu từ đá móng mỏ Bạch Hổ. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Vì vậy, việc tổng hợp thực tiễn, làm sáng tỏ bản chất khoa học của các hiện tượng, các vấn đề chưa được lý giải, đồng thời tìm cách giải quyết các vấn đề còn tồn tại và những thách thức mới nảy sinh trong thực tiễn thăm dò và khai thác dầu khí phi truyền thống dạng thân dầu đá móng nứt nẻ là nhiệm vụ rất quan trọng của ngành Dầu khí.

Từ đây sẽ xây dựng thành công nghệ khai thác với loại đối tượng đá móng, đồng thời giúp tăng cường hệ số thu hồi dầu nhất là khi sản lượng khai thác dầu bị sụt giảm và nguồn tài nguyên dầu mỏ của Việt Nam không phải là vô tận.
Tuy nhiên, do hoạt động thăm dò và khai thác thân dầu trong đá móng là dạng phi truyền thống, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro nên việc đầu tư cho công tác tăng cường hệ số thu hồi với đối tượng này đòi hỏi chi phí rất lớn. Vì vậy, PVN đã triển khai các bước đi thận trọng và đều phải dựa trên cơ sở khoa học.
Ông Phan Ngọc Trung cho biết, PVN xác định nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm thăm dò để gia tăng trữ lượng dầu khí mới, đồng thời nghiên cứu áp dụng các giải pháp công nghệ để nâng cao hệ số thu hồi dầu.
Thực tế là hoạt động tìm kiếm, thăm dò dầu khí trong thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn do nguồn vốn đầu tư lớn, chi phí cho 1 giếng khoan thăm dò với đối tượng đá móng gấp từ 3 - 4 lần so với chi phí khoan giếng thăm dò dầu khí truyền thống.

Trong khi đó, cơ chế phù hợp để trích lập dự phòng rủi ro cho trường hợp khoan nhưng không đạt kết quả mong muốn đã được PVN đề xuất cho các cấp có thẩm quyền nhưng chưa được chấp nhận.
Trong bối cảnh giá dầu duy trì ở mức thấp như hiện nay, bên cạnh việc Viện Dầu khí Việt Nam và các đơn vị nghiên cứu khoa học khác phải chủ động tăng cường hợp tác với các tổ chức nghiên cứu trên thế giới để đưa ra giải pháp kỹ thuật tối ưu nhất thì PVN rất cần sự hỗ trợ về mặt cơ chế chính sách của Nhà nước.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng giám đốc Vietsovpetro Lê Việt Hải cũng cho biết, sản lượng khai thác dầu thô của Liên doanh đang suy giảm nghiêm trọng, nhất là ở tầng móng mỏ Bạch Hổ.
Theo đánh giá, tiềm năng thu hồi dầu ở mỏ Bạch Hổ vẫn còn trên 50 triệu tấn và nếu áp dụng các giải pháp tăng cường hệ số thu hồi dầu thì có thể giúp Vietsovpetro gia tăng sản lượng thêm 20%, góp phần chặn đà suy giảm sản lượng khai thác trong thời gian tới./.
Xem thêm:

>>Vietsovpetro tinh giản hàng nghìn biên chế giai đoạn 2016-2020

>>Vietsovpetro gia tăng lưu lượng dầu nhờ xử lý vùng cận đáy giếng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục