Khánh Hòa cần huy động gần 50 nghìn tỷ vốn tư nhân để phát triển nhà ở

11:20' - 26/10/2021
BNEWS Tỉnh Khánh Hòa vừa thông qua chương trình phát triển nhà ở đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Tỉnh Khánh Hòa vừa thông qua chương trình phát triển nhà ở đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, với mục tiêu từ nay đến năm 2030 sẽ huy động các nguồn lực để có thêm trên 10 triệu m2 sàn nhà ở; trong đó kết hợp giữa phát triển với cải tạo, chỉnh trang, phát triển đô thị, khu dân cư hiện hữu theo hướng văn minh, hiện đại và phát triển bền vững, góp phần nâng cao chất lượng sống của nhân dân.

Theo đó, đến năm 2025, tổng diện tích sàn nhà ở toàn tỉnh đạt khoảng 32,5 triệu m2 sàn, tăng thêm hơn 5,3 triệu m2 sàn so với năm 2021; trong đó nhà ở xã hội đạt khoảng 209 nghìn m2, nhà tái định cư khoảng 126 nghìn m2, nhà ở thương mại khoảng 2,04 triệu m2 và nhà ở do nhân dân tự đầu tư xây dựng trên 2,9 triệu m2.

Qua việc nâng cao chất lượng xây dựng, quy mô và giá trị đầu tư, Khánh Hòa phấn đấu nhà kiên cố và bán kiên cố đạt tỷ lệ 98%, không để phát sinh nhà ở đơn sơ và giảm tối đa nhà ở thiếu kiên cố.

Từ kết quả này, diện tích nhà ở toàn tỉnh bình quân đạt 25,5 m2 sàn/người; trong đó đô thị đạt khoảng 26,5 m2 sàn/ người.

Trong cơ cấu nguồn vốn đến năm 2025, Khánh Hòa chỉ dành ngân sách hơn 66 tỷ đồng để xây dựng nhà ở xã hội, số còn lại hơn 48,7 nghìn tỷ đồng được huy động từ vốn tư nhân, bao gồm doanh nghiệp và hộ gia đình.

Trong mục tiêu phát triển đến năm 2030, diện tích nhà ở toàn tỉnh đạt trên 37,4 triệu m2 sàn, tăng thêm trên 4,8 triệu m2 sàn so với năm 2025; trong đó chủ yếu là nhà ở do người dân tự đầu tư xây dựng với khoảng trên 3,33 triệu m2 sàn và nhà ở thương mại với trên 2,1 triệu m2 sàn, còn lại gần 400 nghìn m2 sàn là nhà ở xã hội và nhà tái định cư.

Đến cuối giai đoạn này, Khánh Hòa đưa ra mục tiêu có 100% số nhà ở kiên cố và bán kiên cố, không còn nhà ở thiếu kiên cố và nhà ở đơn sơ.

Về cơ cấu nguồn vốn, hầu hết vẫn áp dụng chủ trương huy động vốn hộ gia đình và doanh nghiệp với tổng số trên 50 nghìn tỷ đồng, ngân sách nhà nước địa phương chỉ dành gần 60 tỷ đồng để xây dựng nhà ở xã hội.

Đối với các giải pháp để phát triển nhà ở, tỉnh Khánh Hòa đề ra một số chính sách như khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở thương mại và nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua theo cơ chế thị trường nhằm đáp ứng tốt nhu cầu về nhà ở của người dân.

Tỉnh sẽ thiết lập danh mục ưu tiên giai đoạn 2021 – 2025 với các dự án đầu tư hạ tầng cũng như dự kiến quỹ đất gắn liền trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố nhằm công khai kêu gọi đầu tư.

Ngoài ra Khánh Hòa còn có một số chính sách về đất đai, quy hoạch và quản lý xây dựng. Ở khu vực thành thị sẽ từng bước bố trí, sắp xếp, chỉnh trang các dân cư đã hình thành trước đây; đồng thời hình thành các khu dân cư mới có quy mô hợp lý để tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; phát triển tỷ lệ nhà ở chung cư ngày càng tăng thêm tại các đô thị loại I, II và III.

Còn tại vùng nông thôn, tỉnh Khánh Hòa kêu gọi thực hiện các dự án nhà ở ven các tuyến giao thông mới đầu tư xây dựng nhằm tận dụng hạ tầng sẵn có để phục vụ kết nối với hạ tầng dự án; bên cạnh đó yêu cầu về kiến trúc nhà ở tại nông thôn phải đáp ứng yêu cầu về thẩm mỹ, có bản sắc, coi trọng việc bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục