Khảo sát: Kinh tế Nga dự báo suy giảm trong năm 2022

09:41' - 11/03/2022
BNEWS Một cuộc khảo sát kinh tế vĩ mô do Ngân hàng trung ương Nga thực hiện đưa ra dự báo sau khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm 8% năm 2022, nền kinh tế nước này sẽ tăng trưởng trở lại vào năm 2023.

Một cuộc khảo sát kinh tế vĩ mô do Ngân hàng trung ương Nga thực hiện từ ngày 1-9/3 với 18 nhà kinh tế thuộc các tổ chức khác nhau đưa ra dự báo sau khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm 8% năm 2022, nền kinh tế nước này sẽ tăng trưởng trở lại vào năm 2023.

 

Kết quả khảo sát nêu rõ thay vì tăng trưởng 2,4% như dự báo trước đó, các nhà phân tích đã ước tính nền kinh tế Nga sẽ suy giảm 8,0% trong năm 2022, trước khi tăng trưởng nhẹ trở lại trong năm 2023. Ước tính tốc độ tăng trưởng GDP dài hạn vào khoảng 1,0%.

Cuộc khảo sát cũng dự báo lạm phát ở Nga năm 2022 tăng lên 20%, năm 2023 là 8% và năm 2024 là 4,8%.

Bên cạnh đó, các nhà phân tích ước tính tỷ giá hối đoái trung bình hàng năm sẽ khoảng 110 ruble đổi 1 USD vào năm nay, rồi 118,4 ruble/USD vào năm 2023 và 120 ruble/USD sang năm 2024.

Ông Alexei Zabotkin, Phó Thống đốc Ngân hàng trung ương Nga cho rằng sự thay đổi đáng kể các dự báo phản ánh sự thay đổi căn bản trong điều kiện kinh tế diễn ra những tuần gần đây.

Trước đó, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cho biết chính phủ nước này đã xây dựng kế hoạch hành động để ổn định nền kinh tế trước các lệnh trừng phạt gia tăng từ phương Tây.

Về các lệnh trừng phạt, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Pankin ngày 10/3 cho rằng sự phụ thuộc lẫn nhau của nền kinh tế Nga với các nước khác đạt 50%, nên các biện pháp trừng phạt cũng sẽ ảnh hưởng đến những nước khởi xướng.

Ông Pankin cho hay dù nhiều người có thể nói rằng vai trò của kinh tế Nga không đáng kể, nền kinh tế toàn cầu, vốn đã hứng chịu cú sốc từ dịch COVID-19 sẽ tiếp tục phải đối mặt một cú sốc lớn do các lệnh trừng phạt Nga.

Thứ trưởng Panin cho biết Nga sẵn sàng chống lại các lệnh trừng phạt và các hạn chế khác. Trong khi nền kinh tế sẽ gặp khó khăn, nhưng Nga “không có gì phải hoảng sợ”.

Trong một động thái phản ứng với các biện pháp trừng phạt từ phương Tây, Chính phủ Nga ngày 10/3 thông báo cấm xuất khẩu hơn 200 sản phẩm và thiết bị nước ngoài đến cuối năm 2022.

Theo chỉ thị do Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin ký ban hành, danh sách cấm bao gồm các thiết bị công nghệ, liên lạc và y tế, các phương tiện, máy móc nông nghiệp và thiết bị điện.

Tổng cộng hơn 200 mặt hàng đã được đưa vào danh sách tạm ngừng xuất khẩu, bao gồm cả toa xe lửa, container, tua-bin và các hàng hóa khác.

Chỉ thị nêu rõ đây là biện pháp cần thiết để đảm bảo sự ổn định trên thị trường Nga. Biện pháp sẽ có ngoại lệ với các nước thành viên Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) do Nga dẫn đầu và vùng Nam Ossetia và Abkhazia.

Ngoài ra, Chính phủ Nga cũng cấm xuất khẩu một số loại gỗ tới các nước “có hành động không thân thiện” với Moskva. Danh sách bao gồm 48 quốc gia, trong đó có các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ. Khoảng 20% diện tích rừng trên thế giới nằm ở Nga. Đây được coi là nguồn tài nguyên có thể khai thác để giúp Nga giảm phụ thuộc kinh tế vào các mặt hàng dầu mỏ và khí đốt.

Cũng trong ngày 10/3, Văn phòng báo chí của Bộ Phát triển Kinh tế Nga ngày 10/3 cho biết chính phủ nước này đã có quyết định tạm thời cấm xuất khẩu cây ngũ cốc sang các nước thành viên EAEU, bên cạnh quyết định tạm cấm xuất khẩu đường trắng và đường mía thô sang các nước thứ ba. Hiệu lực của cả hai biện pháp được xác định trong khoảng thời gian từ nay cho đến ngày 31/8.

Theo Bộ Phát triển Kinh tế, quy định cấm xuất khẩu ngũ cốc sẽ ảnh hưởng đến lúa mì và meslin (hỗn hợp lúa mì và lúa mạch đen), lúa mạch đen, lúa mạch và ngô.

Bộ Công Thương Nga có thể cấp giấy phép xuất khẩu ngoại lệ. Việc xuất khẩu đường sẽ bị cấm song có thể giao hàng cho các nước EAEU trên cơ sở giấy phép do Bộ Nông nghiệp cấp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục