Khi vaccine về nước nhiều hơn, sẽ tiêm được 2 triệu mũi/ngày
Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến tốc độ tiêm vaccine, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, hiện cả nước tiêm được 11 triệu/18 triệu liều vaccine đã cấp (đạt 65%) và số liệu đang cập nhật hơi chậm so với tốc độ tiêm.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong số hơn 4 triệu liều được cấp, đã tiêm được hơn 3,5 triệu liều (88,2%).
Trong ngày 12/8, thành phố sẽ tiêm hết số vaccine được cấp, dự kiến tiếp tục triển khai tiêm vaccine khác. Hà Nội được cấp gần 3 triệu liều, hiện tại đã tiêm 1,5 triệu liều (trên 50%).
Trong những ngày tới sẽ tăng tốc, thúc đẩy tốc độ tiêm chủng cùng với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khác.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn thông tin thêm, Bộ Y tế đã tiến hành hướng dẫn các tỉnh, thành phố lập kế hoạch cụ thể với số vaccine dự kiến được cấp, chủ động trong việc triển khai tiêm chủng; có công văn đôn đốc các tỉnh, thành phố khẩn trương tiêm vaccine, không để tồn vaccine trong kho. Nếu tỉnh nào không dùng hết sẽ chuyển vaccine cho tỉnh khác.
"Quan điểm của Bộ Y tế là tiêm nhanh nhưng đảm bảo an toàn, tiêm mũi nào an toàn mũi đấy, từ công tác chuẩn bị, dụng cụ, thuốc men, xe lưu động, các cơ sở hồi sức cấp cứu đều phục vụ tốt việc tiêm chủng" - Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn thông tin thêm: "tới đây, khi vaccine về nhiều hơn, chúng tôi sẽ tăng tốc cho việc tiêm vaccine; dự kiến khi Bộ Y tế kết hợp Bộ Quốc phòng, Bộ Công an sẽ tiêm tối đa 2 triệu mũi vaccine trong 1 ngày".
Về việc có hay không tình trạng quá tải tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam trong điều trị F0, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho hay, để đáp ứng điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, ngay từ sớm, Bộ Y tế đã chủ động bàn với thành phố chuẩn bị cho mọi kịch bản có thể xảy ra. Chuẩn bị cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, con người, đảm bảo chủ động nhất khi tình huống xấu hơn có thể xảy ra.
"Tình hình chung là có sự quá tải tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phía Nam vì lượng bệnh nhân ở tầng 3 (trong 5 tháp điều trị), thuộc khu vực hồi sức tích cực. Một số trường hợp quá lo lắng, chưa đến mức phải lên tầng 3 đã chuyển lên rồi, dẫn đến quá tải tầng 3 là chính, trong khi hoàn toàn có thể điều trị tại tuyến đơn giản hơn, như bệnh viện dã chiến, tuyến huyện, tuyến xã", Thứ trưởng Bộ Y tế thông tin và cho rằng, đối với công tác điều trị phải phân tầng đúng; nhẹ vào tầng nhẹ, trung bình vào tầng 2 và thực sự nặng mới vào tầng 3; đồng thời hạn chế chuyển tầng muộn quá vì chuyển muộn, nguy cơ tử vong cao.
Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, hiện Bộ Y tế đã phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam thành lập 141 bệnh viện dã chiến và nhiều Trung tâm Hồi sức cấp cứu. Đặc biệt, tại Thành phố Hồ Chí Minh có 5 trung tâm hồi sức cấp cứu của Bộ phối hợp với thành phố.
Với một số vùng trọng điểm phía Nam, Bộ đã phân công một số bệnh viện trực thuộc Bộ thiết lập Trung tâm Hồi sức đủ cho đáp ứng điều trị. Với các tỉnh, Bộ cử các nhóm công tác bao gồm các chuyên gia phòng bệnh, truy vết, điều trị, hồi sức hỗ trợ các tỉnh một cách nhanh nhất, thường xuyên gửi báo cáo về Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch.
Mới đây, Bộ Y tế chuyển 10.000 liều thuốc nhập khẩu của Ấn Độ về kịp thời cung cấp cho công tác điều trị bệnh nhân tại các tỉnh phía Nam. Ngành Y tế điều động hơn 11.000 cán bộ, sinh viên hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ thêm: "Khi kiểm tra chống dịch, chúng tôi chứng kiến nhiều anh em từ Tết đến giờ chưa về, có bác sỹ hồi sức tại Bệnh viện Bạch Mai, trước Tết ở Hải Dương, sau đó là ở Bắc Giang, Nghệ An, Hà Tĩnh và bây giờ đóng ở Đồng Nai. Chúng tôi hy vọng rằng, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương và các địa phương, cùng với Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo sẽ tiến tới ổn định, dập được dịch trong tháng tới".
Sản xuất "3 tại chỗ" gặp nhiều khó khăn khi áp dụng trong thời gian dài
Về vấn đề sản xuất "3 tại chỗ", Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá, mô hình này áp dụng cho sản xuất ở các doanh nghiệp, khu công nghiệp vẫn là phương án tốt ở thời điểm này.
Phương án này được áp dụng thành công ở Bắc Ninh, Bắc Giang, tuy nhiên khi phải áp dụng dài ngày như tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam đã phát sinh rất nhiều khó khăn.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải lý giải, mô hình sản xuất "3 tại chỗ" thực hiện tốt ở Bắc Ninh, Bắc Giang khi chỉ áp dụng trong thời gian ngắn, với đặc điểm các khu công nghiệp ở phía Bắc chỉ khoảng nghìn người/khu công nghiệp.
Trong khi phía Nam, mỗi khu công nghiệp có đến hàng chục nghìn người; công nhân, người lao động lại đến từ rất nhiều tỉnh, thành nên khó kiểm soát hơn... Do đó, việc thực hiện sản xuất 3 tại chỗ ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam hiện gặp nhiều khó khăn khi phải thực hiện trong thời gian dài.
Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng, logistics bị đứt gãy, chi phí sản xuất, kinh doanh quá cao... khiến nhiều doanh nghiệp không chịu được trong thời gian phong tỏa dài, trong khi nhiều địa phương còn những quy định khác nhau,...
Từ thực tế trên, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Y tế nghiên cứu, đề xuất để tạo thuận lợi hơn cho phương án "3 tại chỗ" như: sửa đổi quy định liên quan hoạt động sản xuất trong khu công nghiệp trong bối cảnh dịch; các hướng dẫn nếu có F0 sẽ xử lý thế nào;... để Bộ Y tế ban hành văn bản hướng dẫn sớm nhất, vừa chống dịch, vừa đảm bảo sản xuất.
Về lưu thông hàng hóa, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, đã có nhiều văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, tuy nhiên, trong bối cảnh dịch phức tạp, từng địa phương lại có đặc điểm, cách hiểu, cách áp dụng khác nhau nên gây ra một số khó khăn cho doanh nghiệp trong lưu thông, cung ứng hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu; gây khó khăn cho sản xuất công nghiệp, xuất khẩu...
Chính vì vậy, Bộ Công Thương đã có những trao đổi với các địa phương, ngành hàng, doanh nghiệp nhưng chưa khắc phục được hoàn toàn.
Ngày 27/7, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, trong đó đề xuất tất cả hàng hóa được lưu thông, trừ hàng hóa bị cấm kinh doanh theo quy định pháp luật.
Sau hai ngày, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã có ý kiến chỉ đạo theo đề xuất của Bộ Công Thương, nên giải quyết cơ bản được tình hình.
Tuy nhiên, vừa qua, kể cả sau khi có văn bản, tại một số địa phương, vẫn có hiện tượng hàng hóa khi lưu thông, lái xe, phụ xe gặp khó khăn.
Do đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương mong muốn các địa phương chia sẻ, tuy mục tiêu là chống dịch, nhưng vẫn phải đảm bảo mục tiêu kép để giúp việc lưu thông hàng hóa, sản xuất kinh doanh và xuất khẩu được thông suốt.
Về giải pháp cho tình trạng ùn tắc ở các chốt kiểm soát dịch ở một số địa phương, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm cho biết, Bộ đã có văn bản hướng dẫn các cục, tổng cục, các địa phương như: không tiến hành kiểm tra tại các chốt kiểm soát và khi đang lưu thông trên đường đối với những xe có mã QR code, chứng nhận luồng xanh; nếu không có mã QR code, lái xe xuất trình giấy xác nhận test COVID-19; tăng cường tiền kiểm, hậu kiểm ở các khu bốc xếp hàng hóa...
Bên cạnh đó, Bộ có đề xuất ưu tiên tiêm vaccine cho lái xe, phụ xe, người bốc xếp hàng hóa; có những phương án phân luồng giao thông hợp lý để chống ùn tắc.../.
Tin liên quan
-
Kinh tế Việt Nam
Dốc toàn lực chống dịch, đảm bảo duy trì tăng trưởng bền vững
20:22' - 11/08/2021
Chiều 11/8, tại Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7.
-
Kinh tế Việt Nam
Khai mạc Phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026
09:39' - 11/08/2021
Sáng 11/8, Phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 được tổ chức theo hình thức trực tuyến với các địa phương trên toàn quốc, do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì đã khai mạc.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
Chủ tịch nước Lương Cường dâng hương Giỗ Tổ Hùng Vương
08:40'
Chủ tịch nước Lương Cường cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo địa phương vào Thượng cung thành kính dâng hương, hoa, lễ vật tưởng nhớ, tri ân công đức của các Vua Hùng.
-
Kinh tế Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tổ chức khởi công, khánh thành trực tuyến đồng loạt các công trình lớn
08:10'
Văn phòng Chính phủ phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan và các tỉnh, thành phố để rà soát danh sách các công trình, dự án báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
-
Kinh tế Việt Nam
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp Chủ tịch và Tổng Thư ký IPU
08:03'
Chiều 6/4, trong khuôn khổ tham dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 150 (IPU-150) tại Thủ đô Tashkent, Uzbekistan, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp Chủ tịch IPU Tulia Ackson.
-
Kinh tế Việt Nam
Những hình ảnh đầu tiên về Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2025
07:46'
Đúng 6h ngày 7/4, tại Khu di tịch lịch sử Quốc gia Đặc biệt Đền Hùng, các đại biểu khởi hành lên núi Nghĩa Lĩnh dâng hương tưởng niệm các vua Hùng.
-
Kinh tế Việt Nam
WTO: Hoa Kỳ tuyên bố áp thuế đối ứng 46% cho hàng hóa Việt Nam là không công bằng
19:00' - 06/04/2025
Theo WTO, việc Hoa Kỳ tuyên bố áp thuế đối ứng 46% cho hàng hóa Việt Nam là không công bằng, không phản ánh thiện chí nỗ lực của Việt Nam trong xử lý tình trạng thâm hụt thương mại.
-
Kinh tế Việt Nam
Kỳ vọng tăng trưởng kinh tế và kết quả thu hút vốn FDI
18:54' - 06/04/2025
Tại họp báo Chính phủ chiều 6/4, đại diện Bộ Tài chính đã thông tin về tình hình tăng trưởng kinh tế quý I/2025, kỳ vọng tăng trưởng kinh tế năm 2025 và dự kiến kết quả thu hút FDI năm nay.
-
Kinh tế Việt Nam
Nhiều điểm sáng ấn tượng của kinh tế Tp Hồ Chí Minh quý đầu năm
18:22' - 06/04/2025
Khi so với các “đầu tàu kinh tế” khác cho thấy, mức tăng trưởng 7,51% của Tp Hồ Chí Minh ấn tượng hơn với nhiều điểm sáng và là một bước khởi đầu tốt đẹp cho Thành phố trong năm nay.
-
Kinh tế Việt Nam
Kinh tế quý I: Giải ngân vốn đầu tư công lan tỏa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
18:07' - 06/04/2025
Tình hình đầu tư tại Việt Nam trong quý I cho thấy, những dấu hiệu tích cực rõ nét, đặc biệt là sự tăng tốc trong giải ngân vốn đầu tư công.
-
Kinh tế Việt Nam
Thứ trưởng Trương Thanh Hoài: Linh hoạt các giải pháp thích ứng với chính sách thuế quan
17:51' - 06/04/2025
Tổ công tác có nhiệm vụ đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các biện pháp thích ứng linh hoạt với tình hình thế giới, khu vực, các điều chỉnh chính sách của Hoa Kỳ thời gian tới.