Khó xác định đơn giá vật tư tại mỏ trong thi công dự án giao thông

12:10' - 29/01/2024
BNEWS Xác định đơn giá vật ưu tại mỏ là một trong những khó khăn trong việc thi công các dự án, công trình giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia.

Xác định đơn giá vật ưu tại mỏ là một trong những khó khăn trong việc thi công các dự án, công trình giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia. Nội dung này được nhiều nhà thầu phản ánh tại Hội nghị Triển khai Công điện số 02/CĐ-TTg  ngày 09/01/2024 của Thủ  tướng Chính phủ nhằm tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến định mức, đơn giá xây dựng; khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án, công trình giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia do Bộ Xây dựng tổ chức sáng nay 29/1.

Phó Tổng giám đốc Phùng Tiến Thành, Tập đoàn Đèo Cả cho biết, thời gian qua, nhà thầu đã rất khó thực hiện các thủ tục cấp phép khai thác mỏ theo cơ chế đặc thù. Thực tế các thủ tục từ lúc lập đến khi cấp phép khai thác kéo dài khoảng 8 tháng. Nguyên nhân do chưa có hướng dẫn rõ ràng, các địa phương hiểu, áp dụng khác nhau theo hướng an toàn, thận trọng, dẫn đến thủ tục kéo dài. Đến nay, vấn đề lớn là xác định giá vật liệu tại mỏ theo cơ chế đặc thù. Nhiều đầu mục chi phí nhà thầu trực tiếp thực hiện để khai thác mỏ vật liệu chưa được hướng dẫn cụ thể để làm cơ sở giám sát, nghiệm thu.

Liên quan đến việc này, theo Phó giám đốc Đỗ Đình Phan, Ban Quản lý dự án xây dựng giao thông Hà Nội, cần hướng dẫn phương pháp xác định giá vật liệu khai thác theo cơ chế đặc thù làm cơ sở để các địa phương công bố giá vật liệu phục vụ công tác thanh, quyết toán cho nhà thầu.

Hiện nay, các dự án giao thông trọng điểm quốc gia đang được Quốc hội, Chính phủ cho phép nhà thầu thi công của dự án được khai thác vật liệu theo cơ chế đặc thù để phục vụ dự án. Tuy nhiên, chưa có hướng dẫn cụ thể về việc xác định giá vật liệu khai thác theo cơ chế đặc thù. Thông thường vị trí các điểm mỏ đều nằm ngoài phạm vi thực hiện dự án do vậy gặp khó khăn về xác định đơn giá đền bù, giải phóng mặt bằng (giá thỏa thuận thực tế với người dân cao hơn so với quy định). Ngoài ra, chưa có định mức riêng về khai thác cát sông phù hợp với công nghệ khai thác...- ông Đỗ Đình Phan cho biết.

Đại tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Trường Sơn thông tin, hiên nay do thắc mắc về vấn đề xác định giá vật liệu tại mỏ, nên các chủ đầu tư, ban quản lý dự án chỉ tính cho nhà thầu 70% đơn giá theo hợp đồng, rất khó khăn về nguồn vốn phục vụ thi công. Ngoài ra, thực tế này còn tiềm ẩn rủi ro về vấn đề hậu kiểm, do đây là công trình chỉ định thầu.

Đại diện Tổng công ty Trường Sơn kiến nghị, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành và địa phương có dự án. Theo đó, quan trọng nhất là quy hoạch những mỏ nào được khai thác phục vụ dự án ngay từ ban đầu, chủ đầu tư phê duyệt các mỏ này như môt hạng mục của dự án từ bước lập dự án đầu tư để thực hiện các bước chuẩn bị (cắm mốc và tiến hành giải phóng mặt bằng mỏ...), rút ngắn thời gian. Chứ hiện nay, khi trúng thầu, các nhà thầu mới bắt tay vào làm từ đầu. Cùng đó, tư vấn thiết kế cần xác định đúng tình trạng về trữ lượng, công suất, chất lượng… của các mỏ trên địa bàn để lập dự toán sát và đúng.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh, việc xác định đơn giá vật tư tại mỏ do chủ đầu tư đàm phán với nhà thầu; trong đó, có sự chứng kiến của địa phương, các bộ ngành không thay địa phương làm việc này. Trong khi mỗi địa phương có giá đền bù khác nhau nên phải xem xét thực tế cho phù hợp.

Hiện định giá vật liệu tại mỏ có sự khác nhau, chi phí phát sinh khác nhau giữa các địa phương nên chỉ có các địa phương mới tự xác định được. Bộ Xây dựng hướng dẫn về phương pháp mà không thể xác định thay chi phí nào là đúng và phù hợp. Khi đã được phân quyền, các địa phương cần nắm rõ trách nhiệm, chức năng để phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải cho đúng và phù hợp.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục