Khoản trả thêm hàng tháng có tính đóng bảo hiểm xã hội?

09:31' - 20/11/2020
BNEWS Tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

Công ty bà Võ Thị Thủy (Bà Rịa-Vũng Tàu) chuyên kinh doanh vận tải, trả lương cố định cho lái xe 4.730.000 đồng/tháng, là mức lương cơ bản để đóng BHXH, ngoài ra hàng tháng trả thêm 13% doanh thu chạy hàng.

Bà Thủy hỏi, 13% doanh thu này có tính đóng BHXH không?

Về vấn đề này, BHXH Việt Nam trả lời như sau:

Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 89 Luật BHXH năm 2014, tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 17 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc.

Theo Khoản 3 Điều 30 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH, BHYT đối với người lao động theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định từ ngày 1/1/2016 đến ngày 31/12/2017 là mức lương, phụ cấp lương và từ ngày 1/1/2018 là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động.

Mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động được quy định tại Khoản 1, Điểm a Khoản 2 và Điểm a Khoản 3 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16/11/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều về hợp đồng lao động, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/1/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động.

Đề nghị bà Thủy đối chiếu với quy định nêu trên để biết và phối hợp với công ty vận tải nơi công tác thực hiện tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH theo đúng quy định để bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

>>Xử nghiêm doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục