Khoảng 100 dự án thuộc đối tượng cho vay của gói 120 nghìn tỷ đồng

15:07' - 01/06/2023
BNEWS Qua báo cáo của các địa phương, đến nay đã có khoảng 100 dự án thuộc đối tượng cho vay của gói 120 nghìn tỷ đồng và các địa phương đã công bố nhu cầu vay vốn.

Tính đến thời điểm cuối tháng 5, Ngân hàng Nhà nước thông tin vẫn chưa phát sinh dư nợ cho vay gói 120 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ ban hành về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. 

Liên quan đến Việc giải ngân gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, qua báo cáo của các địa phương, đến nay đã có khoảng 100 dự án thuộc đối tượng cho vay của gói 120 nghìn tỷ đồng và các địa phương đã công bố nhu cầu vay vốn. Đơn cử như tỉnh Bình Định đã công bố nhu cầu vay vốn là 1.832 tỷ đồng; Phú Thọ 441 tỷ đồng, Đà Nẵng 545 tỷ đồng, Trà Vinh 420 tỷ đồng, Bắc Giang 4.527 tỷ đồng và Hải Phòng là 3.892 tỷ đồng.

Trên thực tế, chương trình này mới triển khai được hơn 1 tháng và gói 120 nghìn tỷ đồng là cho cả giai đoạn kéo dài đến năm 2030. Hiện các địa phương đang trong quá trình tổng hợp công bố nên chỉ mới có kết quả bước đầu. Thời gian tới sẽ có nhiều dự án tham gia gói 120 nghìn tỷ đồng theo nhu cầu đăng ký của các địa phương - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh.

 

Hiện Ngân hàng Nhà nước đã ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về nguyên tắc, thời gian triển khai, thời gian ưu đãi lãi suất. Cùng đó, Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản hướng dẫn về xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện vay ưu đãi của gói tín dụng này.

Bộ Xây dựng cũng đã ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm xem xét, kiểm tra các thủ tục pháp lý, lập danh mục dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư để công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh để các ngân hàng có cơ sở áp dụng cho vay.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng có văn bản đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ đã giao tại "Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" và đã tổ chức hội nghị triển khai đề án này.

Trong thời gian tới, để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp đạt mục tiêu đề ra và giải ngân hiệu quả gói hỗ trợ 120 nghìn tỷ đồng, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách pháp luật.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là tập trung sửa đổi Luật Nhà ở và các pháp luật khác có liên quan để triển khai hiệu quả thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, khu công nghiệp; tiếp tục làm việc với một số địa phương, doanh nghiệp trọng điểm để kiểm tra, đôn đốc, tạo nguồn cung cho nhà ở xã hội, nhà ở, công nhân, cải tạo chung cư cũ, thúc đẩy việc triển khai gói hỗ trợ 120 nghìn tỷ đồng.

Tại hội nghị triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” do Bộ Xây dựng tổ chức ngày 19/5, ông Nguyễn Xuân Bắc – Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước chia sẻ, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa nhận được danh mục các dự án theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng tại Công văn số 1551/BXD-QLN hướng dẫn về xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư. Do đó, mặc dù được triển khai từ 1/4/2023 nhưng vẫn chưa phát sinh dư nợ thuộc chương trình cho vay 120 nghìn tỷ đồng.

Theo ông Bắc, quy định về điều kiện được mua nhà ở xã hội hiện nay cũng đang gặp nhiều ý kiến phản ánh như: điều kiện về cư trú, thu nhập thuộc diện không phải đóng thuế thu nhập cá nhân không còn phù hợp trong bối cảnh giá nhà ngày một tăng cao. Những khó khăn, vướng mắc này cũng sẽ là những nguyên nhân chính, ảnh hưởng tới khả năng hấp thụ chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục