"Khoảng lặng" cần thiết với thị trường trái phiếu doanh nghiệp

16:10' - 31/07/2023
BNEWS "Khoảng lặng”chỉ mang tính chất tạm thời giúp nhà đầu tư cũng như nhà phát hành có thời gian ngừng lại để nhìn nhận, kiểm tra điều kiện để từ đó có định hướng tham gia bền vững, hiệu quả hơn.

Sau loạt biến cố trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cơ quan quản lý đã liên tục sửa đổi các nghị định để phát triển thị trường. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, thị trường trái phiếu doanh nghiệp rơi vào trầm lắng. Để có góc thêm góc nhìn về nguyên nhân suy giảm, cũng như giải pháp khắc phục khó khăn, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty Luật SBLAW.

Phóng viên: Xin ông cho biết nguyên nhân thị trường trái phiếu doanh nghiệp rơi vào trầm lắng?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Hiện nay, các doanh nghiệp đang phải tập trung vào hoạt động mua lại trái phiếu cũng như xử lý các vấn đề thanh khoản vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023.

Mặt khác, các doanh nghiệp chưa gặp sức ép đáo hạn có xu hướng chờ đợi thêm một thời gian để thị trường đi vào giai đoạn ổn định, các quy định rõ ràng hơn nhằm tăng khả năng phát hành thành công và kỳ vọng nền lãi suất sẽ hạ nhiệt trong những quý tiếp theo để tối ưu về cơ cấu và chi phí vốn.

Nguyên nhân chính của sự trầm lắng này là niềm tin của các nhà đầu tư chưa quay trở lại, trong bối cảnh còn nhiều tổ chức phát hành trái phiếu đang gặp khó khăn về hoạt động kinh doanh và dòng tiền, dẫn tới chậm thanh toán các khoản nợ trái phiếu đến hạn cho nhà đầu tư.

Thêm vào đó, rủi ro chéo cũng hiện diện đối với các doanh nghiệp có công ty mẹ gặp khó khăn trong việc thanh khoản. Do đó, tỷ lệ nợ xấu trái phiếu dự báo tiếp tục đà tăng trong 2 quý còn lại trong năm 2023, khi những thay đổi chính sách có hiệu quả trực tiếp và trước khi môi trường kinh doanh được dần cải thiện rõ rệt.

 

Lý do là áp lực nợ đáo hạn sẽ đáo hạn trong năm 2023 này (với giá trị nêu trên) trong khi triển vọng kinh doanh của ngành bất động sản đang gặp những trở ngại lớn và chưa có dấu hiệu khởi sắc trở lại.

Một khó khăn nữa chính là lượng trái phiếu chậm trả bắt đầu tăng cao đột biến từ tháng 3 đến nay và vẫn chưa có xu hướng chậm lại.

Trên cơ sở đó, dự báo kênh huy động trái phiếu doanh nghiệp sẽ chưa thể hồi phục về quy mô một cách mạnh mẽ và sôi động đến hết nửa đầu của năm 2023. Tôi kỳ vọng rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ có chuyển biến khôi phục về cuối năm, với các chính sách điều hành triển khai đồng bộ.

Phóng viên: Ông có cho rằng sự trầm lắng này là "khoảng lặng" cần thiết của thị trường?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: “Khoảng lặng” này chỉ mang tính chất tạm thời, tuy nhiên những xáo trộn trên thị trường làm cho các nhà đầu tư cũng như nhà phát hành có thời gian ngừng lại để nhìn nhận, kiểm tra điều kiện để từ đó có định hướng tham gia bền vững, hiệu quả hơn.

Cùng đó, đây cũng là thời điểm các cơ quan quản lý nhà nước có những hoạt động điều chỉnh lại thị trường nhằm loại bỏ những nhà phát hành không đủ điều kiện, không đủ tiêu chuẩn. Đồng thời, chọn lọc các nhà đầu tư, các trái chủ chuyên nghiệp, gắn bó với thị trường, giúp thị trường lành mạnh hơn.

Phóng viên: Hiện nay thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn đối diện với rủi ro gì và những lưu ý của ông với nhà đầu tư khi tham gia thị trường?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Dù đã qua giai đoạn được xem là tồi tệ nhất, tuy nhiên, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn không ít khó khăn trong quá trình phục hồi.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, cuối tháng 5/2023, tỷ trọng giá trị trái phiếu lưu hành chỉ còn chiếm 11,6% GDP, thấp hơn nhiều so với mức 18,2% GDP vào thời điểm thị trường bùng nổ cuối năm 2021. Điều này có nghĩa là thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện đã bị thu hẹp khoảng 30% so với trước đó.

Bên cạnh đó, niềm tin của các nhà đầu tư chưa quay trở lại trong bối cảnh còn nhiều tổ chức phát hành đang gặp khó khăn về hoạt động kinh doanh, khó khăn về dòng tiền dẫn tới chậm thanh toán các khoản nợ trái phiếu đến hạn.

Dù áp lực trái phiếu doanh nghiệp đã được “làm mềm” đáng kể từ sau khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường trái phiếu vẫn trầm lắng, nhiều doanh nghiệp gặp khó về dòng tiền và hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vốn, danh sách các doanh nghiệp chậm thanh toán các nghĩa vụ nợ trái phiếu vẫn còn tiếp tục tăng lên. Nếu thanh khoản không cải thiện, nhiều nhà phát hành trái phiếu sẽ phải đối mặt với khó khăn ngày càng lớn trong việc đảm bảo đủ nguồn vốn để đáo hạn trái phiếu của mình.

Việc sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được đưa vào vận hành gần đây sẽ phần nào giải quyết câu chuyện thanh khoản trái phiếu. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn cần được cơ quan quản lý theo dõi chặt chẽ. Bởi lẽ, trong trường hợp nhà phát hành chưa thể cấu trúc tài chính, dòng tiền, chưa trả nổi nợ cũ thì lại đem lên sàn bán sẽ khiến khoản nợ trái phiếu có nguy cơ ngày càng phình to. Khi đó, câu chuyện quản lý thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ phát sinh nhiều vấn đề phải giải quyết hơn so với ở thời điểm hiện tại.

Đối với các nhà đầu tư cá nhân, khi cân nhắc tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp, cần lưu ý, trái phiếu doanh nghiệp không phải là tiền gửi ngân hàng. Trái phiếu doanh nghiệp được doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ. Do đó, nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp là có rủi ro, khi doanh nghiệp không đảm bảo được nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi trái phiếu.

Khi được giới thiệu mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, nhà đầu tư phải lưu ý các quy định của pháp luật chỉ cho phép nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. Nếu nhà đầu tư không phải nhà đầu tư chuyên nghiệp thì không được mua loại trái phiếu này.

Các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối chào mời mua trái phiếu doanh nghiệp không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu. Các tổ chức này chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành mà không chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành.

Bảo lãnh phát hành trái phiếu không phải là bảo lãnh thanh toán trái phiếu. Bảo lãnh phát hành chỉ là việc tổ chức bảo lãnh có cam kết với doanh nghiệp phát hành để phân phối số trái phiếu cần phát hành, vì thế không có bất kỳ nghĩa vụ nào với nhà đầu tư.

Đối với bảo lãnh thanh toán, nhà đầu tư cũng cần tìm hiểu kỹ phạm vi bảo lãnh (bảo lãnh thanh toán gốc, lãi hay chỉ một phần gốc, lãi và nhà đầu tư sẽ phải chịu rủi ro đối với phần còn lại).

Tài sản đảm bảo của trái phiếu doanh nghiệp hay các khoản vay tín dụng có nhiều loại như nhà đất, cổ phần, cổ phiếu, các chương trình, dự án đầu tư... Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ hiện nay, phần lớn tài sản đảm bảo là bất động sản và các chương trình, dự án, chứng khoán hoặc kết hợp các loại tài sản (bất động sản, chứng khoán).

Thông tin về tài sản đảm bảo được các doanh nghiệp phát hành nêu tại bản công bố thông tin, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ về điều kiện của tài sản đảm bảo, chất lượng, giá trị của tài sản đảm bảo và các kết quả về bảo đảm của doanh nghiệp phát hành.

Nhà đầu tư cần lưu ý rằng, đối với các tài sản đảm bảo là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu, khi thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản có nhiều biến động, giá trị tài sản đảm bảo có thể bị sụt giảm và không đủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu.

Phóng viên: Ông có dự báo gì về thị trường trái phiếu doanh nghiệp những tháng còn lại của năm 2023?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Thời gian qua, thị trường bị tác động chung bởi các yếu tố vĩ mô như chính sách kiểm soát tín dụng, môi trường lãi suất cao, kênh huy động trái phiếu suy giảm mạnh, pháp lý dự án bị đình trệ hoặc thay đổi chính sách.

Đối với trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, áp lực trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn vẫn đang gia tăng trong 2 quý cuối năm nay, trong khi nhiều tổ chức phát hành trái phiếu vẫn còn khó khăn trong hoạt động kinh doanh và dòng tiền hạn chế.

Do đó, việc đàm phán để gia hạn thời hạn các trái phiếu đến hạn là một trong những giải pháp tốt nhất mà các đơn vị phát hành trái phiếu có thể lựa chọn ở thời điểm này.

Bất động sản vẫn là nhóm có tỷ trọng đáo hạn lớn nhất, chiếm gần 43,6% tổng giá trị trái phiếu đáo hạn trong quý 3. Đứng sau là nhóm Tài chính – ngân hàng với tỷ lệ chiếm 30% tổng giá trị đáo hạn. Với khối lượng trái phiếu đáo hạn lớn kể trên trong nửa cuối năm, có thể thấy rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, nếu như thị trường bất động sản không được tháo gỡ.

Phóng viên: Ông có đề xuất gì thêm để thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phát triển ổn định, bền vững?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Theo tôi, cần tiếp tục nghiên cứu các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, gỡ vướng và giám sát doanh nghiệp phát hành trái phiếu trong việc thanh toán nợ, gốc cho nhà đầu tư trên thị trường sơ cấp. Đây vẫn là giải pháp quan trọng nhất trong bối cảnh hiện nay.

Việc giám sát thật chặt chẽ và xử lý thật nghiêm nếu xảy ra tiêu cực trong việc chấp thuận tư cách nhà đầu tư chuyên nghiệp của các công ty chứng khoán cũng là rất cần thiết, nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch cho thị trường. Cần phải có giải pháp để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng và trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ ở tỷ lệ phù hợp.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cũng là một biện pháp để thị trường này hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt. Nên cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp huy động trái phiếu ở phương thức riêng lẻ.

Ngoài ra, cần có những chính sách minh bạch thông tin và tổ chức xếp hạng tín nhiệm trên thị trường trái phiếu, từ đó hình thành văn hóa xếp hạng tín nhiệm đối với trái phiếu giúp nhà đầu tư hiểu rõ hơn về kênh mình đầu tư cũng như tạo ra sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp./.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục