Khởi công nâng cấp đường băng hai sân bay lớn nhất nước

09:56' - 29/06/2020
BNEWS Sáng 29/6, tại sân bay quốc tế Nội Bài, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức khởi công xây dựng dự án cải tạo, nâng cấp đường cất/hạ cánh, đường lăn sân bay Nội Bài và sân bay Tân Sơn Nhất.

Phát biểu tại lễ khởi công, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An ninh hàng không dân dụng Quốc gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sớm cải tạo, nâng cấp đường cất/hạ cánh, đường lăn sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất là hết sức cấp thiết đối với việc phát triển kinh tế- xã hội và công tác đối ngoại của đất nước.

Theo Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình, sau khi cải tạo, nâng cấp, 2 cảng hàng không này sẽ  tiếp nhận được các tàu bay A350, B787-9 hay B787-10, đáp ứng được nhu cầu khai thác đến năm 2025 dự kiến đạt đến 44 triệu hành khách/năm đối với Cảng hàng không Nội Bài và 50 triệu hành khách/năm đối với Cảng hàng không Tân Sơn Nhất.

Đây là dự án đầu tư công khẩn cấp theo quy định của pháp luật, do đó, để công trình hoàn thành theo đúng tiến độ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu, trong quá trình triển khai dự án, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam, các đơn vị liên quan xây dựng phương án khai thác, điều hành hoạt động bay một cách khoa học, đảm bảo tuyệt đối an toàn, an ninh; trong đó có phương án dự phòng khẩn nguy.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu, chủ đầu tư thực hiện đúng quy định, mục tiêu, nhiệm vụ phê duyệt dự án, nhà thầu, tư vấn thực hiện đúng các cam kết theo hợp đồng đảm bảo chất lượng, kỹ thuật và tiến độ dự án.

Trước đó, báo cáo tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, từ năm 2017 đến nay, do phải khai thác vượt tần suất thiết kế, tiếp nhận nhiều loại máy bay thế hệ mới với tải trọng lớn (như A350-900, B787-9, B787-10) nên hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn của 2 cảng hàng không quốc Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã bị xuống cấp và ngày càng nghiêm trọng.

Theo tiêu chuẩn thiết kế, cần phải cải tạo, nâng cấp kết cấu mặt đường cất hạ cánh, đường lăn tại 2 cảng hàng không này.

"Tình trạng xuống cấp kết cấu mặt đường băng như hiện nay nếu không được cải tạo, nâng cấp kịp thời có thể phải dừng khai thác hoạt động bay, điều đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh tế, đối ngoại của đất nước tại 2 Cảng hàng không cũng như gây mất an toàn, an ninh hoạt động Hàng không", Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho hay.

Cũng theo Thứ trưởng Lê Anh Tuấn, hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn hiện hữu tại cảng hàng không Nội Bài và Tân Sơn Nhất không đáp ứng được nhu cầu khai thác đến năm 2025 dự kiến đạt đến 44 triệu hành khách/năm đối với cảng hàng không Nội Bài và 50 triệu hành khách/năm đối với cảng hàng không Tân Sơn Nhất.

Do vậy, việc phải đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn của 2 cảng hàng không Nội Bài và Tân Sơn Nhất là hết sức cấp bách.

Xuất phát từ thực tiễn, được sự cho phép của Chính phủ, cuối tháng 5/2020, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành các quyết định phê duyệt dự án cải tạo, nâng cấp đường cất/ hạ cánh, đường lăn sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Theo đó, dự án nâng cấp đường băng sân bay Nội Bài có tổng mức đầu tư được duyệt là 2.031,6 tỷ đồng.

Dự án sẽ tiến hành cải tạo, nâng cấp đường cất/ hạ cánh 11L/29R (1A) và đường cất/ hạ cánh 11R/29L (1B); xây dựng mới các đường lăn thoát nhanh S3A, S5B, S6B; cải tạo, nâng cấp các đường lăn hiện hữu (S1, S1A, S2, S3, S4, S5, S5A, S6, S7); xây dựng các công trình phục vụ quản lý bay, đèn tín hiệu, sơn kẻ tín hiệu…

Tương tự, dự án nâng cấp đường băng sân bay Tân Sơn Nhất được phê duyệt với mục tiêu cải tạo, nâng cấp đường cất/ hạ cánh 25R/07L và vuốt dốc vào các đường lăn nối W6, W4, NS1, E1; xây dựng các đường lăn thoát nhanh (W2A, W4A), đường lăn song song (W11A); xây dựng, cải tạo, nâng cấp các đoạn đường lăn nối (N1, W3, W5, W5A, W7, W9); xây dựng các công trình phục vụ quản lý bay, đèn tín hiệu… tổng mức đầu tư dự án khoảng 2.015,3 tỷ đồng.

Thời gian xây dựng của hai dự án thực hiện từ năm 2020 đến năm 2021.

Nhà thầu xây lắp tại đường băng sân bay Nội Bài là liên danh Tổng công ty Xây dựng Hàng không (ACC) - Công ty cổ phần Phát triển đầu tư xây dựng Việt Nam (VINADIC) - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn; nhà thầu tư vấn giám sát là Công ty cổ phần Tư vấn công nghệ, thiết bị và kiểm định xây dựng (CONINCO).

Tại dự án nâng cấp đường băng Tân Sơn Nhất, liên danh nhà thầu xây lắp được lựa chọn có sự hiện diện của Tập đoàn CIENCO4, doanh nghiệp xây lắp giao thông lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Đây cũng là đơn vị đã từng đảm nhiệm thi công 11 dự án nâng cấp đường băng có tính chất tương tự như dự án cải tạo, nâng cấp đường băng Tân Sơn Nhất.

Hai nhà thầu khác nằm trong liên danh này cũng có nhiều năng lực, kinh nghiệm thi công đường băng sân bay là: Tổng công ty Xây dựng Hàng không (ACC) - Công ty cổ phần Xây dựng công trình hàng không 647.

Nhà thầu tư vấn giám sát tại dự án là liên danh Phân viện Khoa học công nghệ giao thông vận tải  phía Nam (ITSTS) và Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế giao thông vân tải Phía Nam (TEDI South)./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục