Khởi động chuỗi sự kiện sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả năm 2024

11:59' - 10/04/2024
BNEWS Để đảm bảo cung ứng đủ điện, nâng cao hiệu quả của nền kinh tế, việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện đóng một vai trò quan trọng.

Sáng nay 10/4, tại trụ sở Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị sử dụng điện tiết điện và hiệu quả trong giai đoạn nhu cầu phụ tải điện tăng cao năm 2024. Hội nghị do Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) và Trung tâm Nghiên cứu phát triển thị trường điện lực và Đào tạo (Cục Điều tiết Điện lực) chủ trì.

 

Phát biểu tại hội nghị, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững cho biết, hội nghị này là một trong những sự kiện mở đầu của năm 2024 trong chuỗi các hội nghị thuộc Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030. Hội nghị nhằm đi trước, đón đầu để phòng ngừa, chuẩn bị kế hoạch hành động đối phó với giai đoạn phụ tải điện tăng cao, đặc biệt trong giai đoạn mùa khô 2024. Tên gọi của Hội nghị về Tiết kiệm điện năm 2024 đã thể hiện rất rõ về sứ mệnh, trách nhiệm về kế hoạch hành động của các bên liên quan, các bên có tác động, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sử dụng điện trong giai đoạn nhu cầu phụ tải điện tăng cao.

Thiếu điện nghiêm trọng xảy ra tại khu vực miền Bắc trong các tháng 5-6/2023 là bài học để nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về sử dụng điện một cách hiệu quả, cũng như ý thức tầm quan trọng và vai trò trụ cột của việc đảm bảo an ninh cung cấp điện đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Để đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng, an ninh cung cấp điện và không để xảy ra thiếu điện trong bất kỳ tình huống nào, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo “Phải đẩy mạnh thực hiện nghiêm túc, thực chất và có hiệu quả Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện, Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Chương trình quản lý nhu cầu điện, chuyển đổi năng lượng xanh, sạch; phối hợp nghiên cứu thúc đẩy sản xuất trong nước, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động trong lĩnh vực năng lượng”.

Từ đầu năm 2024, cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế, thể hiện trên các chỉ số tăng trưởng ấn tượng về sản xuất và xuất khẩu quý I/2024, nhu cầu về điện đã có sự tăng trưởng đột biến, lên đến 11,84% so với cùng kỳ năm 2023. Để đảm bảo cung ứng đủ điện, nâng cao hiệu quả của nền kinh tế, thì việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện đóng một vai trò quan trọng.

Ông Trịnh Quốc Vũ cho hay, trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước xây dựng kế hoạch và đẩy mạnh việc triển khai thực hiện tiết kiệm điện theo Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo; đẩy mạnh thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030.

Theo đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước xây dựng kế hoạch và đẩy mạnh việc triển khai thực hiện tiết kiệm điện theo Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo; đẩy mạnh thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030.

Đồng thời, để không xảy ra tình trạng thiếu điện trong năm 2024 và các năm tiếp theo, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, trực tiếp đến EVN và các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện, cụ thể: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 17/02/2024 về việc đảm bảo cung cấp điện các tháng cao điểm mùa khô 2024; Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành các Quyết định phê duyệt kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024 và kế hoạch cung cấp điện các tháng cao điểm mùa khô 2024 và gần đây nhất là Chỉ thị số 05/CT-BCT ngày 28/03/2024 về việc đảm bảo cung cấp điện các tháng cao điểm mùa khô 2024.

Đây là các nội dung chính được trao đổi, thảo luận tại hội nghị; đồng thời là thông điệp của hội nghị để qua đó tuyên truyền và lan tỏa kịp thời thông điệp “Tiết kiệm điện – Thành thói quen”, thực hành tiết kiệm điện không chỉ những lúc thiếu điện mà thực hành mọi lúc, mọi nơi với mọi đối tượng, với tinh thần trách nhiệm cao nhất, hiệu quả nhất để góp phần bảo đảm an ninh cung cấp điện.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Thế Hữu, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, bên cạnh những nỗ lực của ngành điện và công tác tuyên truyền, thực hiện đồng bộ các giải pháp tiết kiệm điện trên phạm vi cả nước, một giải pháp hiệu quả khác được đánh giá rất thiết thực trong những tình huống thiếu điện hoặc mất cân bằng cung cầu hệ thống điện quốc gia đó là thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện (DSM) mà cụ thể là các chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR).

Thực tế, trong hơn 1 thập kỷ trở lại đây, đồng hành với việc chú trọng phát triển năng lượng tái tạo, đẩy mạnh tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, các Chương trình quản lý nhu cầu điện, đặc biệt là Chương trình điều chỉnh phụ tải đã được nhiều nước trên thế giới; trong đó có Việt Nam nghiên cứu và từng bước triển khai hiệu quả. Cụ thể, theo báo cáo của EVN, đã có thời điểm trong tháng 5-6/2023, tổng công suất điều chỉnh giảm được của khách hàng chủ động tham gia chương trình DR là gần 500 MW, điều này đã góp phần đáng kể trong việc giảm áp lực mất cân bằng cung cầu hệ thống điện cũng như giảm tình trạng phải thực hiện ngừng, giảm cung cấp điện do hệ thống điện quốc gia thiếu nguồn điện.

Trong bối cảnh chung toàn cầu, các nguồn năng lượng sơ cấp (than, dầu, khí) ngày càng cạn kiệt trái ngược với xu hướng tăng trưởng tiêu thụ năng lượng, tiêu thụ điện và biến đổi khí hậu ngày càng tăng, để đảm bảo an ninh cung cấp điện, an ninh năng lượng và phát triển bền vững, ngoài việc quan tâm phát triển phía cung, nhiều nước trên thế giới cũng đã dành nhiều sự quan tâm đến phía cầu.

“Đặt mục tiêu và lợi ích của các chương trình quản lý phía cầu trong bối cảnh hiện nay cũng như nhìn xa hơn đến năm 2050 của Việt Nam thì có thể đánh giá các Chương trình, giải pháp về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả và các Chương trình quản lý, điều chỉnh phụ tải sẽ là các giải pháp bền vững và hiệu quả để góp phần thực hiện được các mục tiêu mà Việt Nam đã cam kết tại COP 26 cũng như góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia”, ông Hữu khẳng định.

Tại hội nghị lần này, Cộng đồng giải pháp tiết kiệm điện (Cộng đồng ESS) đã chính thức ra mắt với sự hiện diện của hơn 20 đơn vị đồng sáng lập. Sự ra đời của Cộng đồng ESS góp phần hỗ trợ Mạng lưới tiết kiệm điện Việt Nam (VESN) thực hiện hiệu quả hơn các hoạt động về đào tạo, tập huấn, tư vấn và tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục