Khởi động nghiên cứu khu công nghiệp sinh thái tại Bình Dương

11:03' - 14/02/2025
BNEWS Nghiên cứu khả thi lần này khẳng định tiềm năng phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái (EIP) tại Bình Dương. Dự án tiếp tục nhận được sự đồng hành và hỗ trợ chuyên môn từ Ngân hàng Thế giới.

Ngày 14/2, UBND tỉnh Bình Dương phối hợp với Becamex IDC, Ngân hàng Thế giới, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Khoa học và Công nghệ, Ban Quản lý các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh Bình Dương tổ chức Hội thảo Khởi động nghiên cứu khả thi khu công nghiệp sinh thái tại Bình Dương theo khung quốc tế EIP 2.0.

 

Tiến sĩ Lý Duy Khiêm, đại diện Becamex nhấn mạnh rằng việc phát triển các khu công nghiệp theo chuẩn quốc tế là yếu tố cốt lõi nhằm cân bằng giữa tăng trưởng công nghiệp và trách nhiệm xã hội, môi trường. Mô hình EIP mà Becamex hướng tới được xây dựng trên bốn trụ cột: Năng lượng sạch, triển khai điện mặt trời áp mái, trang trại điện mặt trời (solar farm), nhà máy lưu trữ năng lượng mặt trời và hệ thống mạch vòng khép kín đảm bảo cung ứng năng lượng bền vững. Quản lý hạ tầng kỹ thuật bền vững như tập trung, tự động hóa, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để điều phối, giám sát thông qua Trung tâm điều hành thông minh (IOC). Cộng sinh công nghiệp gồm: xây dựng cơ sở hạ tầng dùng chung, trao đổi nguyên vật liệu giữa các doanh nghiệp để giảm phát sinh rác thải, thúc đẩy tuần hoàn nước. Phát triển tiện ích cộng đồng và xã hội gồm nhà ở xã hội, dịch vụ tiện ích, y tế, giáo dục; tạo dựng môi trường sống xanh, sạch, đẹp và an toàn.

Nghiên cứu khả thi lần này khẳng định tiềm năng phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái (EIP) tại Bình Dương. Dự án tiếp tục nhận được sự đồng hành và hỗ trợ chuyên môn từ Ngân hàng Thế giới, nhằm hướng đến triển khai thực tế mô hình EIP đạt chuẩn quốc tế tại các khu công nghiệp trọng điểm thuộc vùng Bàu Bàng, bao gồm KCN Bàu Bàng, KCN Bàu Bàng Mở Rộng và KCN Cây Trường. Khi đi vào hoạt động, mô hình này sẽ giúp các doanh nghiệp trong khu công nghiệp phát triển theo hướng cộng sinh công nghiệp, tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, đồng thời gia tăng giá trị kinh tế bền vững.

Theo Giáo sư Park Hang Suck, chuyên gia hàng đầu về khu công nghiệp sinh thái tại Hàn Quốc cho biết, mô hình khu công nghiệp sinh thái (EIP) tại Ulsan đã được triển khai thành công nhờ sự hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và các tổ chức khoa học. Ulsan Eco-Industrial Development (Ulsan EID) – đơn vị tư vấn chủ chốt trong dự án này  đã áp dụng những giải pháp cộng sinh công nghiệp, tối ưu hóa sử dụng tài nguyên và giảm thiểu tác động môi trường, giúp Ulsan trở thành hình mẫu khu công nghiệp sinh thái tiên tiến tại Hàn Quốc. Trong khuôn khổ nghiên cứu khả thi lần này, các chuyên gia từ Ulsan EID sẽ phối hợp với Becamex IDC, với sự đồng hành và hỗ trợ kỹ thuật từ Ngân hàng Thế giới, để xây dựng lộ trình triển khai phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Bình Dương. Qua đó, góp phần định hình hệ sinh thái công nghiệp bền vững, nâng tầm khu công nghiệp Bình Dương theo tiêu chuẩn quốc tế.

Đại diện Ngân hàng Thế giới cho rằng, mô hình khu công nghiệp sinh thái sẽ được đảm bảo nguồn vốn được đảm dồi dào với cam kết cùng chính quyền, nhà đầu tư, doanh nghiệp nhằm thúc đầy dự án thành công và hiệu quả.

Ông Bùi Minh Thạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết: "Tỉnh Bình Dương đã quy hoạch và định hướng các khu công nghiệp phải được đầu tư, phát triển bền vững, hiệu quả hơn và có tính cạnh tranh cao hơn. Việc áp dụng các nguyên tắc của khu công nghiệp sinh thái giúp chúng ta giảm phát thải carbon, tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên và tạo ra một hệ sinh thái công nghiệp thân thiện với môi trường. Hơn nữa, các EIP giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của nhà đầu tư bằng cách hỗ trợ họ đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường toàn cầu nghiêm ngặt, từ đó mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế".

UBND tỉnh Bình Dương đánh giá cao và hoàn toàn ủng hộ nghiên cứu khả thi này. Với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ngân hàng Thế giới và các tổ chức liên quan, dự án sẽ mở đường để Bình Dương trở thành địa phương tiên phong của Việt Nam trong phát triển khu công nghiệp sinh thái theo tiêu chuẩn quốc tế.

“Tỉnh kỳ vọng cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp do Becamex làm chủ đầu tư tại Bàu Bàng, sẽ tích cực hưởng ứng và tham gia, góp phần hiện thực hóa thành công mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Bình Dương” – ông Bùi Minh Thạnh cho hay.

Đại diện Becamex IDC khẳng định sẽ tiếp tục hưởng ứng chính sách chuyển đổi xanh và phát triển công nghiệp sinh thái, đồng thời hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc tế như Ngân hàng Thế giới để thúc đẩy các giải pháp công nghiệp bền vững tại Việt Nam. Nghiên cứu khả thi này được xem là bước quan trọng trong việc hiện thực hóa mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Bình Dương, thể hiện vai trò tiên phong của Becamex trong việc cung cấp hạ tầng, dịch vụ và giải pháp hỗ trợ nhà đầu tư theo định hướng phát triển bền vững.

Theo Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh định hướng phát triển từ 48 - 50 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 25.000 ha; trong đó ưu tiên phát triển nhiều khu công nghiệp thế hệ mới. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã thành lập 29 khu công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch 12.745 ha. Trong số đó, 28 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, với tổng diện tích thực tế đạt 12.045 ha, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư của địa phương.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục