Khởi động quá trình phê chuẩn FTA Việt Nam-EU

10:29' - 01/11/2018
BNEWS Ủy ban châu Âu ngày 18/10 đã công bố chính thức thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam EU (EVFTA) để trình lên Hội đồng châu Âu đề nghị ủy nhiệm ký.

Trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới Vương quốc Bỉ, Liên minh châu Âu (EU) và tham dự Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM), Ủy ban châu Âu ngày 18/10 đã công bố chính thức thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) để trình lên Hội đồng châu Âu đề nghị ủy nhiệm ký.

Thủ tướng Bỉ Charles Michel và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt tay trước khi tiến hành hội đàm. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Với việc đã sớm trình Hiệp định Tự do Thương mại và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư giữa Việt Nam - EU lên Hội đồng châu Âu như cam kết, Ủy ban châu Âu đã chứng tỏ họ có khả năng và thiện chí nỗ lực triển khai các hiệp định sớm nhất có thể vì lợi ích của cả hai bên.

Theo lịch trình, Hội đồng châu Âu sẽ có thời gian ít nhất là hai tháng để các nước thành viên xem xét và đồng ý ủy quyền cho Ủy ban châu Âu ký kết các hiệp định trên với Việt Nam. Sau khi được ký, hai Hiệp định sẽ được trình lên Nghị viện châu Âu xem xét phê chuẩn và thông qua.

EVFTA sẽ đi vào thực thi sau khi được Quốc hội Việt Nam và Nghị viện châu Âu phê chuẩn, còn IPA cần phải đợi sự phê chuẩn của Quốc hội Việt Nam, Nghị viện châu Âu và toàn bộ các quốc gia thành viên EU.

Một hiệp định thế hệ mới

EVFTA được châu Âu đánh giá là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, bao hàm nhiều nội dung sáng tạo và đổi mới. “FTA thế hệ mới” là cụm từ trong thời gian gần đây được báo chí châu Âu cũng như Việt Nam nhắc tới nhiều để chỉ rõ sự khác biệt giữa Hiệp định tự do thương mại Việt Nam – EU với các FTA truyền thống mà Việt Nam đã tham gia trước đó.

Với phạm vi rộng hơn, nội dung vượt ra ngoài các cam kết về thương mại, dịch vụ và đầu tư, EVFTA bao gồm cả những nội dung liên quan tới thể chế và khuôn khổ pháp lý trong một loạt các lĩnh vực quan trọng như môi trường, lao động, doanh nghiệp nhà nước, sở hữu trí tuệ cho tới hoạt động mua sắm đầu tư công của chính phủ… Các FTA thế hệ mới một khi có hiệu lực và đi vào thực thi sẽ có thể tác động mạnh mẽ tới thể chế của các bên liên quan.

Theo nội dung của EVFTA, có tới trên 99% hàng rào thuế quan của hàng hóa giao thương giữa Việt Nam và Liên minh châu ÂU sẽ được dỡ bỏ.

Thỏa thuận cũng sẽ giải quyết một cách triệt để những hàng rào phi thuế quan trong ngành công nghiệp ôtô cùng với nội dung bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho 169 sản phẩm của Liên minh châu Âu, bên cạnh đó còn tạo điều kiện cho các công ty châu Âu bình đẳng với doanh nghiệp Việt Nam trong đấu thầu các hợp đồng mua sắm đầu tư công của Chính phủ Việt Nam.

EVFTA cũng đảm bảo duy trì một môi trường thương mại và đầu tư bình đẳng giữa các doanh nghiệp của cả hai bên, tạo đà cho sự phát triển bền vững trên cơ sở những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về lao động, an toàn, bảo vệ môi trường và quyền lợi của người tiêu dùng.

Trong khi đó, Hiệp định IPA hàm chứa những quy định rất hiện đại và mang tính thực thi cao thông qua việc thống nhất về hệ thống toà án đầu tư mới. Thỏa thuận này được kỳ vọng sẽ tạo những bước tiến sâu rộng trong mối quan hệ hợp tác không chỉ giữa Việt Nam với EU mà còn mang tầm cao hơn, giữa khu vực Đông Nam Á với châu Âu.

Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU tại Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với kim ngạch thương mại hàng hóa lên tới 47,6 tỷ euro và thương mại dịch vụ ở mức 3,6 tỷ euro một năm, chỉ sau Singapore. Nhập khẩu chủ yếu của EU từ Việt Nam là các thiết bị viễn thông, hàng may mặc và thực phẩm. Ở chiều ngược lại, EU chủ yếu xuất sang Việt Nam các mặt hàng như máy móc và thiết bị vận tải, hóa chất và nông sản.

Một điều khá thú vị là dù hàng rào thuế quan cơ bản sẽ được bãi bỏ trong giao thương hàng hóa giữa hai bên một khi được thực thi nhưng với trường hợp EVFTA hầu như không thấy rộ lên những tiếng nói phản đối từ các nhóm không ủng hộ hội nhập tại châu Âu như trong các trường hợp trước đây như CETA với Canada hay TTIP với Mỹ.

Quan điểm của nhiểu chuyên gia cho rằng giao thương hàng hóa giữa EU và Việt Nam không mang nặng tính cạnh tranh mà về cơ bản còn bổ sung rất tốt cho nhau xem ra có thể lý giải được phản ứng này.

Nỗ lực từ các bên

Trong cuộc gặp gỡ gần đây nhất ngày 19/10 tại Brussels, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Cao ủy châu Âu phụ trách thương mại Cecilia Malmström đều công nhận vai trò của chương trình thương mại và phát triển bền vững của FTA và thống nhất cùng nỗ lực thúc đẩy các sáng kiến trong lĩnh vực này, bao gồm việc Việt Nam xúc tiến các thủ tục để phê chuẩn các Công ước cơ bản của Tổ chức lao động quốc tế (ILO).

Tại buổi điều trần do Ủy ban thương mại quốc tế của EP (INTA) tổ chức ngày 10/10 tại Brussels, Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh khẳng định trong bối cảnh thương mại quốc tế hiện đang đứng trước không ít trắc trở cùng rất nhiều điều không thể đoán định được thì Chính phủ Việt Nam vẫn quyết tâm duy trì một môi trường thương mại, đầu tư mở và sẵn sàng hoan nghênh tất cả các nhà đầu tư cũng như các doanh nhân châu Âu đến Việt Nam đầu tư và làm ăn với các doanh nghiệp Việt Nam.

Về phần mình, Trưởng đoàn đàm phán của EU, bà Helena Konig cho rằng EVFTA sẽ giúp doanh nghiệp châu Âu tiếp cận thị trường và cạnh tranh thuận lợi hơn tại Việt Nam, đồng hành cùng các đối tác Việt Nam trong tiến trình phát triển. Còn IPA sẽ giúp bảo vệ tốt hơn các nhà đầu tư châu Âu hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Trưởng đoàn đàm phán của EU nhận định cam kết của Việt Nam trong các Hiệp định sẽ đảm bảo tốt hơn quyền của người lao động, bảo vệ môi trường và duy trì phát triển bền vững tại nước sở tại.

Trước một tương lai đầy hứa hẹn cùng những cơ hội mới mà EVFTA có thể đem lại, đặc biệt là sự thuận lợi trong hoạt động thương mại và đầu tư trên lãnh thổ của đối tác, giới doanh nghiệp châu Âu cũng như Việt Nam đều nóng lòng trông đợi Hiệp định được phê chuẩn và đi vào thực thi.

Được khởi động từ tháng 6/2012, đến cuối năm 2015, Việt Nam và EU đã kết thúc quá trình đàm phán và tích cực thực hiện công tác rà soát pháp lý nhằm tiến tới ký kết sớm Hiệp định EVFTA. Tuy nhiên, tại EU đã xuất hiện một vấn đề có tính chất pháp lý về thẩm quyền phê chuẩn các FTA và đã phải đưa ra xin ý kiến của Tòa án công lý châu Âu.

Tòa này sau khi xem xét đã đưa ra phán quyết của mình về định dạng mới cho các FTA giữa EU với các đối tác. Tiếp đó, phải đến tháng 9/2017 EU mới chính thức đưa ra được một định dạng mới cho Hiệp định sẽ ký kết với Việt Nam.

Theo đó, EU đã đề xuất tách EVFTA thành 2 hiệp định độc lập, trong đó một hiệp định chuyên về đầu tư và bảo hộ đầu tư, và hiệp định còn lại được gọi là Hiệp định tự do thương mại. Đến tháng 4/2018, về cơ bản hai bên đã tách thành công hai hiệp định này từ những nội dung đã đàm phán trước đây.

Những công đoạn cuối cùng của tiến trình rà soát pháp lý chỉ được hoàn tất vào tháng 6 vừa qua.

Đánh giá cao nội dung, ý nghĩa cũng như tầm quan trọng của EVFTA và IPA, Việt Nam và EU đều mong muốn Hiệp định được Nghị viện châu Âu phê chuẩn ngay trong nhiệm kỳ này, tức là trước tháng 5/2019 – thời điểm diễn ra cuộc bầu cử nhiệm kỳ mới của Nghị viện châu Âu./.

>>>Doanh nghiệp châu Âu ủng hộ mạnh mẽ EVFTA

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục