Khởi nghiệp từ bùn thải

06:38' - 24/06/2017
BNEWS Ý tưởng biến bùn thải thành phân vi sinh đã được Huy Hào và Hồng Mức "nhen nhóm" từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường để giúp cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường trên các dòng kênh ở Cà Mau.
Huy Hào (áo xanh) đang giới thiệu sản phẩm cho khách. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN

Nguyễn Hữu Huy Hào và Phan Hồng Mức là hai cái tên sẽ chính thức góp mặt trong danh sách bạn trẻ khởi nghiệp tiêu biểu, đại diện cho thành phố Cần Thơ tham gia “Hành trình khởi nghiệp Việt Nam” từ ngày 16/9 đến 8/10.

Đó là vinh dự mà các bạn xứng đáng được hưởng cho kết quả từ ý tưởng “Biến bùn thải từ các nhà máy chế biến thủy sản thành phân vi sinh”. Ý tưởng này đã đoạt giải Nhất cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp" khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và được lọt vào vòng chung khảo toàn quốc cuộc thi "Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp sinh viên" lần thứ nhất, do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức, diễn ra vào tháng 3 vừa qua tại Hà Nội.

Nguyễn Hữu Huy Hào và Phan Hồng Mức đều sinh năm 1995, cùng quê Cà Mau. Nguyễn Hữu Huy Hào theo học tại Khoa Xử lý môi trường, Trường Đại học Cần Thơ, Phan Hồng Mức học chuyên ngành Kinh tế, Đại học Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ.

Chia sẻ về ý tưởng biến bùn thải thành phân vi sinh, Huy Hào cho biết, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, em và Hồng Mức đã cùng chung ước muốn làm được điều gì đó cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường trên các dòng kênh ở Cà Mau.

Đặc biệt, quan sát thực tế, Hào và Mức thấy các nhà máy chế biến thủy sản đều chung tình trạng xả nước thải chưa được xử lý tốt trực tiếp ra sông, rạch, khiến môi trường nhiễm bẩn, đời sống bà con quanh khu vực cũng ảnh hưởng khá nhiều.

Đến năm 2016, trong một buổi thực nghiệm cùng các thầy cô trong khoa về phương cách xử lý nước thải của các nhà máy chế biến thủy sản, Hào đã chú ý đến lượng bùn thải sau xử lý nước bị bỏ không rất lãng phí.

Từ đây, Hào đã cùng Hồng Mức tìm đến các thầy cô, đặc biệt là thầy Hoàng Ngọc Khánh, giảng viên giỏi của Khoa trong lĩnh vực xử lý môi trường, trình bày ý tưởng tái chế bùn thải và xin chỉ bảo kỹ hơn về cách thức xử lý.

Được thầy Khánh phân tích và cho biết, bùn thải từ các nhà máy chế biến hải sản chứa rất nhiều hữu cơ và hoàn toàn không có hóa chất hoặc kim loại nặng. Vì thế, nếu xử lý đúng quy trình, đây sẽ là lượng phân bón rất tốt cho cây trồng. Tuy nhiên, nếu không được xử lý một cách triệt để, chính lượng bùn thải này sẽ khiến đất bị nhiễm độc, bị “trơ”, quá trình xả độc cho đất sẽ tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc.

Theo Hào, quy trình biến bùn thải thành bùn vi sinh trải qua ba giai đoạn gồm tách nước, khử UV và bổ sung vi sinh có lợi cho cây. Với sự giúp đỡ nhiệt tình của thầy Khánh từ khâu phác thảo quy trình, phân tích mẫu bùn thu về từ nhà máy, đến so sánh với các thành phần của bùn vi sinh sau xử lý…, các bạn đã hoàn tất được ý tưởng của mình.

Trên cơ sở đánh giá thể hiện bằng các chỉ số phân tích của các chuyên gia Trường Đại học Nông nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, sản phẩm phân vi sinh từ bùn thải (còn được biết đến với tên gọi “đất sạch hữu cơ”) đã giảm tối đa mức độ độc hại từ nước thải chứa hàm lượng các chất hữu cơ, vô cơ, các loại vi khuẩn, virus, động vật nguyên sinh gây bệnh đến môi trường cũng như sức khỏe con người.

Hàm lượng hữu cơ trong đất sạch ngang với phân bón, nhà vườn không cần sử dụng thêm phân hoặc các hóa chất bảo vệ thực vật nào khác, nên rất thân thiện với môi trường. Hiện công nghệ của hai sinh viên này đã đăng ký bản quyền và đang trong thời gian xét duyệt.

Nói về những khó khăn trong quá trình thực hiện ý tưởng, Hào chia sẻ, nhóm bắt tay vào thực hiện đề tài từ tháng 9/2016, khi cả hai còn đang là sinh viên với lịch học khá dày. Vì thế, việc thu xếp thời gian cho nghiên cứu, di chuyển giữa Cà Mau, Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh để lấy mẫu, xét nghiệm, thử nghiệm… là cả một thử thách.

Việc tìm nguồn cung bùn thải từ các nhà máy chế biến thủy sản hoàn toàn dễ dàng, các công ty “cho không”, nhưng việc vận chuyển sao cho an toàn và không phát sinh chi phí cao cũng là trở ngại của nhóm.

Sau đó, khi đã có thành phẩm, công đoạn tiếp cận và thuyết phục thị trường cũng khá gian nan… Tuy nhiên, đến thời điểm này, nguồn cung của nhóm luôn thấp hơn nhu cầu tiêu thụ của thị trường, nhiều đơn hàng phải gia hạn thời gian vì không kịp sản xuất.

Hiện tại, sản phẩm bùn vi sinh của nhóm đã có mặt ở nhiều trang trại, cơ sở cũng như nông hộ trồng rau sạch, hoa và cây cảnh ở Cần Thơ, Cà Mau, Trà Vinh, Vĩnh Long và Thành phố Hồ Chí Minh, với giá 10.000 đồng/kg.

Một số tỉnh, thành khác đang liên hệ đặt hàng, hứa hẹn việc mở rộng thị trường cho sản phẩm là rất khả quan. Hào phấn khởi, thời gian tới, khi hoàn thiện và mở rộng quy trình xử lý bùn thải, nhóm sẽ tiến tới phương án tính phí xử lý đối với các công ty, thay vì “lấy không” như hiện nay.

Thêm vào đó, có thể nhóm sẽ lấn thêm qua lĩnh vực xử lý nước thải trở thành nước sinh hoạt, phục vụ bà con tại những huyện thiếu nước ngọt vùng ven biển.

Anh Nguyễn Văn Phong, chủ cơ sở sản xuất rau sạch ở quận Bình Thủy; anh Nguyễn Trí Thành, chủ cơ sở rau sạch ở quận Cái Răng và Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố Cần Thơ ... là những địa chỉ lớn tại Cần Thơ đang sử dụng sản phẩm bùn vi sinh của nhóm cho các loại rau, cây ăn trái và cây cảnh. Phản hồi từ các địa chỉ này cho thấy, cây phát triển tốt, ít bệnh và cũng ít bị sâu hại, giúp giảm chi phí đầu tư phân bón, thuốc trừ sâu.

Phó Giáo sư Lê Nguyễn Đoan Khôi, Trưởng Ban Giám khảo Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp kiêm Giám đốc Vườn ươm khởi nghiệp Trường Đại học Cần Thơ đánh giá, y tưởng “Biến bùn thải từ các nhà máy chế biến thủy sản thành phân vi sinh” rất có tiềm năng về giá trị thương mại và thân thiện với môi trường.

Nhà trường sẽ hỗ trợ tối đa cho các em trong các khâu thủ tục hành chính xin cấp bản quyền sáng chế, hỗ trợ thông tin thị trường để các em có thể thương mại hóa sản phẩm của mình một cách tốt nhất./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục