Khởi nghiệp từ Nhu cầu - Hễ “đi” là “đến”

15:02' - 04/06/2018
BNEWS Những người khởi nghiệp thành công, nhất là tại Mỹ, là minh chứng rõ nhất cho xu thế khởi nghiệp bắt nguồn từ nhu cầu của bản thân...

“Khởi nghiệp” là một đề tài không mới, nhưng “khởi nghiệp như-thế-nào” lại là một chủ đề bất tận. Những người khởi nghiệp thành công, nhất là tại Mỹ, là minh chứng rõ nhất cho xu thế khởi nghiệp bắt nguồn từ nhu cầu của bản thân. Dropbox và Pinterest là hai điển hình đi theo xu hướng này...

Dropbox – "khắc phục chứng hay quên"

"Mang dữ liệu của bạn đi bất cứ đâu". Ảnh: Psafe

Hẳn những người dùng máy tính không còn lạ lẫm với Dropbox, ứng dụng lưu trữ và chia sẻ dữ liệu trực tuyến của Mỹ. Người sáng lập Dropbox Drew Houston bắt đầu làm việc với các ý tưởng cho khởi nghiệp từ khi ở độ tuổi “teen”, cho ra đời công ty đầu tiên chuyên chuẩn bị cho kỳ thi chuẩn hóa đánh giá năng lực trên giấy (SAT).

Trước khi nhập học tại Viện Công nghệ Massachusettes (MIT), Houston đã dành một năm để làm việc với một cựu giáo viên phổ thông về công ty này, đặt mục tiêu giúp học sinh “gặt hái” những điểm số hoàn hảo trong bài thi đầu vào trường đại học.

CEO Dropbox Drew Houston. Ảnh: Financial Times

Chàng trai Houston đến với ý tưởng thành lập Dropbox khoảng hai năm sau lúc này và đây là khởi nghiệp thứ sáu của Houston. Mục đích ban đầu của việc này là khắc phục vấn đề cá nhân từng khiến Houston “rất tuyệt vọng”: luôn để quên USB lưu trữ tài liệu cần thiết ở nhà. Do “không bao giờ muốn điều này lặp lại”, Houston đã “mở trình soạn thảo” và “bắt đầu viết một vài code”, hoàn toàn không có ý tưởng điều này sẽ “đi về đâu”. 

Không lâu sau khi tìm được cộng sự là Arash Ferdowski, người quyết định bỏ học MIT để cống hiến cho Dropbox, Dropbox đã nhận được khoản vốn đầu tiên từ Sequoia Capital, mà theo kể lại của Houston là anh “nhấn refresh máy tính và đợi tài khoản tăng từ 60 USD lên 1,2 triệu USD”…

Để đưa Dropbox đến vị trí ngày hôm nay, đoạn đường Tổng Giám đốc điều hành (CEO) Houston đi không phải lúc nào cũng êm đềm khi giai đoạn đầu gặp những vấn đề trong việc đưa Dropbox “cất cánh”, 10 năm ròng sát cánh cùng công ty rồi đến lúc khước từ hàng loạt cơ hội bán công ty, bao gồm cả lời mời “9 con số” từ huyền thoại Steve Jobs vào năm 2009. 

Dropbox hiện đã nâng quy mô từ hai nhân viên 11 năm về trước lên hơn 1.000 nhân viên, cung cấp dịch vụ cho hơn 500 triệu khách hàng, tạo ra đến 1 tỷ USD doanh thu thường niên.

Năm 2013, khi được mời lại về MIT, ngôi trường Houston từng theo học, CEO Dropbox có dịp trải lòng với các sinh viên mới tốt nghiệp và các doanh nghiệp: “Nơi bạn sống đóng vai trò quan trọng: Chỉ có một MIT, một Hollywood và một Thung lũng Silicon. Không phải là một sự trùng hợp khi với bất cứ điều gì bạn đang làm, thường chỉ có một nơi những con người hàng đầu đi đến. Bạn nên đến đó. Đừng ‘hạ cánh’ tại bất cứ nơi nào khác. Gặp gỡ những người hùng của tôi và học hỏi từ họ đã mang đến cho tôi một lợi thế lớn lao…”

Pinterest – nhu cầu "được công nhận”

Pinterest được lập ra từ nhu cầu "được công nhận”. Ảnh: internet

Ben Silbermann, CEO kiêm người đồng sáng lập có tầm nhìn xa trông rộng của Pinterest – công ty mạng và ứng dụng di động nổi tiếng của Mỹ - là một trong những điển hình “đi ngược lại sự sắp đặt của số phận” và thành công với lựa chọn đó.

Ben Silbermann lớn lên tại Iowa và được nuôi dưỡng tại Des Moines, bởi bố mẹ đều là bác sỹ, hai người chị em của Silbermann cũng nối nghiệp này. Đây chính là lý do khiến Silbermann ngay từ nhỏ đã “luôn cho rằng mình sẽ là một bác sỹ” và chưa bao giờ hoài nghi về điều này. Bước ngoặt đầu tiên đến với Silbermann, do mang lòng kính trọng các doanh nhân như George Eastman, Walt Disney và Steve Jobs theo cách Silbermann “kính trọng Michael Jordan”, Silbermann đi theo ngành dược song quyết định đầu quân vào kinh doanh.

Ban đầu, Silbermann nhận một vị trí tư vấn viên, làm việc với các bảng tính và không lâu sau nhận ra mình đang ở sai vị trí. Một lần nữa, Silbermann nhận “tín hiệu” từ ngành kinh doanh, khi bộ phim “Những tên cướp ở Thung lũng Silicon” với câu trích dẫn “There might be something going on in California…” (Có thể có điều gì đó diễn ra ở California…) đã truyền cảm hứng cho Silbermann dời đến miền Tây.

Sống tại nơi “ngày và đêm, con người xây dựng các sản phẩm”, và đi theo phương châm “ở gần người truyền cảm hứng”, Silbermann được nhận vào một vị trí hỗ trợ khách hàng tại Google sau khi khẳng định với nhà tuyển dụng mình “thực sự thực sự yêu Internet”. 

Mặc dù công ty mới được Silbermann cảm nhận là một “nơi đặc biệt” bởi những người đồng sáng lập “mơ ước thực sự lớn”. Song Silbermann không trụ lại với Google lâu, một phần do Google không để Silbermann xây dựng sản phẩm. Silbermann “ra riêng” và thử kêu gọi vốn, một việc thực sự khó khăn khi người giàu lúc đó đầu tư vào vàng.

Quyết định lập đội với Paul Sciarra, một người bạn từ đại học, rồi trình làng Tote – một danh mục liệt kê trên điện thoại – là cột mốc đầu tiên trong sự nghiệp của Silbermann. Song mọi việc lúc này không hề dễ dàng khi đội của Silbermann “không thể nhận được tiền” trong khi liên tiếp nhận về những lời khước từ từ các nhà đầu tư tiềm năng.

Nhờ luôn tâm niệm: Một là cảm giác không thể quay trở lại nơi mình đã ra đi; hai là không muốn khiến Sciarra thất vọng, Silbermann đi qua được thời gian khó khăn này. Ngay sau khi được một nhà đầu tư để mắt đến, Silbermann đã gọi cho các nhà đầu tư trước đây nói “không” và cho họ hay họ “sẽ bỏ lỡ” và “đây là một thương vụ nóng”. Điều này mang - lại - hiệu - quả. 

Sau một thời gian, Silbermann và Sciarra đã “xoay trục” sang Pinterest hoạt động dưới hình thức trang mạng chia sẻ hình ảnh. Silbermann từng nhận mình luôn là một người sưu tầm đồ đạc với nhận thức “những thứ bạn sưu tầm nói rất nhiều về việc bạn là ai”.

Pinterest ngay từ vòng gọi vốn đầu tiên đã đón về 128 triệu USD. So với khi thành lập (tháng 3/2010), Pinterest nay sở hữu đội ngũ hơn 500 nhân viên, với tổng lượng người dùng “hoạt động” mỗi tháng đạt 175 triệu người, 75 triệu người đến từ Mỹ. Trên Pinterest hiện có hơn 50 tỷ “pin” (ghim) và hơn 1 tỷ “board” (bảng), nơi đây là "nhà" của 75 tỷ ý tưởng.

Giá trị thị trường của Pinterest hiện đạt hơn 11 tỷ USD. Khoảng 30% người dùng truyền thông xã hội Mỹ sử dụng Pinterest. 87% “Pinner” đã mua một sản phẩm vì Pinterest trong khi 72% người dùng mạng xã hội này để quyết định sẽ mua gì ngoại tuyến. Thời gian trung bình đối với mỗi lượt ghé thăm Pinterest là 14 phút 12 giây.

Lượt ghé thăm Pinterest kéo dài trung bình 14 phút 12 giây. Ảnh: omnicore agency

“Nếu mỗi ngày chúng ta đến gần hơn một chút với điều gì đó khiến chúng ta thực sự tự hào, ta sẽ không bao giờ hối hận về khoảng thời gian đã đầu tư” là lời nhắn nhủ từ người sáng lập Pinterest Ben Silbermann./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục