Khôi phục kinh tế trong dịch COVID-19 - Bài 1: Nhiều ảnh hưởng

14:59' - 21/03/2020
BNEWS Là một trong những thành phố du lịch của Việt Nam, cùng với cả nước, Đà Nẵng đang đối diện với khó khăn chưa từng có về kinh tế bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Thế nhưng, người dân và thành phố Đà Nẵng đã sẵn sàng tâm thế để đẩy lùi khó khăn, tranh thủ thuận lợi và cơ hội nhằm nỗ lực khôi phục nền kinh tế trong tình hình dịch. 
Bài 1: Nhiều ảnh hưởng
Du lịch dịch vụ và kinh tế hàng hải là hai mũi nhọn chính của nền kinh tế thành phố Đà Nẵng. Thế nhưng đây lại là 2 lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi hàng loạt quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới lần lượt “đóng cửa” do lo ngại sự bùng phát của dịch COVID-19. Các doanh nghiệp từ lớn đến nhỏ tại thành phố biển Đà Nẵng đang gồng mình chống chọi “đại dịch” trong kinh doanh, sản xuất.
* Ảnh hưởng tăng trưởng
Với cơ cấu kinh tế khu vực dịch vụ chiếm 60%, công nghiệp từ 20-25%, thành phố Đà Nẵng có nhiều lĩnh vực phụ thuộc đầu vào trong chuỗi cung ứng sản xuất và dịch vụ liên quan. Ước tính do dịch COVID-19, số lượng khách du lịch quốc tế đến thành phố Đà Nẵng năm 2020 giảm tới 50 - 60%. Từ đầu tháng 2/2020, tình trạng hủy phòng, tour, dịch vụ liên tục xảy ra khiến các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này thiệt hại nặng nề, hoạt động cầm chừng hoặc tạm dừng.

Du khách tham quan Cầu Vàng - công trình nằm tại vườn Thiên Thai, thuộc khu du lịch Bà Nà Hills của thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Ước tính kim ngạch xuất khẩu hàng hóa quý I/2020 của thành phố giảm 6,3%, nhập khẩu giảm 11,8% so với cùng kỳ năm 2019; hàng hóa qua Cảng Đà Nẵng giảm khoảng 30%. Nhiều nhóm ngành sản xuất gặp khó do thiếu nguyên liệu đầu vào và bị đối tác hủy đơn hàng như: may mặc, cao su thành phẩm, thiết bị điện... 
Đà Nẵng đã lên các kịch bản về tăng trưởng kinh tế trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố dự kiến tăng 7,32%, nhưng sẽ chỉ tăng 5,91% nếu dịch COVID-19 được khống chế trong quý I/2020 và đạt mức tăng 4,69% nếu dịch được khống chế trong quý II/2020. Điều này cho thấy mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh lên tăng trưởng kinh tế của thành phố.
Ông Nguyễn Đức Quỳnh - Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, Phó chủ tịch thường trực Hội Khách sạn Đà Nẵng chia sẻ, hiện tỷ lệ khách thuê phòng chỉ đạt từ 5 - 10% khiến nhiều khách sạn phải đóng cửa, cho nhân viên nghỉ việc chưa xác định thời hạn. Một số khách sạn có nguồn lợi nhuận từ trước thì có thể duy trì hoạt động với mức trên dưới 50 khách/ngày; trong khi trước đây có thể đón tới 400 - 500 khách/ngày.
Sự sụt giảm diễn ra ở tất cả các cơ sở lưu trú chứ không riêng gì các cơ sở khách sạn 4, 5 sao. Nhiều doanh nghiệp buộc phải cho người lao động thôi việc, nghỉ không lương hoàn toàn hoặc nghỉ một số ngày trong tháng để duy trì hoạt động.
* Chính quyền vào cuộc
Trong kỳ họp bất thường Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Đà Nẵng khóa IX lần thứ 13 vừa qua, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đưa ra những Nghị quyết cấp bách thúc đẩy nền kinh tế thành phố.
Đại biểu Nguyễn Thị Thúy Mai - Phó Giám đốc Sở Công Thương đề nghị, thành phố triển khai sớm chương trình hỗ trợ doanh nghiệp sau khi có hướng dẫn từ các bộ, ngành, nhất lĩnh vực ngân hàng, thuế, hải quan. Quy trình làm chính sách rất lâu nên việc triển khai của địa phương phải tách ra, làm song song với Trung ương.
Đối với chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thuộc thẩm quyền thành phố, cần tiếp tục thực hiện tốt chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết số 149/2018/NQ-HĐND ngày 12/7/2018 của HĐND thành phố về quy định chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các tổ chức vay vốn để đầu tư các dự án phát triển kinh tế - xã hội quan trọng trên địa bàn. Hiện đã có nhiều chính sách nhưng rất nhiều doanh nghiệp chưa được tiếp cận, nên phải tăng cường tuyên tuyền để chính sách đi vào thực tiễn.
Còn đại biểu Lương Nguyễn Minh Triết - Bí thư Quận ủy Hải Châu đề xuất các ngành cần rà soát, có giải pháp hỗ trợ kịp thời cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhất là ngành giáo dục và dịch vụ, du lịch. Ngoài ra, thành phố cần có giải pháp đồng bộ về chế độ chính sách để giải quyết bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chế độ thai sản nhằm đảm bảo an sinh xã hội.
Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung yêu cầu các ngành rà soát, đánh giá lại tất cả các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp của thành phố từ trước đến nay; trong đó, tập trung thực hiện những chính sách có hiệu quả tốt, sửa đổi hoặc hủy bỏ những chính sách thiếu thực tiễn, không để tình trạng nhiều chính sách nhưng doanh nghiệp không tiếp cận được.
Theo đó, Đà Nẵng đã thống nhất đề ra 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm phòng, chống, giảm thiểu tác động của dịch bệnh để vừa tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nỗ lực hoàn thành tốt các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.
Bài 2: Gấp rút tìm giải pháp

Xem thêm:

>>Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng

>>Dịch COVID-19: Các cơ sở y tế tại Đà Nẵng chủ động tư vấn, khám, sàng lọc

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục