Khôi phục kinh tế trong dịch COVID-19 - Bài cuối: Thay đổi để hồi sinh

15:15' - 21/03/2020
BNEWS Không chỉ chờ đợi các chính sách hỗ trợ của nhà nước, mỗi doanh nghiệp tại Đà Nẵng đang thực hiện phương án, chiến lược riêng để tồn tại trong giai đoạn khó khăn.
Một góc thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN

Thời gian này cũng là lúc các doanh nghiệp tự nhìn nhận, đánh giá lại năng lực, hiệu quả và sẵn sàng thay đổi để hồi sinh.
Là một doanh nghiệp chuyên chế tạo sản phẩm lọc của ô tô với thâm niên hơn 10 năm, Công ty cổ phần Hifill (Khu công nghiệp Hòa Khánh, Liên Chiểu, Đà Nẵng) cũng đang chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Ông Nguyễn Anh Vũ – Giám đốc Công ty cổ phần Hifill cho biết, từ khi dịch diễn ra tại Trung Quốc thì doanh nghiệp này đã bị thâm hụt một số nguồn nguyên liệu đầu vào. Để đảm bảo sản phẩm ra thị trường, công ty đã chủ động nhập nguyên liệu từ quốc gia khác.
Tuy nhiên, giá của nguồn nguyên liệu mới cao hơn giá nguồn nguyên liệu cũ trong khi giá cung cấp ra thị trường không thay đổi nên công ty thiệt hại đáng kể. Để thích ứng với dịch, công ty đã mở rộng tìm kiếm thị trường tại các quốc gia lân cận như Thái Lan, Malaysia và Ấn Độ vì họ cũng đang tìm kiếm các đối tác khác ngoài Trung Quốc.

Đây có thể là một cơ hội cho công ty vì ngoài Trung Quốc thì phụ tùng ô tô được sản xuất khá nhiều tại Việt Nam nên một số quốc gia Âu Mỹ đang dịch chuyển dần, tìm nguồn cung từ những quốc gia Đông Nam Á.
Còn Phó chủ tịch thường trực Hội Khách sạn Đà Nẵng Nguyễn Đức Quỳnh cho biết, thời điểm khó khăn này cũng chính là thời gian các doanh nghiệp xem xét, cơ cấu lại; tìm ra những thị trường ngách có thể tận dụng được và tạo ra năng suất; tiếp đến là tự trau dồi kỹ năng quản lý.
Để ứng phó với khủng hoảng, theo chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương, các doanh nghiệp cần chủ động để thiệt hại thấp nhất và có cơ hội tồn tại, tiếp tục phát triển sau khi dịch chấm dứt. Quan trọng nhất là phải giảm định phí, các khoản chi cố định, cân nhắc chuyển một số định phí thành biến phí, cần cắt giảm chi tiêu, thậm chí đóng cửa để cắt giảm định phí tối đa chờ thời cơ...

Tuy nhiên, nếu chờ quá lâu thì sẽ có nguy cơ thiệt hại lớn. Do đó, doanh nghiệp có thể tính toán thu hẹp một phần nhằm giảm thiệt hại.
Mặt khác, nhân cơ hội này, doanh nghiệp cần tìm kiếm, đa dạng hóa nguồn nhập và xuất để tránh rủi ro, phụ thuộc vào một số thị trường như hiện nay. Muốn vậy, doanh nghiệp cần tập trung nghiên cứu thị trường, giá cả, đối tác... để trong tương lai có nguồn nguyên phụ liệu chất lượng và giá trị gia tăng cao hơn.
Đây cũng là lúc các hiệp hội nghề nghiệp phát huy mạnh mẽ vai trò cầu nối với chính quyền, doanh nghiệp thành viên, đối tác quốc tế. Khi xảy ra khủng hoảng, những doanh nghiệp khỏe, ít bị ảnh hưởng có thể hỗ trợ cho những doanh nghiệp có “sức đề kháng” kém hơn... Bản thân các doanh nghiệp cần bình tĩnh, có phương án đảm bảo "sức khỏe" và tăng đề kháng để chờ đợi cơ hội mới.
Tuy dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp nhưng ông Trần Sĩ Chương hy vọng, sẽ có những cơ hội mới mở ra sau khi dịch kết thúc. "Nền kinh tế cũng như con người, khi ốm thì sẽ giảm bớt nhu cầu nhưng khi khỏe nhu cầu tăng lên thậm chí còn tăng lên rất nhiều lần.", ông Chương ví von.
Bởi vậy, theo ông Chương ngành nào bị ảnh hưởng sâu thì sẽ phục hồi càng nhanh. Lúc này, doanh nghiệp cần tranh thủ tái cấu trúc để tinh gọn các bộ phận và thích nghi với sự thay đổi sau khủng hoảng. Doanh nghiệp cần dự kiến về những thay đổi trong tương lai để tổ chức lại mô hình kinh doanh phù hợp, chứ không phụ thuộc vào cách thức cũ trong quá khứ.
Về định hướng cho Hiệp hội Du lịch và Hội Khách sạn Đà Nẵng, ông Nguyễn Đức Quỳnh cho rằng, theo kinh nghiệm trải qua các đợt dịch bệnh SARS, Ebola trước đây, du lịch sẽ tăng trưởng đột biến. Bởi vậy, cần chuẩn bị sẵn nguồn lực về tài chính để quảng bá kịp thời về thành phố du lịch Đà Nẵng.
"Nếu tranh thủ được, thương hiệu du lịch Đà Nẵng tiếp tục nắm giữ cơ hội từ các thị trường khách truyền thống vốn đã rất thành công như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản... Con số trên 40.000 phòng lưu trú tại Đà Nẵng hiện rất cần được lấp đầy để nhanh chóng khôi phục kinh tế thành phố biển giàu tiền năng. Cùng đó, các thị trường tiềm năng như châu Âu, Mỹ, Australia... cũng là trọng điểm cần hướng tới. Các doanh nghiệp cần chuẩn bị, sẵn sàng đón nhận với tâm thế tốt nhất", ông Quỳnh bày tỏ ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục