Khôi phục và phát triển nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh bình thường mới

21:58' - 02/04/2022
BNEWS Ngày 2/4, Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo “Khôi phục và phát triển nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh bình thường mới”.

Ngày 2/4, trong khuôn khổ Hội chợ du lịch Quốc tế Việt Nam 2022 tại Hà Nội, Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo Khôi phục và phát triển nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh bình thường mới.

Tại Hội thảo, ông Phạm Văn Thủy – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, hiện này dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp và chưa phải đã kết thúc, toàn xã hội cũng như ngành du lịch phải chuyển sang giai đoạn hoạt động trong điều kiện bình thường mới. Nhà nước đã có chủ trương phát triển du lịch nội địa và mở cửa thị trường du lịch quốc tế từ đầu năm 2022. Song, nhiều vấn đề đặt ra đối với nhân lực du lịch trong giai đoạn mở cửa và phục hồi ngành du lịch.

Một trong những vấn đề đặt ra đó là thiếu hụt nguồn nhân lực du lịch, sau ngày mở cửa, ngành di lịch cũng gặp khó khăn lớn trong tiến trình huy động nguồn lao động của ngành quy trở lại làm việc. Hiện người lao động vẫn chưa sẵn sàng trở lại làm việc do lo ngại dịch bệnh, một số đã chuyển nghề và dần ổn định nên không muốn quay lại ngành. Do đó, vấn đề thiếu hụt nhân lực du lịch là vấn đề cấp bách, cần được tính toán, bổ sung kịp thời.

Ông Phạm Văn Thủy cho biết thêm, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực mới, nhân lực trẻ bổ sung cũng gặp khó khăn. Bởi lẽ quá trình đào tạo này cần có thời gian thực hiện và bồi đắp. Thực tế hiện nay, chỉ có một bộ phận nhân lực của ngành là nhân lực của ngành đã qua đào tạo.

PGS. TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội đồng Khoa học đò tạo cũng cho rằng, dại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam; trong đó, ngành du lịch tổn thất nặng nề nhất. Lực lượng lao động du lịch cũng vì thế mà bị tác động mạnh vì mất việc làm hoặc phải chuyển ngành nghề.

Ông Nguyễn Văn Đính nhấn mạnh, hiện nay công tác bồi dưỡng, đào tạo nhân lực du lịch mới còn nhiều bất cập. Cụ thể, theo khảo sát tại các trường đại học cho thấy chương trình đào tạo dành cho sinh viên còn thiếu tính thực tế. Theo PGS. TS Nguyễn Văn Đính cho rằng, để thực hiện thu hút lao động lao động trở lại làm việc và tuyển dụng lao động mới làm việc tại các cơ sở du lịch cần xây dựng hệ thống dữ liệu về lao động của doanh nghiệp. Đối với lực lượng lao động cũ trở lại làm việc, cần đào tạo bổ sung những kiến thức, kỹ năng chuyên môn mới và bổ sung các kiến thức phù hợp với điều kiện thực tế.

Đối với lực lượng lao động mới tuyển dụng, doanh nghiệp du lịch cần phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các cơ sở đào tạo để đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ cũng như kỹ năng nghề nghiệp để nâng cao chất lượng phục vụ trực tiếp cho khách. Mặt khác, cần bổ sung những kiến thức, kỹ năng về phòng chống dịch Covid-19, bảo vệ môi trường, kiến thức, kỹ năng tin học cần thiết.

Còn theo bà Nguyễn Thanh Bình – Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn cho rằng, cần nghiên cứu nhu cầu thị trường, dự báo phát triển du lịch để tính toán nhu cầu đào tạo tập trung, đào tạo tại chỗ, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ và xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo của từng địa phương, cơ sở. Trong điều kiện bình thường mới, cần rà soát nguồn nhân lực du lịch, nhận diện rõ những hạn chế, yếu kém, thiếu hụt về chuyên môn nghiệp vụ của từng bộ phận.

Cùng với đó cần có chính sách thu hút, khuyến khích nguồn nhân lực du lịch có kinh nghiệm, kỹ năng nghề đã chuyển việc quay lại làm việc. Về giải pháp đào tạo nguồn nhân lực cho tương lai, bà Nguyễn Thanh Bình mong muốn có những định hướng việc làm tốt từ phụ huynh đến học sinh ngay từ khi đào tạo. Nếu định hướng việc làm chưa được chú trọng, dẫn đến nhận thức nghề kém, chất lượng nhân sự và hiệu suất việc làm và chất lượng dịch vụ kém./.

>>>"Ngành công nghiệp không khói" chuyển mình trong hậu COVID-19

>>>Đâu là "điểm nghẽn" cản trở phục hồi du lịch Việt?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục