Khơi thông “điểm nghẽn” tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

19:39' - 27/09/2024
BNEWS Nhiều chuyên gia, nhà quản lý và đại diện doanh nghiệp cho rằng, việc tiếp cận vốn là khó khăn lớn nhất đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay.

Chiều 27/9 tại thành phố Vinh (Nghệ An), Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa - VCCI phối hợp với Công ty Cho thuê tài chính Trách nhiệm hữu hạn BIDV-SuMi TRUST tổ chức Hội thảo “Thuê tài chính - kênh tiếp cận vốn trung dài hạn hiệu quả, phù hợp với doanh nghiệp nhỏ và vừa”.

Hội thảo có sự tham gia của 150 nhà quản lý, chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình cùng thảo luận, chia sẻ những phương pháp mới và thiết thực trong việc nâng cao hiệu quả quản trị tài chính và đảm bảo an toàn pháp lý.

Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp tìm ra những giải pháp phù hợp, góp phần cải thiện nâng lực quản lý và điều hành, giúp doanh nghiệp nhanh chóng vượt qua khó khăn và phát triển ổn định.

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Trần Thị Thanh Tâm - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa – VCCI nhấn mạnh, cơn bão số 3 (Yagi) vừa qua đã gây thiệt hại đối với các doanh nghiệp là vô cùng lớn, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các bộ, ban, ngành trung ương, địa phương đã có rất nhiều giải pháp thiết thực; trong đó có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, qua đó góp phần nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

 

Hội thảo này nhằm đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua những khó khăn, thách thức giúp các doanh nghiệp mở rộng các cơ hội tìm hiểu về thực trạng tiếp cận vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam như: Các nguồn vốn doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể huy động, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, khó khăn của doanh nghiệp nhỏ và vừa khi tiếp cận vốn và các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đa dạng nguồn vốn trung dài hạn; trong đó có thuê tài chính.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia, nhà quản lý và đại diện doanh nghiệp cho rằng, việc tiếp cận vốn là khó khăn lớn nhất đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, mặc dù đã có những bước chuyển biến tích cực, nhưng thực tế hiện nay, tài chính đang là vấn đề yếu nhất của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc các doanh nghiệp này muốn vay vốn ngân hàng không phải dễ bởi lịch sử tín dụng của doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu của các tổ chức tín dụng, chứng minh vốn góp bằng tài sản, không đủ tài sản thế chấp… Vì vậy, việc tiếp cận nguồn vốn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn từ các ngân hàng, cũng như từ các tổ chức tín dụng khác, các khoản vay có bảo lãnh cũng thường không đến được với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đề xuất giải pháp, TS. Cấn Văn Lực nêu cần nâng cao hiệu quả Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, củng cố và phát triển hệ thống bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa; phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng phi ngân hàng, cho phép thí điểm đối với hoạt động huy động vốn và cho vạy trực tuyến. Đối với bản thân doanh nghiệp nhỏ và vừa cần tăng năng lực cạnh tranh, đáp ứng tiêu chuẩn tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị; đa dạng hóa nguồn vốn; chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phấn đấu niêm yết và phát hành chứng khoán. Đối với các công ty cho thuê tài chính cần thiết kế sản phẩm, dịch vụ phù hợp; đẩy mạnh cho vay, cho thuê theo hình thức hợp vốn và tăng cường quảng bá sản phẩm, dịch vụ.

Thông thường, doanh nghiệp quen với việc vay vốn ngân hàng hoặc dùng vốn nội bộ của chính doanh nghiệp để mua sắm máy móc, dây chuyền sản xuất, phương tiện vận tải...Tuy nhiên, có một giải pháp về vốn tối ưu cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, đó là thuê tài chính.

Ông Hoàng Văn Phúc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cho thuê tài chính Trách nhiệm hữu hạn BIDV-SuMi TRUST (BSL) phân tích, với những doanh nghiệp vay nợ ngân hàng có khó khăn, tạm thời đến hạn không có tiền trả nợ thì món vay này sẽ bị xếp vào nợ quá hạn. Do đó, doanh nghiệp sẽ khó tiếp cận thêm nguồn tín dụng ngân hàng. Nhưng với hình thức Sale and leaseback (mua và cho thuê lại) của các công ty cho thuê tài chính, doanh nghiệp vừa có tiền trả nợ ngân hàng, vừa có thể “làm sạch” bảng cân đối tài sản để có thể vay thêm vốn lưu động phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, đối với những doanh nghiệp có tài sản, hoạt động kinh doanh hiệu quả nhưng thiếu vốn hoạt động trong khi đã hết hạn mức tín dụng ở ngân hàng, hoạt động Sale and leaseback của công ty cho thuê tài chính sẽ giúp doanh nghiệp tái cơ cấu lại nợ, tạo nguồn vốn để duy trì và mở rộng kinh doanh.

Như vậy, bài toàn về vốn của doanh nghiệp đã có thêm lời giải, khoảng cách giữa đồng vốn và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được thu hẹp lại, doanh nghiệp có thêm kênh huy động vốn, thêm giải pháp để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.

Chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo, thạc sĩ Thiều Kim Cường – Giám đốc đào tạo Công ty cổ phần Kim Bảo Nam cho rằng, để vay từ nguồn vốn trên, doanh nghiệp không khó tiếp cận. Điều quan trọng là hướng dẫn chính sách, quảng bá tuyên truyền để làm sao doanh nghiệp hiểu, kết nối tiếp cận và giải ngân vốn nhanh.

Trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong quản trị tài chính và pháp lý. Hội thảo được tổ chức nhằm giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả quản trị tài chính và đảm bảo an toàn pháp lý đối với sự pháp triển bền vững của doanh nghiệp.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục