Giải ngân vốn đầu tư công tại Đồng Tháp khó đạt 100% kế hoạch vì thiếu cát

16:50' - 27/09/2024
BNEWS Tuy tỉnh Đồng Tháp quyết liệt chỉ đạo, điều hành cùng sự nỗ lực của sở, ngành, địa phương nhưng đến nay, việc giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh chưa đạt như kỳ vọng, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023.

Một trong những nguyên nhân quan trọng là nguồn cát san lấp phục vụ những dự án tiếp tục khan hiếm.

 

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Cẩn cho biết, tỉnh gặp khó khăn trong việc tìm nguồn cung ứng cát phục vụ công trình. Năm 2023, Đồng Tháp có dành một phần trữ lượng cát để thực hiện một số dự án, công trình trọng điểm của tỉnh như đường ĐT.857, đường ĐT.845… Tuy nhiên, từ đầu năm 2024 đến nay, vì thời gian khai thác những mỏ cát đã hết hạn và cần phải tổ chức đấu thầu nên nhiều tháng qua, các công trình, dự án gặp khó khăn trong việc tìm nguồn cung ứng cát để triển khai thực hiện.

Đối với việc tìm nguồn cung ứng cát khác trên thị trường thì có giá trị chênh lệch cao hơn so với giá đã được phê duyệt nên nhà thầu đang có trạng thái thi công cầm chừng, để chờ điều chỉnh giá hoặc chờ cơ chế mới trong việc cung ứng cát nhằm triển khai thực hiện. Nhìn chung, giá cát ngày càng cao hơn so với giá được phê duyệt, tiến độ thi công công trình chậm.

Ông Lê Văn Ngọt, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Tháp cho hay, năm 2024, tổng nhu cầu cát san lấp phục vụ các dự án, công trình của tỉnh và dự án cao tốc khoảng 17,04 triệu m3. Trong số đó, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và Cao Lãnh - An Hữu cần 7,04 triệu m3; những công trình đầu tư công trên địa bàn tỉnh khoảng 10 triệu m3 (chưa bao gồm nhu cầu của công trình sử dụng vốn khác và công trình nhà dân).

Tuy nhiên, theo kế hoạch khai thác cát trong năm 2024 của tỉnh Đồng Tháp, dự kiến tổng khối lượng cát được khai thác khoảng 8,344 triệu m3. Theo đó, tỉnh phải ưu tiên cung ứng cho công trình cao tốc của Trung ương là 7,04 triệu m3. Còn phân bổ cho công trình đầu tư công của tỉnh chỉ được khoảng 0,498 triệu m3 cát đạt 5% so với tổng nhu cầu và dự kiến đến tháng 11/2024 mới đưa vào khai thác. Ngoài ra, phân bổ cho nhu cầu dân sinh, dự án đầu tư của doanh nghiệp… khoảng 0,806 triệu m3.

Theo Sở Xây dựng tỉnh Đồng Tháp, hiện nay, không còn mỏ cát để khai thác, cung ứng cho công trình đầu tư công trên địa bàn tỉnh. Nguồn cát san lấp thương mại rất khan hiếm và thậm chí là không có, vì phần lớn các tỉnh khai thác chỉ để cát phục vụ cho công trình xây dựng trên địa bàn quản lý không bán ra bên ngoài nên nhà thầu không thể tự chủ động được nguồn cát. Riêng nguồn cát nhập khẩu từ Campuchia chủ yếu là cát xây dựng nên không dùng để san lấp mặt bằng, đồng thời, giá cát bán tương đối cao.

Bên cạnh đó, giải phóng mặt bằng triển khai còn chậm, chưa đúng với kế hoạch đề ra. Một số địa phương được giao nhiệm vụ giải phóng mặt bằng chưa phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành tỉnh cũng như chưa quyết liệt, làm phát sinh khiếu nại, kéo dài thời gian, ảnh hưởng lớn đến tiến độ chung của dự án, nhất là những dự án giao thông trọng điểm đi qua nhiều địa bàn; chưa đăng ký kế hoạch vốn giải phóng mặt bằng ngay từ đầu năm.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp, tổng số kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 của tỉnh (kể cả vốn năm 2023 kéo dài chuyển sang) là 6.929,583 tỷ đồng. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công đến nay là hơn 3.502 tỷ đồng, đạt trên 50% so với kế hoạch, thấp hơn 10% so với cùng kỳ năm 2023. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp nhận định, trước tình hình khan hiếm nguồn cát san lấp; khó khăn về thẩm định giá và phê duyệt giá gói thầu mua sắm thiết bị thuộc lĩnh vực y tế và giáo dục… thì giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 khó đạt 100% so với kế hoạch đề ra.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết, một số địa phương, đơn vị thực hiện chưa tốt nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công. Những khó khăn gặp phải trong giải ngân vốn đã được nhận diện từ sớm. Vấn đề là cần sự quan tâm, linh hoạt, thích ứng để có sự chỉ đạo tập trung, hiệu quả. Ông Phạm Thiện Nghĩa yêu cầu các chủ đầu tư, Chủ tịch UBND các địa phương phải rà soát từng công trình để đánh giá tình hình giải ngân, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn hiệu quả. Các sở, ngành liên quan cố gắng đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục để sớm tiến hành khai thác mỏ cát, phục vụ thi công dự án.

Trong bối cảnh cát khan hiếm, UBND tỉnh Đồng Tháp đã quan tâm chỉ đạo thực hiện giải pháp giảm thiểu sử dụng cát sông san lấp cho công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ nhóm giải pháp giảm nhu cầu sử dụng cát sông để san lấp mặt bằng, làm nền đường, tôn cao nền; giải pháp về thiết kế công trình dùng ít cát hơn; tăng cường nhập khẩu cát… Cùng với đó, tận dụng đất, cát từ dự án nạo vét bãi bồi, cồn nổi, kênh, mương; đất dư do cải tạo ruộng, đào ao nuôi cá theo quy hoạch nuôi trồng thủy sản để đắp, san lấp cho công trình.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục