Khơi thông rào cản phát triển: Doanh nghiệp "khát" chính sách cụ thể

15:00' - 16/10/2016
BNEWS Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, việc ban hành và thực thi các chính sách xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng là điều mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam quan tâm.
Cải thiện về mặt chính sách, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng là một trong những mong đợi của cộng đồng doanh nghiệp. Ảnh: Hải Âu-TTXVN

Khi đề cập đến mục tiêu có ít nhất 500.000 doanh nghiệp đến năm 2020 của thành phố, nhiều doanh nghiệp, lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn đều chia sẻ rằng, để đạt được mục tiêu này, cái mà doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp cần không chỉ là vốn, công nghệ mà còn là chính sách.

Chia sẻ về mục tiêu trên, ông Lê Hồng Thắng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gỗ Đức Thành cho rằng, chủ trương rất tốt nhưng để làm được điều đó không phải đơn giản. Doanh nghiệp mỗi năm đều có đăng ký mới, đặc biệt trong thời gian qua phong trào khởi nghiệp rất phát triển. Nhưng để tồn tại và phát triển thì không phải đơn giản.

Theo ông Lê Hồng Thắng, để doanh nghiệp khởi nghiệp thì dễ nhưng để tồn tại và phát triển lâu dài, bên cạnh nội lực doanh nghiệp cần rất nhiều chính sách hỗ trợ. Chính sách, thủ tục hành chính rõ ràng hơn, giữ ổn định, không thay đổi liên tục khiến người dân cũng như doanh nghiệp lúng túng.

Cần có định hướng rõ ràng để doanh nghiệp đón đầu thời cơ. Cộng đồng doanh nghiệp rất mong được tạo mọi điều kiện thuận lợi. Cụ thể như, thủ tục hành chính đơn giản hơn, thông tư, nghị định hướng dẫn cụ thể, kịp thời để doanh nghiệp hiểu rõ các quy định của nhà nước.

Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tp.Hồ Chí Minh, cho rằng, một doanh nghiệp muốn phát triển phải có tối thiểu 3 điều kiện tiên quyết đó là: nguồn nhân lực, vốn và cơ chế chính sách, đây không chỉ là điều kiện để doanh nghiệp phát triển mà còn là điều kiện để hội nhập toàn diện.

Cải cách thủ tục hành chính dành cho cộng đồng doanh nghiệp thời gian qua đã mang tới những luồng gió mới. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

Vì vậy, cần phải quan tâm đào tạo phát triển nguồn nhân lực, tạo nguồn tài chính và lãi suất hợp lý, đặc biệt quan tâm khâu tổ chức thực hiện. Nhà nước phải khẩn trương hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật và con người đặc biệt quan tâm khâu cải cách hành chính, tổ chức thực hiện khẩn trương các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống.

“Nhưng doanh nghiệp vẫn chưa yên tâm khi các cơ quan nhà nước chưa thực sự đồng hành với doanh nghiệp, nói chưa đi đôi với làm, các giải pháp chậm đi vào cuộc sống. Nhà nước và Quốc hội luôn đề ra những chủ trương kịp thời nhưng chủ trương vẫn đến chậm với người dân và doanh nghiệp”, ông Minh chia sẻ thêm.

Ông Nguyễn Ngọc Thịnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Dây điện Từ Tiến Thịnh, cho rằng, chủ trương là đúng nhưng cần thay đổi cách làm. Phải có một đầu mối giải quyết tất cả những vấn đề này, để doanh nghiệp không phải mất quá nhiều thời gian giải quyết các thủ tục hành chính.

Mặt khác, thành phố cần chọn doanh nghiệp đầu ngành để tạo mọi điều kiện tập trung phát triển. Doanh nghiệp hàng đầu phát triển thì yêu cầu nội địa hóa sản phẩm, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước phát triển.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Khu công nghiệp Tp.Hồ Chí Minh cho rằng, để phát triển, doanh nghiệp cần vốn, lao động, công nghệ, hội nhập. Tuy nhiên, cái mà doanh nghiệp cần nhất chính là hệ thống luật pháp, chính sách thông thoáng để giúp họ tồn tại và phát triển. Điều này kể cả doanh nghiệp đang phát triển hay khởi nghiệp đều cần.

Từ thực tế của một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phụ trợ, ông Nguyễn Ngọc Thịnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Dây diện Từ Tiến Thịnh cho biết, khó khăn hiện nay là doanh nghiệp sinh sau đẻ muộn, phải đầu tư mới hết về công nghệ hiện đại, tốn rất nhiều tiền.

Vì vậy, cần hỗ trợ về tài chính là rất quan trọng. Để làm sao doanh nghiệp có công nghệ mới, đạt được sản phẩm chất lượng cao, giá thành cạnh tranh được với các nước có ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển.

Gợi mở những thời cơ, điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, ông Lê Hồng Thắng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gỗ Đức Thành cho rằng, doanh nghiệp nội địa nếu như có chiến lược kinh doanh, phát triển tốt thì phục vụ cho thị trường nội địa hơn 90 triệu dân cũng là thị trường rất rộng.

Nhưng cần phải có nội lực, có sự chuẩn bị để đương đầu với những thương hiệu lớn từ nước ngoài vào Việt Nam cạnh tranh. Doanh nghiệp phải có chiến lược, giữ uy tín, sản xuất, sản phẩm chất lượng.

Về tiếp cận vốn đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, theo ông Lê Hồng Thắng hiện nay rất thuận lợi, có nguồn quỹ của UBND thành phố, các hiệp hội, các doanh nghiệp đã đi trước ủng hộ đóng góp. Khởi nghiệp thì số vốn không cần nhiều, nhưng để ổn định và phát triển thì cần tích lũy kinh nghiệm. Kiên định với mục tiêu ban đầu để kiên trì đeo bám thì sẽ thành công.

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Tp.Hồ Chí Minh, ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh kiến nghị, Đảng và Nhà nước trước khi ban hành chính sách liên quan đến doanh nghiệp, người dân thì nên tham khảo đối tượng bị tác động để sớm đưa chính sách vào cuộc sống.

Cần có sự tham khảo của doanh nghiệp, người dân, đồng hành thực hiện, kiểm tra chính sách, chủ trương này. “Chính sách, nhất là thủ tục hành chính đề ra nếu không hơn thì phải bằng các nước phát triển để giúp doanh nghiệp hội nhập, phát triển”, ông Huỳnh Văn Minh đề xuất./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục