Không có quốc gia EU nào gặp tình trạng khẩn cấp về nguồn cung cấp khí đốt

08:33' - 01/04/2022
BNEWS Theo một phát ngôn viên của EC cho biết hôm 31/3, cho đến nay, các nước vẫn chưa xác định được tình trạng khẩn cấp liên quan đến nguồn cung khí đốt.
Thông tin từ Ủy ban châu Âu (EC) hôm 31/3 cho biết việc Đức và Áo tuyên bố "cảnh báo sớm" về nguồn cung khí đốt là một biện pháp phòng ngừa nhằm tăng cường giám sát nguồn cung, nhưng chưa có quốc gia EU nào báo hiệu rằng họ đang đối mặt với tình trạng khẩn cấp về nguồn cung khí đốt.

 
Hôm 30/3, Đức và Áo đều đã triển khai "giai đoạn cảnh báo sớm" về các kế hoạch dự phòng để quản lý nguồn cung khí đốt, trong bối cảnh lo ngại về việc nguồn cung của Nga bị gián đoạn sau khi Moskva yêu cầu người mua nước ngoài phải thanh toán nhiên liệu bằng đồng ruble.

Các biện pháp như vậy là mang tính "phòng ngừa" mà các nước trong Liên minh châu Âu (EU) thực hiện khi họ xác định có rủi ro đối với nguồn cung cấp khí đốt. Theo một phát ngôn viên của EC cho biết hôm 31/3, cho đến nay, các nước vẫn chưa xác định được tình trạng khẩn cấp liên quan đến nguồn cung.

Người phát ngôn cho biết: "Trong mọi trường hợp, không có vấn đề an ninh về nguồn cung cấp nào được báo cáo tại thời điểm này. Đồng thời cho biết thêm "cảnh báo sớm" là mức thông báo khủng hoảng thấp nhất trong các quy định của EU về vấn đề cung cấp khí đốt.

Các quy tắc của EU yêu cầu các quốc gia phải có kế hoạch đối phó với tác động của việc gián đoạn nguồn cung cấp khí đốt ở ba cấp độ khủng hoảng: cảnh báo sớm, cảnh báo và khẩn cấp.

Cảnh báo "cảnh báo sớm" giúp tăng cường giám sát nguồn cung của một quốc gia, yêu cầu các công ty tham gia vào thị trường khí đốt chia sẻ thông tin với cơ quan chức năng hàng ngày.

Mức độ "khẩn cấp" cuối cùng sẽ là thời điểm mà các chính phủ có thể buộc ngành công nghiệp cắt giảm hoạt động để đảm bảo cho các hộ gia đình và các dịch vụ thiết yếu như bệnh viện tiếp tục nhận được khí đốt.

Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, cho biết một nhóm xử lý khủng hoảng từ Bộ Kinh tế, cơ quan quản lý và khu vực tư nhân sẽ giám sát nhập khẩu và lưu trữ khí đốt.

Áo, quốc gia nhận khoảng 80% khí đốt từ Nga, cho biết họ sẽ thắt chặt giám sát thị trường nhưng hiện tại không có biện pháp bổ sung nào để đảm bảo nguồn cung cho đến nay.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 31/3 thông báo những người mua khí đốt của Nga "phải mở tài khoản bằng đồng ruble trong các ngân hàng của Nga. Từ các tài khoản này, các khoản thanh toán sẽ được thực hiện cho khí đốt được giao bắt đầu từ ngày 1/4".

Hiện vẫn chưa rõ liệu trên thực tế có cách nào để các công ty nước ngoài tiếp tục thanh toán mà không sử dụng đồng ruble hay không, điều mà EU và Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã loại trừ.

Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cho biết các hợp đồng khí đốt hiện tại được tính bằng đồng euro và các khoản thanh toán sẽ tiếp tục được thực hiện bằng đồng tiền đó./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục