Không có TPP, hàng xuất khẩu Việt Nam có cơ hội nào khi vào Mỹ?

16:56' - 19/10/2017
BNEWS Ngay cả khi không được hưởng lợi từ bất kỳ chương trình ưu đãi thương mại hay FTA nào, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ tiếp tục vượt qua các đối thủ cạnh tranh trên thị trường này.
Đối với thị trường Mỹ, Việt Nam là nhà xuất khẩu lớn thứ hai sau Trung Quốc ở cả hai nhóm ngành hàng may mặc và giày dép. Ảnh minh hoạ: TTXVN

An toàn sản phẩm, nguồn cung cấp có trách nhiệm, tuân thủ và minh bạch là giá trị cốt lõi cho chuỗi cung ứng thành công và được đánh giá cao.

Đây là vấn đề đang được nhiều tổ chức quốc tế và quốc gia quan tâm vì mang tính chất toàn cầu, đồng thời tạo ra cơ hội khác cho Việt Nam tại thị trường Mỹ khi không có TPP.

Những thông tin được cho biết tại Hội thảo "Quốc tế về An toàn sản phẩm và các vấn đề tuân thủ" do Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam) kết hợp cùng Hiệp hội May mặc và Giày dép Hoa Kỳ (AAFA) tổ chức ở Tp. Hồ Chí Minh, ngày 19/10. 

Nhà xuất khẩu thứ 2

Trong 12 tháng tính đến 31/8/2017, nhập khẩu hàng may mặc vào Mỹ từ Việt Nam tăng 8,74% và giày dép tăng 11,83%. Đối với thị trường Mỹ, Việt Nam là nhà xuất khẩu lớn thứ hai sau Trung Quốc ở cả hai nhóm ngành hàng may mặc và giày dép.

Thậm chí, khi không được hưởng lợi từ bất kỳ chương trình ưu đãi thương mại hay Hiệp định thương mại tự do (FTA) nào, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ tiếp tục vượt qua các đối thủ cạnh tranh trên thị trường này.

Các nhà bán lẻ và người tiêu dùng Mỹ đang ưa chuộng và đánh giá hàng may mặc Việt Nam có những điểm mạnh về chất lượng, giá cả và tuân thủ cam kết giao hàng.

Ông Nate Herman, Phó Giám đốc Cấp cao chuỗi cung ứng Hiệp hội AAFA, cho biết, Việt Nam đang xếp ở vị trí thứ 12 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu hàng hóa vào Mỹ; trong đó, Việt Nam đang có những ngành hàng đạt tốc độ tăng trưởng cao và giá trị lớn là giày dép, may mặc, đồ dùng du lịch...

Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu các ngành hàng này đang tiếp tục tăng cao và Việt Nam được xác định vẫn là nhà nhập khẩu lớn về các ngành hàng giày dép, may mặc, đồ dùng du lịch... đối với thị trường Mỹ và là đối tác quan trọng.

Theo ông Josue Solano, Chủ tịch và Giám đốc Điều hành BBC International LLC, doanh nghiệp cần liên tục cập nhật những thay đổi về an toàn sản phẩm và vấn đề tuân thủ ở các thị trường tham gia xuất khẩu và bán hàng.

Đồng thời, xác định vị trí của doanh nghiệp, ngành hàng đang nằm ở đâu trong chuỗi cung ứng toàn cầu cần được ưu tiên, để có chính sách hoạt động và quản lý nhà cung ứng đầu vào cũng như sản phẩm đầu ra.

"Sản phẩm sẽ phân phối và bán tại thị trường nào, cần đáp ứng yêu cầu về pháp lý, thị hiếu tiêu dùng của thị trường đó. Ngoài ra, doanh nghiệp không nên tiết kiệm chi phí, mà cần dành chi phí phù hợp cho lĩnh vực an toàn sản phẩm và vấn đề tuân thủ, nhằm đảm bảo uy tín thương hiệu và không mất khách hàng", ông Josue Solano, nhấn mạnh.

Mặc khác, thách thức trong thực hiện an toàn sản phẩm và vấn đề tuân thủ đối với các nhà xuất khẩu, là mỗi quốc gia có những tiêu chuẩn khác nhau trong quy định về những vấn đề này. Điển hình, trong thực hiện an toàn sản phẩm và vấn đề tuân thủ tại Mỹ có danh sách về sử dụng hóa chất, nhưng mỗi bang lại có thêm một số quy định và danh sách riêng.

Do đó, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phải theo dõi và thực hiện tất cả các quy định này, khi đưa hàng hóa ra thị trường. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn đối diện với việc vừa phải thực hiện an toàn sản phẩm và vấn đề tuân thủ, vừa phải đảm đảm mức giá phải cạnh tranh cho sản phẩm, nhằm giữ vững lợi thế cạnh tranh cũng như chinh phục người tiêu dùng.

Chính sách trong tương lai

Ngoài thực hiện an toàn sản phẩm và vấn đề tuân thủ, liên quan đến những cơ hội khác cho hàng xuất khẩu Việt Nam vào Mỹ khi không có TPP, ông Jon Fee, Cố vấn Cao cấp của Alston & Bird LLP, chia sẻ, để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường này, Việt Nam cần quan tâm đến các chương trình như Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), sáng kiến “vành đai và con đường” BRI...

Các chuyên gia cũng dự báo, trong thời gian tới, Mỹ sẽ không thực hiện đàm phán song phương hay đa phương về các hiệp định thương mại tự do và có xu hướng tái đàm phán lại các FTA khác mà Mỹ đã ký kết với các nước cũng như vùng lãnh thổ.

Bên cạnh đó, chính sách thương mại Mỹ đang tập trung vào những vấn đề trọng tâm gồm: giảm thâm hụt thương mại, quản lý thương mại và thúc đẩy xuất khẩu của Mỹ. Song song đó, Mỹ cũng tích cực triển khai kích cầu sản xuất kinh doanh nội địa, tạo công ăn việc làm và phát triển thị trường nội địa.

Theo đó, đối với việc Mỹ xem xét lại Hệ thống GSP (Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập), sẽ có khả năng ảnh hưởng đến các ngành hàng giày dép, may mặc, đồ dùng du lịch... của Việt Nam. Nếu Việt Nam không được hưởng ưu đãi GSP, thì có thể sẽ bị cạnh tranh bởi các quốc gia như Campuchia, Myanmar, Philippines... do vẫn được hưởng GSP.

Tuy nhiên, Việt Nam là quốc gia có thể được lợi từ Dự luật MTB (Dự luật tạm thời dừng hoặc giảm thu thuế nhập khẩu các loại) trong hai đến ba năm tới, nên Việt Nam cần tìm hiểu để có chiến lược khai thác hiệu quả.

Ông Nate Herman, Phó Giám đốc Cấp cao chuỗi cung ứng Hiệp hội AAFA, lưu ý doanh nghiệp Việt Nam, hiện nay Mỹ đã và đang tập trung vào thực thi pháp luật, do lo ngại tăng trưởng nhập khẩu từ các nước vào thị trường Mỹ tăng cao dẫn đến thâm hụt thương mại.

Vì vậy, doanh nghiệp nên chủ động theo dõi và tăng cường dự báo diễn biến chiến lược thương mại của Mỹ. Trong đó, khả năng Mỹ sẽ áp thêm thuế cho nhiều loại hàng hóa khác nhau, có thể gây tác động nhất định đối với một số ngành hàng nhập khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ.

Đánh giá về mối quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ, bà Mary Tarnowka, Tổng Lãnh sự, Lãnh sự Quán Mỹ, Tp. Hồ Chí Minh, cho rằng, thúc đẩy cam kết thương mại lâu dài tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam là vấn đề quan trọng mà Mỹ luôn quan tâm.

Đặc biệt, phát triển mối quan hệ thương mại, đầu tư với Việt Nam là một trong những giải pháp mà Mỹ có thể tham gia vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Theo bà Mary Tarnowka, Việt Nam đã cam kết và đang khẩn trương thực hiện lộ trình đổi mới, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế, thu hút đầu tư, thương mại nước ngoài và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu này, Việt Nam phải đẩy mạnh hơn nữa tiến trình xây dựng hệ thống pháp lý công bằng, minh bạch để tạo ra môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi. Đặc biệt, là thực hiện an toàn sản phẩm và vấn đề tuân thủ, nhằm thúc đẩy thu hút doanh nghiệp, dòng vốn ngoại đầu tư, kinh doanh vào thị trường Việt Nam./.

>>> 10 mặt hàng chiếm 71,73% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu cả nước

>>> Tránh rủi ro khi xuất khẩu vào thị trường Nam Phi: Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục