Không có vùng cấm trong xử lý đối với cán bộ vi phạm

20:12' - 13/03/2018
BNEWS Phóng viên TTXVN tại Hà Nội, Phú Thọ và Tp. Hồ Chí Minh đã ghi nhận ý kiến của cán bộ, đảng viên về việc khởi tố bị can nguyên Thiếu tướng công an Nguyễn Thanh Hóa về tội tổ chức đánh bạc.
Nguyên Thiếu tướng Công an Nhân dân Nguyễn Thanh Hóa. Ảnh: TTXVN phát

Vừa qua, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Phú Thọ đã ra Quyết định Khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam 4 tháng đối với Nguyễn Thanh Hóa- nguyên Thiếu tướng Công an nhân dân, nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50, Bộ Công an) về tội “Tổ chức đánh bạc” quy định tại khoản 2, Điều 249 - Bộ luật Hình sự năm 1999.

Trước đó, Chủ tịch nước đã ký Quyết định tước danh hiệu Công an nhân dân đối với Nguyễn Thanh Hóa.

Ban Bí thư cũng đã họp dưới sự chủ trì của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để nghe Đảng ủy Công an Trung ương và các cơ quan chức năng liên quan báo cáo kết quả điều tra vụ án: "Tổ chức đánh bạc, đánh bạc, lừa đảo, rửa tiền".

Phóng viên TTXVN tại Hà Nội, Phú Thọ và Thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận ý kiến của cán bộ, đảng viên về vụ việc mà dư luận xã hội đặc biệt quan tâm này.

* Xử lý nghiêm minh đối với cán bộ vi phạm

Bà Nguyễn Thị Thủy, người dân phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì cho biết: Vụ án "Tổ chức đánh bạc, đánh bạc, lừa đảo, rửa tiền" đã được Ban Bí thư chỉ đạo và yêu cầu Đảng ủy Công an Trung ương phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, làm rõ trách nhiệm của các đối tượng liên quan, xử lý nghiêm minh theo quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước với tinh thần kiên quyết, chặt chẽ, khách quan, chính xác, đúng người, đúng vi phạm, đúng pháp luật.

Theo bà Thủy, thời gian gần đây ở nước ta tội phạm sử dụng công nghệ cao gia tăng nhanh chóng, diễn biến phức tạp và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Nhiều vụ án đã được điều tra làm rõ, tuy nhiên pháp luật nước ta vẫn còn nhiều lỗ hổng, Nhà nước cần có các giải pháp đồng bộ, cơ bản để nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này.

Ông Nguyễn Đắc Sinh (cán bộ hưu trí) ở phường Minh Phương (thành phố Việt Trì, Phú Thọ) cùng nhiều người dân bày tỏ thái độ đồng tình, hoan nghênh trước việc đấu tranh không khoan nhượng của Đảng và Nhà nước để làm rõ hành vi phạm tội của một số cán bộ, đảng viên và mong muốn pháp luật nhanh chóng đưa các đối tượng ra xét xử nghiêm minh

Bày tỏ sự quan tâm trước thông tin khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Thanh Hóa về hành vi tổ chức đánh bạc, ông Phạm Hồng Dân, Đảng viên 40 năm tuổi Đảng, nguyên cán bộ Cục Đối ngoại Bộ Quốc phòng nói: "Việc làm này thể hiện quyết tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an trong việc làm trong sạch bộ máy cán bộ; đồng thời cũng cho thấy không có bất kỳ sự bao che hay vùng cấm nào trong xử lý đối với cán bộ vi phạm, dù ở cấp nào".

“Ở bất kỳ địa phương hay tỉnh, thành, bộ, ngành nào cũng có người tốt và kẻ xấu, thậm chí thoái hoá, biến chất, nhất là ở những môi trường nhạy cảm, nếu không giữ gìn tốt dễ bị sa ngã, vi phạm pháp luật.

Vụ bắt giữ ông Hóa không làm xấu đi hình ảnh lực lượng Công an nhân dân mà còn cho thấy chính ngành Công an đang tự làm trong sạch nội bộ.

Qua đó cũng cho thấy sự nghiêm minh của kỷ cương phép nước, thượng tôn pháp luật; dù là một vị tướng vi phạm pháp luật thì cũng phải chịu trách nhiệm như một người dân bình thường”, ông Phạm Hồng Dân nhấn mạnh

* Tăng cường quản lý, giám sát cán bộ

Theo Tiến sỹ Đỗ Kim Sơn, nguyên giảng viên Khoa Tài chính - Ngân hàng, Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), ông bất ngờ trước thông tin nguyên Cục trưởng Cục C50 Nguyễn Thanh Hóa bị cơ quan Công an khởi tố, bắt tạm giam về hành vi “Tổ chức đánh bạc”, cùng với ông Hóa là nhiều người khác có liên quan đến vụ án.

“Một chiến sỹ Công an nhân dân được lãnh đạo Bộ Công an giao và thực hiện nhiệm vụ đứng đầu lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm công nghệ cao đã không giữ được mình, vi phạm pháp luật, "bắt tay" với những kẻ phạm tội để tổ chức đánh bạc trong đường dây hàng ngàn tỉ đồng tham gia, tổ chức đánh bạc bằng công nghệ cao.

Hành vi vi phạm của ông Hóa là rất nghiêm trọng”, ông Đỗ Kim Sơn nói. “Vụ việc này cũng cho thấy còn những lỏng lẻo trong công tác quy hoạch, tổ chức cán bộ...", ông Sơn đánh giá.

Còn bà Nguyễn Thị Thủy, người dân phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì, Phú Thọ cho rằng: Đảng và Nhà nước cần tăng cường, tiếp tục tập trung thực hiện công tác cán bộ từ khâu đào tạo, bồi dưỡng, phân công, bố trí; đưa vào diện quy hoạch phải gắn với công tác giám sát; không thể buông lỏng quản lý, thờ ơ, thiếu trách nhiệm để dẫn đến mất cán bộ, mất niềm tin của nhân dân...

Nhấn mạnh cần phải xử lý nghiêm các cán bộ vi phạm, anh Trần Nhuận Đức (ở quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng: Đối với vụ việc này, các cơ quan chức năng cần tiếp tục tiến hành điều tra rõ, cụ thể để xử lý nghiêm.

* Cán bộ, đảng viên cần nỗ lực rèn luyện phẩm chất đạo đức

Theo ông Nguyễn Tùng Ngọc, đảng viên phường Tiên Cát, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ: Bác Hồ đã có Sáu lời dạy lực lượng Công an nhân dân. Đây là những điều mà mỗi chiến sĩ Công an nhân dân cần ghi nhớ.

Thế nhưng với trách nhiệm được giao, khi phát hiện hành vi sai phạm, ông Nguyễn Thanh Hóa thay vì ngăn chặn lại có những hoạt động mang tính chất tiếp tay, “bảo kê” cho đường dây này. Việc làm này đã đi ngược lại với lời dạy của Bác, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của người chiến sỹ Công an nhân dân.

Ông Ngọc cho rằng, sự thoái hóa, biến chất của ông Hóa cũng như của một bộ phận cán bộ, đảng viên là nguyên nhân dẫn đến một số vụ việc vi phạm pháp luật. Theo ông Ngọc, mỗi cán bộ, đảng viên cần rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị.

Các cấp, các ngành cần đẩy mạnh việc học tập chuyên đề về "Xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".

Còn theo ông Lê Thành Sơn- một cựu chiến binh ở Thành phố Hồ Chí Minh, vi phạm của ông Nguyễn Thanh Hóa là do đã đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích của xã hội, lợi ích của tập thể. Đây là một biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; sự tha hóa đạo đức, phẩm chất của cán bộ.

Ông Lê Thành Sơn cho rằng, do tác động của lối sống kinh tế, thị trường, có một số cán bộ không chỉ sa ngã về đạo đức, lối sống mà còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vi phạm chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước làm xói mòn lòng tin của nhân dân.

Như vậy, ngoài việc xử lý đúng người, đúng tội đối ông Hóa phạm tội trong lĩnh vực mình phụ trách, cũng cần đặt câu hỏi đối với công tác kiểm tra, giám sát, tổ chức cán bộ và chỉ rõ trách nhiệm của những người liên quan đã để xảy ra tình trạng này.

Đánh giá đây là bài học lớn trong công tác cán bộ, nhất là trong ngành Công an, ông Lê Thành Sơn nhận xét: Cán bộ, chiến sĩ Công an cần phải thường xuyên rèn luyện bản lĩnh chính trị, ý chí chiến đấu, tinh thần cách mạng tiến công, học tập và hành động theo Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân, thực hiện tốt khẩu hiệu hành động “Chủ động, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả” để luôn vững vàng trước mọi sự tấn công của các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm, cũng như những cám dỗ, tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế./.

Xem thêm:

>>>Khởi tố, bắt tạm giam bị can Nguyễn Thanh Hóa về tội “Tổ chức đánh bạc”

>>>Tp Hồ Chí Minh: Khởi tố vụ án bắt cóc hai bé gái để tống tiền

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục