Không để “té nước theo mưa” khi giá xăng có xu hướng tăng

15:38' - 02/04/2021
BNEWS Việc tăng giá các mặt hàng này đều nằm trong kịch bản đã được các bộ, ngành dự báo, tính toán và với các biện pháp quyết liệt đã triển khai, về cơ bản sẽ không để xảy ra tình trạng “té nước theo mưa”
Theo các chuyên gia kinh tế, việc tăng giá xăng dầu thời gian qua đã có những tác động nhất định đến thị trường giá cả hàng hóa khiến cho người dân, doanh nghiệp lo lắng có thể tăng thêm chi phí trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

Từ cuối năm 2020 đến nay, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng 9 lần liên tục với tổng mức tăng 4.000 đồng/lít, tương ứng mức tăng hơn 20%.

Bộ Tài chính cũng thừa nhận, việc giá xăng dầu tăng thời gian qua sẽ có tác động gián tiếp nhất định đến giá một số hàng hóa, dịch vụ thông qua chi phí vận chuyển, vận tải hàng hóa.

Tại các chợ đầu mối, giá thực phẩm có biến động nhẹ. Theo chị Nguyễn Thị Xoan, bán hàng tại chợ Láng Hạ, Hà Nội, giá rau củ quả đầu năm 2021 tăng nhẹ khoảng 2.000 -4.000 đồng tuỳ loại, giá thịt tăng xấp xỉ 3.000 đồng/kg.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, Nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, Nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2021, giá hàng hoá trên thị trường tăng 1,52%  nhưng không hẳn là bị ảnh hưởng bởi giá nguồn nhiên liệu.

Song ông Vũ Vinh Phú vẫn cho rằng, cần phải nghĩ đến tương lai xa, khi tình hình dịch bệnh trên thế giới ổn định, giá xăng dầu thế giới có thể tăng cao, cần xem xét các biện pháp chủ động nguồn nguyên nhiên liệu tất yếu cấu thành việc vận chuyển.

Giá xăng dầu liên tục tăng trong thời gian qua cũng khiến các doanh nghiệp vận tải lo lắng trong việc đảm bảo nguồn lợi nhuận, cân đối chi phí sản xuất, kinh doanh…

Ông Nguyễn Quốc Minh, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và dịch vụ vận tải Nguyên Minh cho biết, giá xăng chiếm khoảng từ 35-40% trong cấu thành giá cước vận tải. Xăng dầu tăng giá là một trong những lí do khiến taxi Nguyên Minh chịu lỗ 20%, cắt giảm 15% xe từ khoảng 500 xe xuống còn khoảng 400 xe trong quý I/2021.

Cùng quan điểm, ông  Đinh Văn Trường, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hương Lúa cho hay, thời điểm này rất khó khăn. Bên cạnh việc taxi truyền thống cạnh tranh với xe công nghệ, vấn đề dịch COVID-19 tái bùng phát hồi đầu năm khiến cho khách hàng giảm mạnh. Giá cước không thể tăng, cộng thêm thời tiết nóng dần, điều hoà chạy nhiều hơn khiến cho lượng tiêu thụ xăng xe cũng nhiều hơn. Theo ông Đinh Văn Trường từ đầu năm 2021, công ty đã cắt giảm 15% xe từ 135 xe xuống còn 118 xe.

Anh Hoàng Văn Quang, nhân viên giao hàng của Công ty Giao hàng nhanh chia sẻ, mỗi tháng anh đi làm việc trung bình 900 km, mỗi tháng xe anh tiêu thụ khoảng 36 lít xăng. Giá xăng tăng 20% tương đương chi phí cho xăng xe mỗi tháng cũng tăng lên từng đó nhưng mức trợ cấp xăng xe 700.000 đồng/tháng và hoa hồng mỗi đơn hàng vẫn không thay đổi. 

“Do vậy tôi phải bù thêm chi phí tiền xăng cho công ty”, anh Hoàng Văn Quang nói.

Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tích Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, để hạn chế việc tác động của giá xăng dầu lên thị trường hàng hóa thì các cấp quản lý cần có một tầm nhìn khoa học, tiến tới việc hạn chế lượng xăng dầu tiêu thụ bằng việc sử dụng các phương tiện công cộng thay thế dần cho phương tiện cá nhân. Thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các chuyên gia cần xem xét đến việc sử dụng năng lượng tái tạo. Ngoài ra, các đơn vị vận tải cần thiết cân nhắc tăng giá để điều chỉnh chi phí cho phù hợp dù khách vẫn còn thưa thớt.

Tuy nhiên theo Bộ Tài chính, việc tăng giá các mặt hàng này đều nằm trong kịch bản đã được các bộ, ngành dự báo, tính toán và với các biện pháp quyết liệt đã triển khai, về cơ bản sẽ không để xảy ra tình trạng “té nước theo mưa”, tăng giá bất hợp lý theo giá xăng dầu.

Bộ Tài chính cho rằng, đóng góp chủ yếu trong mức tăng chung của thị trường là tác động tăng theo quy luật của thị trường dịp cuối năm Âm lịch, Tết Nguyên đán. Do vậy, giá nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng theo quy luật do người dân mua sắm Tết tăng; dịch vụ ăn uống ngoài gia đình cũng tăng theo nhu cầu người dân trong các dịp nghỉ lễ.

Để đảm bảo kiểm soát chung mặt bằng giá cả thị trường, nhất là để hạn chế tác động trước diễn biến giá xăng dầu có xu hướng tăng, Bộ Tài chính cho rằng, cần thực hiện các biện pháp về quản lý, điều hành giá; đồng thời các bộ, ngành cũng triển khai toàn diện nhằm không để xảy ra tình trạng lợi dụng tăng giá bất hợp lý, “té nước theo mưa” khi giá xăng dầu tăng hoặc trong các dịp cao điểm lễ, Tết.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành, địa phương sẽ tiếp tục triển khai tốt việc theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, thực hiện nghiêm các giải pháp về quản lý, điều hành giá đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đề ra để tiếp tục kiểm soát tốt mặt bằng giá, góp phần ổn định đời sống người dân, hỗ trợ cho tăng trưởng và điều hành kinh tế vĩ mô./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục