Không gian tăng trưởng mới từ nhận chuyển giao ngân hàng 0 đồng

21:57' - 17/10/2024
BNEWS Bên cạnh trách nhiệm trong việc phục hồi hoạt động cho các ngân hàng 0 đồng, các ngân hàng nhận chuyển giao cũng xác định đây là cơ hội để có thể tạo ra những động lực kinh doanh mới.
Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng (CB) đã chính thức được chuyển giao về với TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương (OceanBank) về với Ngân hàng TMCP Quân đội (MB). Đây là một động thái lớn trong việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, mang đến nhiều cơ hội tăng trưởng mới cho cả ngân hàng được chuyển giao và ngân hàng nhận chuyển giao.

Nhiệm vụ cũng là cơ hội

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank cho rằng việc nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém là việc chưa có tiền lệ, là một nhiệm vụ với rất nhiều khó khăn và thách thức. Song bên cạnh trách nhiệm trong việc phục hồi hoạt động cho CB, Vietcombank cũng xác định đây là cơ hội để có thể tạo ra những động lực kinh doanh mới trong thời gian tới. 

 
Theo đó, sau khi được Vietcombank nhận chuyển giao bắt buộc, CB sẽ trở thành Ngân hàng thương mại TNHH một thành viên do Vietcombank sở hữu 100% vốn và sẽ được thực hiện đầy đủ các hoạt động kinh doanh được Ngân hàng Nhà nước cấp phép, tương tự như Vietcombank. CB sẽ hoạt động theo mô hình ngân hàng thương mại đa năng, tập trung vào hoạt động bán lẻ.

Cùng với hoạt động bán lẻ, CB sẽ được Vietcombank hỗ trợ trong việc bán dư nợ đủ tiêu chuẩn, nhận ủy thác cho vay và trong công tác phát triển khách hàng mới; đồng thời Vietcombank sẽ cùng CB để tích cực xử lý thu hồi các khoản nợ, tài sản tồn đọng nhằm từng bước giúp ngân hàng này khắc phục tình trạng lỗ lũy kế và chấm dứt tình trạng kiểm soát đặc biệt.

"Sau khi CB được chuyển giao bắt buộc cho Vietcombank, mọi quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của khách hàng thuộc CB được đảm bảo", Chủ tịch Vietcombank khẳng định.

Điều này cũng đã được bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh trước đó. Thống đốc cho hay sau khi được chuyển giao bắt buộc, CB và OceanBank sẽ là các Ngân hàng thương mại TNHH một thành viên do Vietcombank và MB sở hữu 100% vốn điều lệ. Dưới sự quản lý của Vietcombank, MB trong vai trò chủ sở hữu đối với CB, OceanBank, mọi quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, quyền, nghĩa vụ của khách hàng tại CB, OceanBank tiếp tục được bảo đảm theo đúng thỏa thuận và quy định của pháp luật.

Việc chuyển giao bắt buộc các tổ chức tín dụng yếu kém là một trong những biện pháp quan trọng nhằm tái cơ cấu hệ thống tín dụng, gắn với việc xử lý nợ xấu để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh tài chính và tiền tệ quốc gia, cũng như giữ vững ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Đây là vấn đề được các cấp có thẩm quyền đặc biệt quan tâm, với sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Ngân hàng Nhà nước đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành và cơ quan liên quan để yêu cầu các ngân hàng xây dựng Phương án chuyển giao bắt buộc, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định pháp luật.

Thực tế, việc chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém thực tế đã được chuẩn bị từ lâu. Các ngân hàng nhận chuyển giao cũng đã "xắn tay" vào đồng hành cùng các ngân hàng 0 đồng trong suốt thời gian qua.

Tại Đại hội đồng cổ đông Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) năm 2024, Phó Tổng Giám đốc Phùng Nguyễn Hải Yến cho biết Vietcombank đã hỗ trợ về kỹ thuật cho CB từ năm 2015 và cho CB vay hơn 16.700 tỷ đồng trong các năm qua. Do quy định, khoản nợ được xếp vào nhóm 5. Trong quý I/2024, sau khi hoàn nhập, số dư của những khoản nợ này đã giảm về 1.000 tỷ đồng.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, ông Đỗ Việt Hùng, Thành viên Hội đồng quản trị Vietcombank từng chia sẻ rằng Vietcombank sẽ được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn nếu tiếp nhận một ngân hàng yếu kém, điều này đã được quy định trong Luật Các tổ chức tín dụng 2024. Bên cạnh đó, tổ chức tiếp nhận sẽ có quyền tự quyết trong việc xử lý tổ chức chuyển giao bắt buộc, có thể bán tổ chức này cho đối tác nước ngoài phù hợp, hoặc tiếp tục duy trì và thực hiện các phương án cải cách như chuyển đổi thành ngân hàng số.

Tương tự đối với MB, tại Đại hội đồng cổ đông diễn ra hồi đầu năm 2024, Chủ tịch Hội đồng quản trị Lưu Trung Thái cũng phát biểu rằng: "Nếu phương án tiếp nhận bắt buộc ngân hàng 0 đồng được phê duyệt, mức tăng trưởng của ngân hàng sẽ được nâng cao hơn".

Vị Chủ tịch tại thời điểm đó đã khẳng định MB sẵn sàng tiếp nhận nhiệm vụ tái cơ cấu một ngân hàng yếu kém, chỉ chờ phê duyệt từ Chính phủ và kỳ vọng hoàn thành quá trình chuyển giao trong năm 2024 hoặc 2025.

Liên quan đến quyền lợi của các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc, ông Nguyễn Đức Long, Phó Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cho biết các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc sẽ được hỗ trợ theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng và đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành.

Tập trung nguồn lực tối đa

Tại Lễ công bố Quyết định chuyển giao bắt buộc hai ngân hàng trên vào chiều 17/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc chỉ đạo các ngân hàng nhận chuyển giao và được chuyển giao phải thực hiện đúng đề án đã được phê duyệt, tập trung tối đa nguồn lực đảm bảo hoàn thành mục tiêu đề án đặt ra.

Chia sẻ về định hướng trong thời gian sắp tới, ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị MB cho biết MB sẽ ưu tiên nguồn lực từ phát triển kinh doanh, nguồn vốn, công nghệ, nhân sự... để hỗ trợ thành viên mới vào tập đoàn. Từ đó giúp OceanBank tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kinh doanh và phát triển bền vững, hiệu quả, tăng năng lực tài chính và công nghệ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của nền kinh tế.

Lãnh đạo MB bày tỏ mong muốn trong thời gian tới Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ, hoàn thiện cơ chế chính sách để đảm bảo phương án chuyển giao bắt buộc được thực hiện thành công

Tương tự, xác định việc nhận chuyển giao bắt buộc và thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc là nhiệm vụ chính trị quan trọng và có rất nhiều thách thức, khó khăn, Chủ tịch Vietcombank khẳng định sẽ nỗ lực tối đa để thực hiện chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, giúp ổn định thị trường tài chính, tiền tệ và tăng cường lòng tin của nhà đầu tư, công chúng với hệ thống ngân hàng.

"Để thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng này đòi hỏi trách nhiệm lớn của cả hệ thống Vietcombank để nỗ lực đưa CB từ vị trí một ngân hàng yếu kém, đang bị kiểm soát đặc biệt trở thành ngân hàng thương mại hoạt động bình thường và phát triển, góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế", ông Nguyễn Thanh Tùng nói.

Không riêng Vietcombank hay MB, một số ngân hàng thương mại khác như Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank)... cũng từng nhiều lần đề cập đến kế hoạch tham gia vào quá trình tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém.

Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị VPBank cho biết với sự tham gia của đối tác Nhật Bản SMBC, VPBank có nền tảng vốn lớn có nhiều lợi thế khi tham gia tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém. Trong chiến lược của VPBank, tăng trưởng quy mô là rất quan trọng. Hiện nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn muốn tham gia vào VPBank nhưng room nước ngoài bị giới hạn ở mức 30% theo quy định. Nếu tham gia tái cơ cấu, VPBank có cơ hội được nới room, từ đó sẽ có điều kiện để nâng quy mô vốn của VPBank lên.

Kể từ năm 2011, quá trình tái cơ cấu các ngân hàng thương mại đã được thực hiện với yêu cầu lớn về nguồn lực, đặc biệt là không sử dụng ngân sách nhà nước. Một số trường hợp tự tái cơ cấu thành công có thể kể đến như Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) sáp nhập Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank) và Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank) sáp nhập Ngân hàng TMCP Đại Á (DaiABank). Những ngân hàng này đã tăng trưởng ổn định và mạnh mẽ ngay sau khi hoàn tất quá trình sáp nhập.

Trước đó, tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 7/10, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết Ngân hàng Nhà nước đang chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực rà soát tình hình tài chính và chuẩn bị sẵn sàng tài liệu, sẽ tổ chức lễ chuyển giao 2 ngân hàng 0 đồng sau một giai đoạn dài khó khăn. Hai ngân hàng còn lại, Ngân hàng Nhà nước cũng đang chỉ đạo các đơn vị hoàn thiện nhanh để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

4 ngân hàng trong diện tái cơ cấu và được kiểm soát đặc biệt gồm: Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Dầu khí Toàn cầu (GPBank), Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng (CBBank) và Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank).

Ngoài ra, còn có Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 10/2022. Ngân hàng Nhà nước cũng đang tiến hành các thủ tục đánh giá toàn diện về thực trạng ngân hàng này để đề xuất phương án tái cơ cấu trình cấp có thẩm quyền.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục