Không gian xung quanh bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 nguy hiểm nhất

19:34' - 05/03/2020
BNEWS Không gian xung quanh các bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2, như phòng ngủ và phòng tắm, là những nơi có sự xuất hiện đậm đặc các virus nguy hiểm này.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Daegu, Hàn Quốc, ngày 4/3. Ảnh: THX/TTXVN

Một nghiên cứu mới của các nhà khoa học Singapore công bố hôm 4/3 chỉ ra không gian xung quanh các bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2, như phòng ngủ và phòng tắm, là những nơi có sự xuất hiện đậm đặc các virus nguy hiểm này, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu vệ sinh định kỳ những bề mặt mà bệnh nhân thường xuyên tiếp xúc, bồn rửa và bồn cầu, để giảm nguy cơ lây nhiễm.

Nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Hiệp hội Y sinh Mỹ (JAMA), được công bố sau khi bệnh dịch lây lan rất nhanh Trung Quốc cũng như nhiều quốc gia khác, đặc biệt lan rộng trong môi trường bệnh viện và ảnh hưởng tới nhiều nhân viên y tế và các bệnh nhân khác.

Tình trạng này khiến các nhà khoa học tin rằng môi trường là yếu tố quan trọng trong lây nhiễm dịch bệnh, nhưng diện lây nhiễm này vẫn chưa được làm rõ.

Để chứng minh lập luận trên, các chuyên gia tại Trung tâm Dịch bệnh truyền nhiễm quốc gia Singapore và Phòng thí nghiệm quốc gia DSO đã nghiên cứu 3 trường hợp bệnh nhân được cách ly trong các phòng riêng từ cuối tháng 1/2020 tới đầu tháng 2/2020.

Các nhà nghiên cứu thu thập các mẫu vật từ phòng của các bệnh nhân trong 5 ngày thuộc giai đoạn kéo dài 2 tuần.

Phòng của một bệnh nhân được lấy mẫu trước khi được vệ sinh định kỳ trong khi các phòng của hai bệnh nhân còn lại được lấy mẫu sau khi được vệ sinh.

Bệnh nhân được lấy mẫu trước khi phòng được vệ sinh có biểu hiện bệnh nhẹ nhất, chỉ ho trong khi hai người còn lại có những triệu chứng nặng hơn như ho và sốt, khó thở.

Kết quả chỉ ra ở phòng của bệnh nhân lấy mẫu trước khi phòng được vệ sinh có 13 trong tổng số 15 địa điểm trong phòng có sự hiện diện của virus, gồm ghế, ga trải gường, cửa sổ, sàn và công tắc đèn, bồn rửa, tay nắm cửa và bồn cầu, củng cố lập luận rằng chất thải của người bệnh có chứa virus và là một nguồn lây bệnh.

Xét nghiệm các mẫu không khí cho kết quả âm tính nhưng các mẫu lấy từ các điểm thoát khí ra bên ngoài cho kết quả dương tính, củng cố lập luận rằng những tia nước bọt chứa đầy virus có thể sẽ tồn tại trong các luồng không khí và trú ngụ tại các ống xả khí. Hai phòng được lấy mẫu thí nghiệm sau quá trình vệ sịnh không có kết quả dương tính nào.

Các tác giả kết luận thực tế rằng môi trường xung quanh bệnh nhân COVID-19 (virus corona) bị ô nhiễm vì các tia nước bọt hoặc phân tử chất thải, cho thấy môi trường là yếu tố trung gian truyền nhiễm và vì vậy người dân càng phải tuân thủ chặt chẽ các quy định vệ sinh môi trường sống và rửa tay.

Nghiên cứu khẳng định việc thực hiện các thao tác vệ sinh 2 lần/ngày với những bề mặt tiếp xúc và lau nền nhà mỗi ngày bằng các chất khử trùng thông dụng sẽ giúp loại bỏ các virus và những biện pháp khử trùng hiện hành hoàn toàn có thể giúp tiêu diệt virus nếu người dân tuân thủ đúng quy trình.

Virus SARS-CoV-2 lần đầu tiên được phát hiện tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hồi tháng 12/2019. Tới nay, hơn 96.000 người tại 86 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã được xác nhận virus này và hơn 3.300 người tử vong vì dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus gây ra.

Hôm 4/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết tỷ lệ tử vong vì COVID-19 ở mức 3,4%, cao hơn so với mức ước tính được đưa ra trước đó./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục