Không thể chần chừ thêm việc mở cửa du lịch

18:30' - 07/12/2021
BNEWS Để mở cửa du lịch, ông Trần Du Lịch chuyên gia kinh tế cho rằng, quan trọng nhất là giải tỏa tâm lý sợ hãi, cần nhất quán thay đổi chủ trương chống dịch, xuyên suốt trên tất cả các lĩnh vực.

Tại Tọa đàm "Mở cửa du lịch, phục hồi kinh tế" diễn ra ngày 7/12, có nhiều quan điểm cho rằng trong nền kinh tế thị trường như hiện nay, ngành du lịch như chiếc lò xo bị nén lại, sau khi tháo chốt sẽ có khả năng tự phục hồi.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho rằng, những chiếc "lò xo" đã liệt thì dù có buông, không đè cũng không thể phục hồi nổi. 

* Ưu tiên phục hồi du lịch

Theo ông Trần Du Lịch phân tích, các doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng do dịch bệnh được chia làm 3 loại: nhóm các doanh nghiệp ngưng hoạt động nhưng vẫn giữ được dòng tiền, lao động, thị trường - nhóm này khi mở cửa có thể phục hồi tự nhiên; nhóm tiếp theo  là những doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền, lao động, mất 1 phần thị trường nhưng nếu được bơm tín dụng ưu đãi, có thể phục hồi được; nhóm cuối cùng đã quá kiệt quệ, không còn đủ điều kiện để đi vay nữa.

Theo ông Trần Du Lịch, mở cửa du lịch không còn thời gian để chần chừ. Phải có giải pháp mạnh, đồng bộ ở cả 3 mảng lưu trú, lữ hành, đặc biệt là vận tải quốc tế, hàng không để phục hồi ngay trong mùa tết sắp tới. Nếu muốn tiếp tục thực hiện Nghị quyết 08, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì không thể chậm hơn nữa.

Bàn về giải pháp mở cửa du lịch ông Lịch đưa ra các giải pháp gồm: cần xem lại thực chất các ngành có chuyển hướng quan điểm chống dịch từ "Zero COVID" sang thích ứng an toàn, sống chung với COVID-19 hay không. Chủ trương mở nhưng thực tế vẫn siết, vẫn ràng buộc nhiều rào cản là nguyên nhân chính dẫn đến sự thiếu đồng bộ trong tất cả các ngành, không chỉ riêng du lich.

Để giải quyết vấn đề này, ông Trần Du Lịch cho rằng, quan trọng nhất là giải tỏa tâm lý sợ hãi. Chúng ta không chủ quan, nhưng không sợ hãi. Cần nhất quán thay đổi chủ trương chống dịch, xuyên suốt trên tất cả các lĩnh vực.

Tiếp theo, trong gói hỗ trợ phục hòi kinh tế mà Chính phủ đang xây dựng, cần ưu tiên phục hồi du lịch. Các doanh nghiệp thuộc nhóm 2 như đã nêu trên là đối tượng phải hỗ trợ ngay bằng qua các chính sách tài chính, tín dụng.

Nếu những gói này làm chậm, để nhóm doanh nghiệp này "liệt" rồi thì dù có bơm tiền cũng không thể vực lại được. Song song, các doanh nghiệp ở nhóm 3 cần có giải pháp tài chính mang tính tín chấp, hỗ trợ để đứng lên.

Vấn đề tiếp theo ông Lịch đánh giá là điều kiện quan trọng nhất để mở cửa du lịch - mở cửa hàng không. Hàng không và du lịch là 2 phạm trù song đôi, không thể mở 1 nửa. Nếu hàng không cứ bay charter như hiện nay thì đừng bàn mở cửa du lịch. Nếu đã mở du lịch, không thể sợ hãi mở hàng không, mở đường bay thương mại quốc tế.

Ông Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập Báo Thanh Niên nhận định bay quốc tế chưa mở nên lượng khách rất hạn chế. Chưa kể nhiều địa phương vẫn ra các quy định riêng về cách ly, phòng dịch... khiến các doanh nghiệp vẫn gặp không ít khó khăn.

* Tăng sức cạnh tranh cho du lịch Việt Nam

Không nằm ngoài vòng xoáy của "cơn bão" COVID-19, Bà Trần Nguyện, Trưởng ban Kinh doanh Khối Sun World (Tập đoàn Sun Group) cho biết, Sun Group, với lĩnh vực đầu tư chính là du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cũng chứng kiến những sụt giảm chưa từng có về doanh thu.

Chỉ riêng Bà Nà Hill - “cánh chim đầu đàn” của Sun Group, doanh thu hai năm qua so với 2019 giảm tới 96%. Các hoạt động kinh doanh tại hệ thống khách sạn, resort, khu vui chơi, sân bay, cảng biển… gần như đóng băng. Hàng loạt công trình, dự án chậm tiến độ.

Trong bối cảnh đó, việc Chính phủ thí điểm đón khách quốc tế sử dụng hộ chiếu vắc xin là vô cùng đáng mừng khi doanh nghiệp du lịch đang trong tình trạng “kiệt sức”. Tuy nhiên, trong việc này vẫn tồn tại nhiều yếu tố bất cập, cản trở, khiến công cuộc đón khách chưa thể nào hiệu quả được.

Cụ thể, việc quảng bá truyền thông tới các thị trường quốc tế vẫn chưa được thực hiện một cách quy mô, đến từng đối tượng khách hàng cụ thể. Các kế hoạch truyền thông quảng bá về du lịch Việt Nam tới các thị trường quốc tế trọng điểm như Đông Bắc Á, Đông Nam Á, châu Âu, Nga, Úc... đến nay vẫn chưa thực sự được triển khai sâu rộng, để du khách quốc tế biết được các chính sách sandbox của Việt Nam có gì khác với Thái Lan, Singapore, hay các điểm đến Việt Nam hiện có những dịch vụ trải nghiệm gì mới so với trước...

"Các địa phương và cả ngành du lịch Việt Nam hiện tại không được quan tâm và đầu tư ngân sách phù hợp để truyền thông quảng bá đến thị trường quốc tế. Đây là vấn đề thực sự đáng lo, bởi nếu không kịp thời nắm bắt cơ hội, Việt Nam sẽ lại mất thị trường vào các điểm đến vốn có tính cạnh tranh cao khác như Thái Lan, Singapore, thậm chí là Lào, Campuchia…" , bà Trần Nguyện nói.

Bên cạnh đó, các phần mềm khai báo y tế hiện vẫn chưa có sự thống nhất chung, phần mềm nhập cảnh chưa ưu việt hóa. Mặc dù Chính phủ đã xác nhận thống nhất dùng PC-Covid, nhưng thực tế, Phú Quốc hiện dùng Vietnam Safe travel. Đà Nẵng lại dùng Zalo 1022, Quảng Nam thì dùng VNEID... Du khách phải tìm hiểu và tải rất nhiều phần mềm nếu muốn đi du lịch.

Chưa kể, chính sách giá, kích cầu khi mở cửa trở lại chưa thống nhất, chưa có sự can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, nên vẫn mạnh ai nấy làm. Trong bối cảnh hiện tại, doanh nghiệp xác định mở cửa là lỗ thì việc giảm giá không phải là bài toán để có thể đưa du lịch nhanh chóng phục hồi.

Nhiều đơn vị đang đưa mức giá quá thấp, sau đó cắt giảm tối đa các quyền lợi của khách, dẫn đến những hệ lụy tiêu cực, ảnh hưởng lớn đến chất lượng dịch vụ, đến uy tín của ngành, của điểm đến nói chung.

Từ những bất cập trên, Bà Trần Nguyện đề xuất Chính phủ cần nhanh chóng đồng nhất một phần mềm kiểm soát và theo dõi an toàn trên cả nước để giải quyết những bất cập trong khai báo y tế qua các điểm đến.

Các thủ tục nhập cảnh cho du khách quốc tế cũng nên thống nhất và đơn giản hóa, để du khách có thể dễ dàng tới và dịch chuyển tới các điểm đến khác khi đã đến Việt Nam.

Bà Trần Nguyện đề nghị Chính phủ và các bộ, ban, ngành dành sự quan tâm và ngân sách ưu đãi cho việc thúc đẩy quảng bá du lịch, kịp thời đón đầu dòng khách khi thị trường quốc tế đang rục rịch trở lại.

Hơn nữa, cần phải tận dụng cơ hội này để các quảng bá những điều mới mẻ của các điểm đến Việt Nam, để du khách quốc tế thay đổi hẳn cái nhìn về du lịch Việt Nam - không còn là giá rẻ, không còn chỉ là tắm biển, ăn hải sản dạo chơi chợ địa phương… mà có nhiều dịch vụ, trải nghiệm đẳng cấp, khác biệt, mang dấu ấn rất riêng.

Chẳng hạn như Quảng Ninh với các dịch vụ du lịch chăm sóc sức khỏe mới như Onsen, Phú Quốc với các dịch vụ, gói trải nghiệm wellness khác biệt...

"Đại dịch COVID-19 đã buộc ngành du lịch thế giới phải tạo ra những “luật chơi mới”, những xu thế mới và những khái niệm mới; trong đó có, du lịch không chạm-một chạm; du lịch wellness và du lịch một điểm đến - đa trải nghiệm... Do đó, cần có các chính sách hỗ trợ ngành du lịch chuyển đổi số mạnh mẽ. Nếu không bắt kịp xu thế, chúng ta sẽ bị loại khỏi cuộc chơi" - bà Trần Nguyện nhấn mạnh.

Bà Trần Nguyện cũng kiến nghị Chính phủ miễn thị thực và kéo dài thị thực cho một số thị trường chiến lược của Việt Nam như Đông Bắc Á, châu Âu, Nga, Úc, và đặc biệt là Mỹ, khi chúng ta đã có các chuyến bay thẳng tới Mỹ./.

>>>Quảng Bình sẽ tổ chức nhiều hoạt động đặc sắc chào đón năm mới 2022

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục