Khu công nghiệp ven biển hấp dẫn nhờ lợi thế

16:13' - 19/11/2020
BNEWS Công ty CBRE nhận định, hiện nguồn cung đất công nghiệp sẵn sàng bàn giao ngay tại các khu công nghiệp tại cả hai miền Nam và Bắc đều trong tình trạng khan hiếm.
Tính đến quý III/2020, tổng diện tích đất của các khu công nghiệp tại 5 tỉnh thành phố công nghiệp chính miền Bắc bao gồm: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng đạt 13.800 ha, với 9.600 ha đất công nghiệp cho thuê.

Tỷ lệ lấp đầy trung bình của các khu công nghiệp duy trì ở mức tích cực với 79%; trong đó, các khu công nghiệp tại Hà Nội, Hải Dương và Bắc Ninh đạt tỷ lệ lấp đầy trung bình cao, khoảng 90%.

Đối với thị trường miền Nam, tổng diện tích đất công nghiệp gấp đôi thị trường miền Bắc, đạt mức 38.000 ha; trong đó, 24.000 ha đất công nghiệp cho thuê bao gồm: Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu với tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt gần 77%.

Theo nhận xét của các chuyên gia CBRE, các khu kinh tế, khu công nghiệp có vị trí gần biển luôn có nhu cầu đầu tư rất lớn và duy trì được mức giá cũng như tỷ lệ lấp đầy vượt trội.

Kinh nghiệm từ việc phát triển công nghiệp tại tỉnh ven biển của một số nước như Trung Quốc, Thái Lan cho thấy, các ngành chính được ưu tiên thu hút đầu tư tại những quốc gia này nổi bật là hóa chất thô, dược phẩm, máy móc, phụ trợ ô tô và điện tử.

Do đó, khu vực ven biển của Việt Nam dự kiến cũng sẽ xuất hiện xu hướng tương tự, đón nhận thêm nhiều nhu cầu đầu tư từ cả doanh nghiêp trong nước mở rộng sản xuất lẫn các tập đoàn đa quốc gia – các chuyên gia nhận định.

Theo xu thế này, các tỉnh ven biển Việt Nam sẽ tận dụng được những tiềm lực sẵn có để phát triển nền công nghiệp. Hiện nay, so với quỹ đất tại các tỉnh phía Bắc thì Hải Phòng và Quảng Ninh vẫn còn nguồn cung để phát triển công nghiệp.

Hải Phòng là một trong những trung tâm công nghiệp lớn nhất Việt Nam với các dự án công nghiệp trọng điểm như DEEP C Hải Phòng II và III và các khu công nghiệp mới của Vinhomes. Mức lấp đầy khu công nghiệp tại Hải Phòng trung bình đạt khoảng 56%.

Cùng đó, Quảng Ninh gần đây cũng nổi lên như một tỉnh công nghiệp ven biển. Quảng Ninh dự kiến sẽ cung cấp thêm một lượng lớn quỹ đất công nghiệp trong tương lai, với hai khu kinh tế Quảng Yên và Vân Đồn; trong đó, Quảng Yên được định hướng trở thành động lực tăng trưởng mới thúc đẩy hút đầu tư cho Quảng Ninh.

DEEP C cũng là một trong những chủ đầu tư khu công nghiệp lớn đang xây dựng tổ hợp khu công nghiệp gắn liền với cảng biển tại khu kinh tế Quảng Yên để khai thác lợi thế địa lý và tận dụng luồng hàng hải đến cảng Lạch Huyện.

Để thu hút đầu tư, Quảng Ninh đang ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến và chế tạo. Đối với các nhà đầu tư thứ cấp được áp dụng mức ưu đãi thuế doanh nghiệp cao nhất tại các khu kinh tế; hỗ trợ chi phí đào tạo nghề ngắn hạn cho người lao động trong 2 năm đầu kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư…

Kể từ năm 2021, thị trường dự báo sẽ đón nhận khoảng 800.000 m2 nguồn cung nhà kho cho thuê, tập trung chủ yếu tại các khu vực Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh.

Điện tử và ngành công nghiệp phụ trợ, chế tạo ô tô được coi là ngành mũi nhọn trong thu hút đầu tư. CBRE ghi nhận sự gia nhập của nhiều khách thuê lớn trong lĩnh vực điện tử…

Việt Nam được coi là điểm sáng trong thu hút các ngành công nghiệp phụ trợ ô tô khi tiếp tục ghi nhận số lượng lớn nhu cầu và giao dịch ký hợp đồng mua đất, thuê nhà xưởng đến từ Mỹ, Hàn Quốc, Đức và Nhật Bản đều thuộc lĩnh vực này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục