Khung chính sách vững cho kinh tế sáng tạo

07:40' - 05/06/2024
BNEWS Kinh tế sáng tạo dù là khái niệm khá mới, nhưng thực tế tại Việt Nam, mỗi năm việc xuất khẩu hàng hóa sáng tạo đang giúp Việt Nam thu về hàng tỷ USD.

Theo TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), kinh tế sáng tạo đã cho thấy một tiềm năng vô cùng lớn, thậm chí có thể nói là “không giới hạn”, do đó, cần có khung chính sách vững chắc để nuôi dưỡng kinh tế sáng tạo gắn với tạo động lực cho các chủ thể sáng tạo.

Kinh tế sáng tạo dù là khái niệm khá mới, nhưng thực tế tại Việt Nam, mỗi năm việc xuất khẩu hàng hóa sáng tạo đang giúp Việt Nam thu về hàng tỷ USD. Theo nhóm nghiên cứu của CIEM, Việt Nam bước đầu đã có nỗ lực tiếp cận các ngành công nghiệp và dịch vụ sáng tạo; có khung chính sách liên quan đến phát triển kinh tế sáng tạo. Một số chính sách, quy định đã được hoàn thiện và đáp ứng rất tốt yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế sáng tạo.

Chẳng hạn, các quy định về bảo vệ sở hữu trí tuệ của Việt Nam đã được hoàn thiện phù hợp với các cam kết quốc tế và các thông lệ quốc tế tốt nhất. Qua đó, giúp tạo động lực và sự yên tâm cho các chủ thể phát huy sức sáng tạo và tài sản trí tuệ trong nền kinh tế sáng tạo.

Theo báo cáo công bố năm 2022 của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), quy mô thị trường toàn cầu cho hàng hóa sáng tạo đã tăng trung bình 2,28%/năm trong giai đoạn 2011-2020 và tăng tới 16,56% trong năm 2021.

Tổng xuất khẩu dịch vụ sáng tạo toàn cầu đã tăng trung bình 8,14%/năm trong giai đoạn 2011-2020. Như vậy, xuất khẩu hàng hóa sáng tạo toàn cầu đã tăng trưởng đáng kể do nhiều nước trên thế giới đang triển khai các biện pháp hỗ trợ công nghiệp văn hóa và sáng tạo.

 

Ở Việt Nam, MISA được biết đến như một công ty cung cấp phần mềm về tài chính kế toán cho doanh nghiệp vừa và nhỏ phổ biến nhất. Với mong muốn lớn mạnh gấp nhiều lần, MISA đã thay đổi mục tiêu tạo nhiều sản phẩm hơn, mở rộng thị phần. Vì vậy, doanh nghiệp đã thiết kế và xuất khẩu phần mềm MISA CukCuk ra thế giới. Sau 5 năm tiến ra thị trường quốc tế, hiện tại, phần mềm này đã có mặt tại hơn 20 quốc gia trên thế giới và đạt doanh số gần 2 triệu USD. Đặc biệt, sản phẩm này cách đây không lâu đã chính thức tiến vào thị trường đầy tiềm năng là Mỹ, doanh nghiệp phấn đấu lọt vào Top 3 phần mềm POS (công cụ hỗ trợ bán hàng) tại nền kinh tế lớn nhất thế giới này với mục tiêu doanh số 1 triệu USD trong năm 2024 và 50 triệu USD trong 5 năm tới.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM) cho hay, Việt Nam có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế sáng tạo nhờ dân số trẻ, hiểu biết về công nghệ; di sản văn hóa phong phú; quá trình số hóa diễn ra nhanh chóng và tăng cường hội nhập với kinh tế toàn cầu…

Đánh giá về tiềm năng phát triển kinh tế sáng tạo của Việt Nam, chuyên gia kinh tế TS. Võ Trí Thành cho rằng, một ngành công nghiệp sáng tạo dựa trên nền tảng văn hóa được kết nối rộng rãi và được hỗ trợ mạnh mẽ sẽ mang đến cho Việt Nam khả năng thương mại lớn và “sức” cạnh tranh toàn cầu. Việt Nam có thị trường nội địa lớn, cùng với thị trường khu vực đang mở rộng và rất nhiều hứa hẹn.

TS. Nguyễn Thị Hoàng Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn, Cục Sở hữu trí tuệ cho rằng, sở hữu trí tuệ chính là năng lượng cho kinh tế sáng tạo, thậm chí là xương sống, là huyết mạch. Theo đó, cần phát huy tiềm năng sở hữu trí tuệ như một công cụ đắc lực cho phát triển kinh tế sáng tạo. Còn theo TS. Trần Thị Hồng Minh, Việt Nam, cần nhìn nhận những khó khăn, hạn chế đối với phát triển kinh tế sáng tạo ở Việt Nam.

Theo khảo sát của CIEM tại một số địa phương trong thời gian qua cũng cho thấy, cách hiểu khác nhau về kinh tế sáng tạo, có nơi còn hiểu “đại khái” kinh tế sáng tạo giống với đổi mới sáng tạo. “Chính sách cho kinh tế sáng tạo chỉ mới cụ thể ở một số ngành, song chưa điều chỉnh kịp thời phù hợp với bối cảnh mới của các ngành này, trong khi nhiều hoạt động sáng tạo còn thiếu khung chính sách, quy định pháp lý”, TS. Minh nhấn mạnh.

Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM) Nguyễn Anh Dương cho rằng, do kinh tế sáng tạo còn tương đối mới, Việt Nam gặp phải tình trạng thiếu các dữ liệu cập nhật, thường xuyên và chi tiết để phân tích các nội dung liên quan.

Từ thực trạng trên, để phát triển nền kinh tế sáng tạo tại Việt Nam, theo ông Nguyễn Anh Dương, trước mắt, cần hoàn thiện các thể chế chính sách, pháp luật nhằm tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp cho sự phát triển nền kinh tế sáng tạo, các ngành công nghiệp và văn hóa sáng tạo, thị trường văn hóa sáng tạo.

Cùng với đó, lồng ghép kinh tế sáng tạo trong hoạch định chính sách phát triển kinh tế, chính sách xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ; đồng thời, tạo cơ chế hỗ trợ (thuế, tài chính, mặt bằng, kết nối, liên kết ngành...) cho phát triển kinh tế sáng tạo; thúc đẩy chuyển đổi số để hỗ trợ hiệu quả hơn cho kinh tế có sức tăng trưởng mạnh mẽ này.

Bên cạnh đó, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghệ số; tăng cường phát triển giáo dục và đào tạo kỹ năng; thúc đẩy hợp tác và kết nối; tiếp tục phát triển thị trường trong nước và quốc tế cho các sản phẩm sáng tạo của Việt Nam và tăng cường tính bền vững và trách nhiệm xã hội trong các doanh nghiệp liên quan tới sáng tạo.

“Việt Nam đang hướng tới tầm nhìn, mục tiêu phát triển dài hạn, cụ thể là trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Trong bối cảnh đó, cần không ngừng đổi mới về tư duy, cách làm và mô hình để tạo ra những không gian mới cho tăng trưởng kinh tế”, TS. Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục