Nắm bắt xu hướng phát triển kinh tế sáng tạo

13:22' - 12/03/2024
BNEWS Tư duy về kinh tế sáng tạo giúp hoàn thiện chính sách để các ý tưởng sáng tạo có đủ điều kiện, chu trình từ hình thành, sản xuất, cung ứng, phân phối và kể cả xuất khẩu...

Sáng 12/3, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp cùng Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức - do Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển Liên bang Đức tài trợ (GIZ) đồng tổ chức Hội thảo tham vấn “Phát triển kinh tế sáng tạo: Xu hướng, kinh nghiệm quốc tế và kiến nghị đối với Việt Nam”.

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, khái niệm kinh tế sáng tạo đã ra đời và liên tục điều chỉnh trong hơn ba thập kỷ qua. Với tư duy thúc đẩy nền kinh tế sáng tạo, mỗi nền kinh tế cũng có thể tận dụng khung chính sách hiện có trên các mô hình kinh tế khác. Các dịch vụ sáng tạo ở không ít nền kinh tế được đánh giá là có sức chống chịu và khả năng phục hồi tốt hơn trong thời kỳ đại dịch.

“Quan trọng hơn, tư duy về kinh tế sáng tạo giúp hoàn thiện chính sách để các ý tưởng sáng tạo có đủ điều kiện, chu trình từ hình thành, sản xuất, cung ứng, phân phối và kể cả xuất khẩu. Từ đó, mang lại nhiều giá trị gia tăng hơn cho nền kinh tế, lợi nhuận cao hơn cho doanh nghiệp và thu nhập cao hơn cho người lao động”, TS. Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, xuất khẩu hàng hoá sáng tạo thế giới tăng từ 208 tỷ USD vào năm 2002 lên 524 tỷ USD vào năm 2020; trong đó, châu Á là khu vực xuất khẩu lớn nhất từ năm 2007.

Đặc biệt, theo ông Nguyễn Anh Dương, tỷ trọng hàng hoá sáng tạo có sự thay đổi đáng kể từ năm 2006 đến nay. Xuất khẩu đĩa CD, DVD, băng, báo và tài liệu in khác giảm đáng kể, trong khi xuất khẩu các phương tiện truyền thông và ghi âm trò chơi điện tử tăng mạnh. Tỷ trọng hàng hoá sáng tạo trong tổng hàng hoá xuất khẩu ở khu vực châu Á ngày một tăng lên, trong khi ở các khu vực khác như châu Âu, Bắc Mỹ, Mỹ Latinh có xu hướng giảm.

Theo thống kê của đại diện CIEM, Top 10 nền kinh tế phát triển xuất khẩu hàng hoá sáng tạo hàng đầu bao gồm: Mỹ, Italy, Đức, Pháp, Anh, Hàn Quốc, Ba Lan, Thuỵ Sỹ, Hà Lan, Nhật Bản với tổng 176.704 triệu USD, chiếm 33,7% tổng xuất khẩu hàng hoá sáng tạo trên thế giới.

Trong khi đó, Top 10 nền kinh tế đang phát triển xuất khẩu hàng hoá sáng tạo hàng đầu trên thế giới bao gồm: Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Việt Nam, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Singapore, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất, Thái Lan với tổng xuất khẩu hàng hoá sáng tạo đạt 276.997 triệu USD, chiếm 33,7% tỷ trọng xuất khẩu hàng hoá sáng tạo thế giới.

Như vậy, theo các chuyên gia của CIEM, Việt Nam nằm trong Top 3 nền kinh tế đang phát triển trên thế giới xuất khẩu hàng hoá sáng tạo hàng đầu với 14.153 triệu USD.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, thời gian qua, một số chính sách liên quan đến phát triển kinh tế sáng tạo tại Việt Nam đã được ban hành; trong đó, có nhóm chính liên quan đến chủ trương chung của Đảng, Nhà nước về ưu đãi đầu tư, ưu đãi thuế, ưu đãi đất đai và mặt bằng hoạt động, pháp luật về thương mại; pháp luật về khoa học và công nghệ và pháp luật về sở hữu trí tuệ. Cùng với đó, những chính sách phát triển kinh tế sáng tạo ở cấp độ ngành như: Liên quan đến nghệ thuật biểu diễn có Nghị định số 144/2020/NĐ-CP; Quyết định số 14/2015/QĐ-TTg…

Mặc dù, có nhiều chính sách, cơ chế ưu đãi cấp vốn cho các dự án kinh tế sáng tạo, đổi mới sáng tạo nhưng theo ông Nguyễn Anh Dương, vẫn còn nhiều vướng mắc trong thực hiện các dự án kinh tế sáng tạo tại Việt Nam.

Cụ thể, theo khảo sát của CIEM tại một số địa phương trong thời gian qua cũng cho thấy cách hiểu khác nhau về kinh tế sáng tạo, thậm chí thiếu sự phân định rạch ròi với đổi mới sáng tạo. Do kinh tế sáng tạo còn tương đối mới, Việt Nam gặp phải tình trạng thiếu các dữ liệu cập nhật, thường xuyên và chi tiết để phân tích các nội dung liên quan.

Do đó, với nghiên cứu “Phát triển kinh tế sáng tạo: Xu hướng, kinh nghiệm quốc tế và kiến nghị đối với Việt Nam”, CIEM hướng tới thực hiện một nghiên cứu bài bản, tập trung vào hệ thống hóa các khái niệm cơ bản của kinh tế sáng tạo, rà soát các xu hướng phát triển chủ yếu của kinh tế sáng tạo trong khu vực và trên thế giới, cũng như kinh nghiệm của một số quốc gia trong phát triển kinh tế sáng tạo, để từ đó đối chiếu với thực trạng ở Việt Nam và đề ra các kiến nghị chính sách.

Hội thảo tham vấn lần này chính là dịp để CIEM và các cơ quan liên quan giới thiệu những kết quả nghiên cứu bước đầu, thu thập những ý kiến đóng góp để tiếp tục hoàn thiện báo cáo trong thời gian tới; đồng thời, các chuyên gia, đại biểu cũng trao đổi cụ thể về thực trạng hoạt động kinh tế sáng tạo ở Việt Nam, cơ hội và thách thức, yêu cầu hoàn thiện chính sách và cơ sở dữ liệu nhằm phát triển kinh tế sáng tạo ở Việt Nam trong thời gian tới…

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục