Khủng hoảng bất động sản - Rủi ro mới đối với kinh tế Trung Quốc

05:30' - 19/08/2023
BNEWS Sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc đang chịu áp lực nặng nề từ tình trạng sụt giảm ngày càng trầm trọng của thị trường bất động sản.
Theo tờ TheEdgeMalaysia (Malaysia), một loạt số liệu kinh tế chính thức được công bố gần đây đã cho thấy xu hướng tăng trưởng chậm lại trong sản lượng công nghiệp, doanh số bán lẻ và đầu tư tài sản cố định. 

Trong báo cáo mới nhất, Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết, doanh số bán lẻ - thước đo tiêu dùng chính của nước này - trong tháng 7/2023 đã tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng trên 8% trước đại dịch COVID-19. Con số này giảm từ mức 3,1% ghi nhận hồi tháng Sáu và không đạt kỳ vọng của các nhà phân tích. Sản xuất công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 7/2023 tăng 3,7% so với cùng kỳ một năm trước. Mức tăng này yếu hơn so với con số 4,4% của tháng Sáu.

 
Một loạt số liệu đáng thất vọng trong những tháng gần đây đã phản ánh tình trạng suy yếu trong đà phục hồi hậu đại dịch COVID-19 của Trung Quốc. Cường quốc châu Á này cũng có thể gặp khó khăn trong việc đạt được mục tiêu tăng trưởng 5% đã đề ra trong năm nay. Theo số liệu chính thức, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong quý II/2023 chỉ tăng trưởng 0,8% so với quý đầu năm nay.

Đáng chú ý, đầu tư bất động sản tiếp tục sụt giảm trước lo ngại về một cuộc khủng hoảng nợ của một nhà phát triển hàng đầu và doanh số bán nhà tiếp tục giảm làm kìm hãm sự phục hồi của lĩnh vực này. Nhiều khu vực ở Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng bởi mưa lớn và lũ lụt nghiêm trọng gây cản trở hoạt động xây dựng vào tháng trước.

Dữ liệu yếu kém có thể sẽ gây áp lực buộc Bắc Kinh phải bổ sung thêm các biện pháp kích thích tài chính hoặc tiền tệ. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng đồng Nhân dân tệ yếu và mức nợ cao đang cản trở các nhà hoạch định chính sách hành động mạnh mẽ hơn. Dữ liệu mới đây cũng cho thấy sự sụt giảm trong hoạt động cho vay trong tháng Bảy do người tiêu dùng và doanh nghiệp hạn chế chi tiêu.

Ding Shuang, nhà kinh tế trưởng phụ trách Trung Quốc Đại lục và Bắc Á thuộc Standard Chartered PLS dự đoán Chính phủ Trung Quốc có khả năng tận dụng tối đa dư địa tài khóa theo ngân sách đã được phê duyệt để ổn định tăng trưởng.

Theo khảo sát của Bloomberg, đầu tư bất động sản có thể đã tiếp tục giảm trong tháng 7/2023, kéo theo mức giảm trong bảy tháng kể từ đầu năm xuống 8% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức giảm liên tiếp từ 7,9% trong sáu tháng đầu năm.

Các điều kiện hoạt động của các nhà phát triển bất động sản vẫn chưa được cải thiện. Giá trị doanh số bán nhà mới của các công ty xây dựng hàng đầu đã giảm nhiều nhất trong vòng 1 năm vào tháng Bảy vừa qua, mặc dù nhiều thành phố đã nới lỏng các hạn chế mua nhà. Điều này đã giáng một đòn mạnh vào các nhà phát triển cần tiền mặt để giảm bớt cuộc khủng hoảng tín dụng kéo dài nhiều năm.

Country Garden Holdings Co, từng là nhà phát triển khu vực tư nhân lớn nhất Trung Quốc tính theo doanh thu, sẽ ghi tên vào một loạt các công ty vỡ nợ như China Evergrande Group nếu không thực hiện thanh toán lãi đến hạn vào tuần trước đối với 2 loại trái phiếu bằng USD trong thời hạn 30 ngày.

Các nhà phân tích China International Capital Corp bao gồm cả Zhang Wenlang đã có báo cáo rằng áp lực dọc theo chuỗi giá trị bất động sản như bán, thu hồi đất và xây dựng có thể tiếp tục đè nặng lên tăng trưởng kinh tế.

Đầu tư tài sản cố định bao gồm đầu tư vào bất động sản, cơ sở hạ tầng và sản xuất dự kiến sẽ tăng 3,8% trong thời gian từ tháng 1-7/2023, tương tự với tốc độ trong nửa đầu năm. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng có thể giữ vững khi các chính quyền địa phương bán nhiều trái phiếu đặc biệt hơn vào tháng 7 so với 1 năm trước. Trái phiếu được sử dụng chủ yếu để tài trợ cho các dự án xây dựng.

Theo báo cáo của các nhà kinh tế UBS Group AG, đầu tư vào sản xuất có thể tăng lên nhờ các biện pháp hỗ trợ chính sách và lợi nhuận sẽ giảm nhẹ. Các cuộc khảo sát gần đây của các nhà quản lý mua hàng đã chỉ ra sự sụt giảm trong hoạt động sản xuất của Trung Quốc trong tháng Bảy khi các đơn đặt hàng mới tiếp tục giảm.

Hoạt động sản xuất ở các nhà máy cũng bị ảnh hưởng vào tháng trước do lũ lụt nghiêm trọng ở phía Tây Nam Trung Quốc và gần đây ở các khu vực phía Bắc đã làm gián đoạn hoạt động hậu cần, buộc người dân phải sơ tán và đóng cửa các mỏ. Nhiệt độ cao bất thường cũng đe dọa nguồn cung cấp bông, vốn là chìa khóa cho ngành dệt may, và khiến một số khu vực phụ thuộc vào thủy điện phải hạn chế cung cấp năng lượng cho các ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng như xi măng và thép.

Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ từ 16 - 24 tuổi ghi nhận mức kỷ lục 21,3% trong tháng 6/2023 và NBS cảnh báo con số của tháng Bảy có thể còn cao hơn. Gần 12 triệu sinh viên dự kiến sẽ tốt nghiệp các trường cao đẳng và đại học trong năm 2023 có thể gây tràn ngập thị trường lao động.

Theo một phân tích khoảng 5 triệu quảng cáo việc làm của MetroDataTech, các công ty Trung Quốc đang gia tăng tuyển dụng những ứng viên có ít nhất một năm kinh nghiệm, với nhu cầu về sinh viên mới tốt nghiệp giảm 72% trong giai đoạn 2018 - 2023.

Chi tiêu của người tiêu dùng có thể tăng lên từ đầu mùa du lịch Hè vào tháng Bảy. Trong khi đó, công suất phòng khách sạn đã tăng lên mức cao mới kể từ năm 2020, còn doanh thu phòng vé trong tháng đạt 8 tỷ NDT, mức cao nhất trong tháng Bảy được ghi nhận.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đang thận trọng điều chỉnh lãi suất để tránh gây thêm áp lực lên đồng NDT vốn đã yếu và thúc đẩy thêm dòng vốn chảy ra. Ngân hàng cũng đã thiết lập một mức cố định mạnh hơn dự kiến cho đồng NDT hàng ngày kể từ cuối tháng 6 để hỗ trợ đồng tiền này. PBoC đã hướng dẫn các ngân hàng giảm lãi suất cho vay thế chấp hiện tại và xem xét việc cắt giảm lượng tiền mặt mà các ngân hàng phải dự trữ sắp tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục