Khủng hoảng năng lượng làm phức tạp thêm bài toán cắt giảm khí thải (Phần 2)

07:00' - 03/11/2021
BNEWS Thúc đẩy chuyển đổi xanh ít carbon đã dần trở thành nhận thức chung của nhiều nước trên toàn cầu, với xu hướng chuyển sang các loại năng lượng tái tạo như phong điện, quang điện, thủy điện…

Năng lượng xanh tạm thời chưa thể thay thế nhiệt điện than

Gần 10 năm nay, thúc đẩy chuyển đổi xanh ít carbon đã dần trở thành nhận thức chung của nhiều nước trên toàn cầu, gần đây có khuynh hướng chuyển sang các loại năng lượng tái tạo như phong điện, quang điện, thủy điện… Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay đã phản ánh một thực tế tàn khốc mà quá trình chuyển đổi năng lượng đối mặt: Mặc dù đầu tư của toàn cầu vào nhiên liệu hóa thạch giảm xuống, nhưng năng lượng xanh vẫn không kịp lấp đầy khoảng trống của nhiệt điện than.

Anh là nước đi tiên phong trong việc thúc đẩy phát triển năng lượng xanh, đứng đầu thế giới về xây dựng chính sách môi trường. Năm 2008, Anh chính thức công bố “Luật biến đổi khí hậu”, trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới sử dụng hình thức luật pháp để cố gắng thực hiện mục tiêu cắt giảm phát thải trung và dài hạn.

Anh cam kết sẽ loại bỏ nhiệt điện than trước tháng 10/2024, tuy nhiên, đối mặt với tác động kép của việc thiếu gió và giá khí đốt tự nhiên leo thang, Anh buộc phải đi ngược lại mục tiêu cắt giảm carbon, tái khởi động các nhà máy nhiệt điện than vốn đang ở trạng thái dự phòng, tăng đáng kể sản lượng nhiệt điện để giải quyết vấn đề thiếu điện.

Hạn hán do thời tiết cực đoan cũng khiến cho nhiều khu vực ở các nước như Mỹ, Brazil, Trung Quốc… xuất hiện tình trạng hồ chứa nước khô cạn, sản lượng thủy điện sụt giảm mạnh. Theo số liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, thủy điện chiếm gần 15,8% tổng sản lượng điện toàn cầu, phong điện chiếm 5,5%. Khi năng lượng sạch chịu ảnh hưởng của thời tiết cực đoan, các nước buộc phải đi ngược lại kế hoạch chuyển đổi năng lượng, thông qua năng lượng hóa thạch truyền thống để thay thế sự thiếu hụt của năng lượng tái tạo.

Sản lượng nhiệt điện than năm nay của Mỹ dự kiến tăng 22% so với cùng kỳ, ghi nhận lần đầu tiên tăng trưởng trong gần 7 năm qua. Cơ quan năng lượng quốc tế dự đoán, sau khi giảm 4,6% trong năm 2020, sản lượng nhiệt điện than toàn cầu sẽ tăng gần 5% trong năm 2021, vượt qua mức trước khi xảy ra đại dịch, năm 2022 dự báo tiếp tục tăng 3%, đạt mức cao nhất trong lịch sử.

Nhiệm vụ trọng điểm của COP26 là thúc đẩy hoàn thành việc đàm phán chi tiết thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, đưa ra cam kết đẩy mạnh và tăng tốc cắt giảm phát thải trước năm 2030, không phát thải vào năm 2050. 

Tuy nhiên, khủng hoảng năng lượng đang nhanh chóng hoành hành khắp toàn cầu như dịch COVID-19, nhân dịp khai mạc hội nghị COP26, các nhà lãnh đạo toàn cầu cần đưa ra một lý do thuyết phục để tiếp tục tích cực cắt giảm phát thải ứng phó biến đổi khí hậu, trong khi thị trường năng lượng đang đối diện với một “cơn bão hoàn hảo”.

Tiêu hao năng lượng có liên quan mật thiết với phát triển kinh tế toàn cầu và mức độ đảm bảo dân sinh của các nước, sự ổn định của nguồn cung là yếu tố rất quan trọng. Đối diện với cuộc khủng hoảng hiện nay, các nước có thể lựa chọn phương án tăng cường phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, hoặc đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi năng lượng sạch.

Những nước giàu thường cho rằng thiếu hụt năng lượng càng làm nổi bật hơn tầm quan trọng của năng lượng sạch. Tuy nhiên, các nước đang phát triển lại muốn bước đi cắt giảm carbon chậm lại, lo ngại giá điện, khí đốt tự nhiên và nhiên liệu vận tải cao sẽ cản trở sự phục hồi kinh tế sau dịch bệnh.

Theo Bob McNally, Trưởng bộ phận phân tích của công ty tư vấn chính sách và thị trường năng lượng Rapidan Energy Group, hội nghị lần này sẽ là một cuộc đọ sức về việc xác định các vấn đề ưu tiên giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển. Một số nước sẽ lấy lý do thiếu hụt năng lượng và giá cả leo thang để tìm cách đẩy nhanh quá trình chuyển đổi, ngược lại các nước khác lại cho rằng tình hình hiện nay là lý do để trì hoãn.  

Cho dù như vậy, một số chuyên gia cho rằng, lãnh đạo các nước sẽ lựa chọn con đường khó khăn hơn nhưng có giá trị hơn tại hội nghị biến đổi khí hậu lần này.

Charles Moore, Giám đốc chương trình châu Âu của Tổ chức độc lập về khí hậu Ember, cho rằng khủng hoảng năng lượng đã thể hiện rõ ảnh hưởng cực đoan đối với việc phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Điều này có thể đủ để thúc đẩy một số quốc gia có thái độ do dự áp dụng hành động thực tế, tăng gấp đôi nỗ lực trong việc phát triển năng lượng tái tạo.

Chuyển đổi ít carbon đòi hỏi các nước giàu thực hiện cam kết

Trên con đường chuyển đổi năng lượng xanh, tiền chắc chắn là cân nhắc lớn nhất của các nước trong việc đưa ra mọi quyết định. Mặc dù các nước phát triển đồng ý cung cấp viện trợ 100 tỷ USD mỗi năm cho các nước đang phát triển, giúp đỡ các nước đi sau giảm thiểu sự lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, nhưng những cam kết này luôn không được thực hiện đầy đủ.

Những năm gần đây, Mỹ và châu Âu tích cực thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo, từng bước loại bỏ nhiệt điện, tiếp tục đạt được những thành quả trong nỗ lực giảm phát thải. Tuy nhiên, cùng với việc hàng tỷ người ở các nước đang phát triển thoát nghèo, lượng phát thải của những nước này dự kiến sẽ tăng mạnh trong vòng vài thập niên tới.  

Đại dịch COVID-19 khiến hoạt động thương mại và kinh tế toàn cầu sụt giảm, trong đó các nước đang phát triển chịu tác động đặc biệt nghiêm trọng. Đối diện với thực trạng thiếu hụt nguồn lực tài chính, sự phát triển và việc đảm bảo dân sinh của những nước này cũng bị ảnh hưởng, dường như không có năng lực để đầu tư cho các chương trình, dự án ít carbon trên quy mô lớn.   

Theo các chuyên gia khí hậu, biện pháp duy nhất có thể xoay chuyển tình thế chính là thông qua hỗ trợ tài chính bền vững để giúp những nền kinh tế này chuyển hướng thành công sang con đường ít carbon.

Các nước phát triển cho rằng, việc để cho họ đảm đương một khối lượng tiền lớn như vậy là hoàn toàn không thực tế, đặc biệt là trong bối cảnh các nước thu nhập trung bình như Trung Quốc lại không tham gia vào việc cung cấp nguồn lực tài chính.

Để đáp ứng nhu cầu năng lượng toàn cầu và mong muốn ứng phó biến đổi khí hậu, Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự tính đầu tư năng lượng sạch phải tăng từ mức 1.100 tỷ USD hiện nay lên 3.400 tỷ USD/năm vào trước năm 2030.

Các quan chức phương Tây cho rằng, mặc dù họ đã bắt đầu đàm phán kế hoạch tài trợ sau năm 2025, nhưng số tiền dự kiến vẫn vượt quá mức, chỉ dựa vào ngân sách chính phủ của các nước giàu thì không thể chi trả. Họ đang kỳ vọng các nhà đầu tư tư nhân đảm nhận phần lớn kinh phí.

Trong khi đó, đại biểu của các nước đang phát triển chỉ trích Mỹ và các nước giàu có khác đã không kiềm chế việc đốt nhiên liệu hóa thạch trong gần hai thế kỷ qua, đồng thời cáo buộc thời đại công nghiệp của những nước này là nguyên nhân khiến cho Trái Đất nóng lên.

Hai tuần trước khi diễn ra hội nghị khí hậu, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã công bố 18 thỏa thuận đầu tư năng lượng mới trị giá 9,7 tỷ bảng Anh tại một hội nghị thượng đỉnh đầu tư. Ngoài ra, Chính phủ Anh cũng hợp tác với chương trình phát triển công nghệ xanh “Chất xúc tác năng lượng đột phá” có quy mô 400 triệu bảng Anh của người đồng sáng lập kiêm cựu Chủ tịch công ty Microsoft, Bill Gate.

Tuy nhiên, chỉ dựa vào nỗ lực của một nước là không đủ. Trong một hội nghị trù bị diễn ra trước thềm COP26, đại diện Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã không thể đạt được thống nhất về các vấn đề cơ bản như trợ cấp giảm carbon, thực hiện không phát thải…

Ngoài những khác biệt trong nội bộ G20, việc nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình không tham dự COP26 cũng làm gia tăng sự không chắc chắn đối với hội nghị khí hậu. Một số phân tích cho rằng, sự vắng mặt của ông Tập Cận Bình có thể được coi là khúc dạo đầu của việc Trung Quốc tránh đưa ra các mục tiêu khí hậu mới.  

Trung Quốc đã cam kết ngừng xây dựng các nhà máy nhiệt điện than ở nước ngoài, đồng thời đầu tư mạnh đối với năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, nước này lại đang chuyển sang sử dụng nhiên liệu hóa thạch ô nhiễm môi trường và tăng cường khai thác than đá khi đối diện với tình trạng thiếu hụt năng lượng. Động thái này khó tránh khỏi việc tạo ra tiền lệ cho các nước đang phát triển khác, khiến cho hy vọng đạt được thỏa thuận của COP26 trở nên mong manh hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục