Khủng hoảng ngoại giao "hun nóng" vùng Vịnh

14:10' - 15/06/2017
BNEWS Cuộc khủng hoảng ngoại giao tại vùng Vịnh liên quan đến Qatar đang tác động bất lợi tới ngành hàng không và nhiều hoạt động khác trong khu vực.
Hành khách làm thủ tục tại Sân bay Quốc tế Hamad ở Doha, Qatar ngày 7/6. Ảnh: AFP/TTXVN

Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) Gianni Infantino vừa bày tỏ hy vọng cuộc khủng hoảng ngoại giao tại vùng Vịnh hiện nay sẽ không đe dọa tới việc Qatar đăng cai Vòng chung kết Cúp Bóng đá Thế giới (World Cup) 2022.

Trong bài trả lời phỏng vấn đăng trên báo "Le Matin Dimanche" của Thụy Sỹ ngày 11/6, ông Infantino cho biết FIFA đang theo sát tình hình và bày tỏ hy vọng những căng thẳng hiện nay tại vùng Vịnh sẽ được giải quyết sớm.

Ông đồng thời cam kết FIFA sẽ làm mọi điều trong khả năng của mình để có thể để giúp các quốc gia vùng Vịnh thoát khỏi khủng hoảng ngoại giao.

Nước chủ nhà World Cup 2022 đang bị cô lập bởi các quốc gia láng giềng với cáo buộc "hậu thuẫn các nhóm khủng bố", điều mà chính quyền Doha đã bác bỏ. Hiện đã có gần 10 nước đã cắt đứt hoặc hạ cấp quan hệ ngoại giao với Qatar, dẫn đến nguy cơ giải bóng đã lớn nhất hành tinh sẽ diễn ra trong 5 năm tới có thể vắng nhiều đội bóng ở châu Á.

Ngoài ra, Qatar đang phụ thuộc khá nhiều vào lực lượng lao động đến từ Đông Nam Á. Nếu lực lượng này bị cắt giảm do khủng hoảng ngoại giao, công việc xây dựng hạ tầng chuẩn bị cho Vòng chung kết World Cup 2022 ở Qatar sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Sự phong tỏa nhiều mặt của các nước vùng Vịnh với Qatar là vô cùng nguy hại nếu kéo dài. Quốc gia chủ nhà World Cup 2022 sẽ rất khó khăn trong tiến trình thu hút tài trợ, khi vương quốc này dự tính phải chi tới 200 tỷ USD chỉ riêng cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Chưa hết, Saudi Arabia, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã chặn các chuyến bay đến từ Qatar.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNBC ngày 12/6, Bộ trưởng Tài chính Qatar Ali Sherif al-Emadi cho rằng các nước áp đặt trừng phạt Qatar cũng sẽ bị tổn hại về tài chính do tác động từ lệnh trừng phạt đối với thương mại trong khu vực.

Ông Emadi khẳng định lĩnh vực năng lượng và nền kinh tế của Qatar, quốc gia xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng hàng đầu thế giới, về cơ bản vẫn hoạt động bình thường, trong khi nguồn cung thực phẩm và các hàng hóa khác cũng không bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo ông, Qatar có thể nhập khẩu hàng hóa từ Thổ Nhĩ Kỳ, vùng Viễn Đông hoặc châu Âu, đồng thời sẽ đa dạng hóa nền kinh tế hơn nữa nhằm đối phó với khủng hoảng.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Qatar có thể tiếp tục tồn tại về kinh tế nhưng với điều kiện cuộc khủng hoảng không được kéo dài. Là một nước rất giàu có, Qatar đã đầu tư khoảng 350 tỷ USD ra nước ngoài, nhưng các ngân hàng của Qatar đã từng gặp khó khăn do tỷ lệ lãi suất ngày càng cao cũng có thể sẽ bị tác động rất mạnh nếu Saudi Arabia và UAE chọn cách rút tiền gửi của họ tại các ngân hàng của Qatar.

Căng thẳng ngoại giao giữa các nước khu vực vùng Vịnh xảy ra từ ngày 5/6, khi các nước Bahrain, Saudi Arabia, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và một số nước khác đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, với lý do Doha "ủng hộ các nhóm khủng bố và can thiệp vào những vấn đề nội bộ" của các nước trong khu vực, điều mà Qatar đã lên tiếng bác bỏ.

Các biện pháp trừng phạt đã cản trở dòng hàng hóa nhập khẩu vào Qatar, đồng thời khiến nhiều ngân hàng nước ngoài giảm quy mô kinh doanh với nước này.

>>>Các nước vùng Vịnh đóng cửa không phận với Qatar

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục