Khủng hoảng nguồn cung phân bón do ảnh hưởng từ căng thẳng Nga-Ukraine

08:48' - 22/04/2022
BNEWS Thời gian qua, cuộc khủng hoảng giữa Nga và Ukraine đã đẩy giá các sản phẩm phân bón tăng vọt.

Thời gian qua, cuộc khủng hoảng giữa Nga và Ukraine đã đẩy giá các sản phẩm phân bón tăng vọt, đe dọa các vụ mùa ngũ cốc của nhiều nước trên thế giới và ảnh hưởng đến hệ thống an ninh lương thực toàn cầu.

* Cú sốc giá phân bón tăng vọt

Áp lực tăng giá phân bón đã diễn ra từ 2 năm nay do tác động của dịch bệnh, nay lại thêm trầm trọng do tình hình chiến sự Nga-Ukraine.

Những yếu tố này đã khiến giá phân bón thế giới lập đỉnh mới do nguồn cung khan hiếm. Các doanh nghiệp lo ngại sẽ xảy ra sự thiếu hụt một số loại phân bón nhập khẩu trong quý II/2022.

 

Thực tế trước khi cuộc khủng hoảng giữa Nga và Ukraine diễn ra, chi phí các loại phân bón hóa học như nitơ, phốt phát, kali vốn cũng đã tăng mạnh trong năm 2021 vì nhiều lý do: đà tăng giá nhanh của khí đốt-nguyên liệu chính để sản xuất phần lớn phân bón nitơ trên toàn cầu; các cơn bão vào cuối mùa Hè ở vùng Vịnh Mexico nước Mỹ khiến các nhà máy phân bón dừng hoạt động; các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Công ty BPC (Belarus)-nhà cung cấp kali lớn thứ hai thế giới; và việc Trung Quốc-nhà sản xuất phốt phát lớn nhất thế giới-hạn chế xuất khẩu phân bón vào năm ngoái.

Tiếp đó, căng thẳng giữa Nga và Ukraine đã gây ra cú sốc với thị trường phân bón, bởi Nga là nhà cung cấp phân bón hàng đầu thế giới. Liên hợp quốc cho biết Nga là nhà xuất khẩu số 1 thế giới về phân đạm, số 2 về phân lân và kali.

Đồng minh của họ là Belarus, cũng đang đối mặt các lệnh trừng phạt của phương Tây, là một nhà sản xuất phân bón lớn khác.

Nhiều nước đang phát triển, như Mông Cổ, Honduras, Cameroon, Ghana, Senegal, Mexico và Guatemala là những quốc gia phụ thuộc nhiều vào phân bón của Nga, với ít nhất 1/5 lượng hàng nhập khẩu.

Vì vậy tác động từ xung đột Ukraine đẩy giá phân bón tăng lên các mức cao mới. Tại Bắc Mỹ, một chỉ số về giá cả các mặt hàng phân bón cho thấy chúng đã tăng giá gần gấp đôi so với cách đây một năm.

Ví dụ như giá amoniac khan, một loại phân bón quan trọng được sử dụng để trồng ngô, đã đạt mức cao kỷ lục trong tháng 2/2022 là 1.492 USD/tấn.

Giá urê giao tháng 4/2022 được giao dịch ở mức 795 USD/tấn tại New Orleans vào ngày 4/3, tăng 22% so với mức giao dịch hồi đầu tuần đó.

Trong khi đó, giá giấy ure cũng tăng lên 50 USD/tấn.

Cũng giống như nhiều hàng hóa khác, trong những thập niên gần đây, thế giới ngày càng phụ thuộc vào nguồn phân bón từ Nga.

Năm 1992, một năm sau khi Liên Xô tan rã, sản lượng phân bón nitơ của Nga đạt 4,9 triệu tấn, gần bằng 7% nhu cầu tiêu thụ của thế giới, theo dữ liệu của Hiệp hội Phân bón quốc tế (IFA) và Công ty Green Markets.

Đến năm 2019, tỷ lệ này tăng lên gần 10%. Thị phần toàn cầu của Nga ở mặt hàng phân phốt phát (phân lân) và kali cũng lần lượt tăng lên mức 8% và 20%.

Thực tế giá cả đã tăng mạnh sau khi Nga và Belarus, những nhà sản xuất phân bón lớn trên thế giới, chịu các lệnh trừng phạt và cô lập kinh tế của phương Tây liên quan chiến dịch quân sự đặc biệt của Moskva tại Ukraine.

Các biện pháp trừng phạt cũng nhắm đến nhiều doanh nhân của Nga, trong đó có cả “ông trùm” ngành khai thác than đá và sản xuất phân bón của Nga Andrei Melnichenko (Công ty EuroChem), nhiều tài sản của Nga ở nước ngoài bị đóng băng và nhiều tập đoàn của nước này cũng bị chặn tham gia mạng lưới kinh tế quốc tế.

Trước các lệnh trừng phạt của phương Tây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo rằng việc các nước phương Tây cản trở hoạt động xuất khẩu phân bón của Nga sẽ khiến giá cả thực phẩm toàn cầu tăng do giá phân bón cao hơn.

Bộ Thương mại và công nghiệp Nga đã yêu cầu các công ty phân bón trên cả nước tạm thời dừng xuất khẩu trong tháng 3/2022.

Kể từ đó, các chuyến hàng phân bón xuất khẩu từ Nga đã bị gián đoạn nghiêm trọng do một số nhà sản xuất trong nước cố tình kìm hãm nguồn cung để đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây và nhiều hãng tàu biển lớn dừng đến các cảng của Nga để nhận hàng.

Điều này đã đẩy các hoạt động nông nghiệp của các nhà sản xuất ngũ cốc hàng đầu như Pháp, Mỹ, Canada, Brazil, Argentina, Ấn Độ… gặp bất lợi vì vòng xoáy tăng giá của phân bón liên quan đến xung đột Nga-Ukraine.

Giá phân bón tăng nhanh thời gian qua đã vượt khả năng chi trả của người nông dân.  Không có phân bón, tình trạng thiếu chất dinh dưỡng cho cây trồng ở Brazil, thị trường xuất khẩu phân bón hàng đầu của Nga, cũng như ở các nước khác vốn đang phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga, bao gồm Ấn Độ và Trung Quốc, có nguy cơ bị thu hẹp các vụ mùa và đẩy chi phí sản xuất nông nghiệp lên cao hơn.

Không chỉ phân bón, mà giá nhiều loại vật tư đầu vào của ngành nông nghiệp như thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng. Điều này đặt ra áp lực cho người nông dân phải thay đổi phương thức canh tác để giảm chi phí đầu vào, qua đó đảm bảo thu nhập ở mức hợp lý.

Tổ chức nông lương của Liên hợp quốc (FAO) cảnh báo trong một báo cáo vào tháng trước rằng giá lương thực và thức ăn chăn nuôi có thể tăng đến 22% trong niên vụ 2022-2023 do xung đột ở Ukraine.

* Hệ lụy với hệ thống an ninh lương thực

Theo các nhà phân tích, việc giá phân bón tăng cao sẽ tạo ra thêm áp lực lạm phát đối với nông dân, những người vốn đã phải trả giá cao hơn đáng kể cho nhiên liệu, hóa chất diệt cỏ, hạt giống cây trồng và lao động thời vụ.

Điều này cũng có nguy cơ tạo ra một cuộc khủng hoảng về nguồn cung và giá cho thị trường lương thực thế giới. Tổ chức nông lương Liên hợp quốc (FAO) cho biết chỉ số giá lương thực thế giới trong tháng 3 vừa qua đã đạt mức cao nhất kể từ khi bắt đầu được đo lường vào năm 1990.

Theo Trung tâm Phát triển toàn cầu (CGDEV), kể từ khi xảy ra xung đột tại Ukraine, giá các loại lương thực đã bắt đầu tăng cao hơn cả mức ghi nhận trong thời kỳ tăng giá đột biến vào năm 2007 và 2010.

Đặc biệt, giá lúa mì giao dịch tại Chicago (Mỹ) đã tăng gần 3%, mức tăng cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu năm 2008.

Giá ngô cũng đang giao dịch gần mức cao nhất kể từ năm 2012, trong khi dầu đậu nành và dầu cọ đã đạt kỷ lục. Tình trạng này khiến một số chính phủ đã phải chi tiêu nhiều hơn cho trợ cấp lương thực.

CGDEV dự báo, giá cả các mặt hàng lương thực và năng lượng tăng đột biến trong thời gian gần đây có thể đẩy hơn 40 triệu người trên thế giới vào tình trạng nghèo cùng cực.

Giám đốc Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của Liên hợp quốc David Beasley cho rằng, các nước khu vực Sahel ở châu Phi, Syria, Jordan, Liban có nguy cơ đối mặt với nạn đói, kéo theo làn sóng di cư và nhiều bất ổn xã hội.

Có thể thấy, cuộc khủng hoảng phân bón có nguy cơ hạn chế hơn nữa nguồn cung cấp lương thực trên toàn thế giới, vốn đã bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn các chuyến hàng ngũ cốc quan trọng từ “vựa lúa” Ukraine và Nga.

Việc mất nguồn cung cấp lúa mì, lúa mạch và các loại ngũ cốc khác với giá cả phải chăng làm tăng viễn cảnh thiếu lương thực và bất ổn chính trị ở Trung Đông, châu Phi và một số quốc gia châu Á, nơi hàng triệu người sống dựa vào bánh mì được trợ cấp và các loại mì giá rẻ.

Xung đột tại Ukraine cũng đã làm tăng giá khí đốt tự nhiên vốn đã đắt đỏ, là nguyên liệu quan trọng để sản xuất phân bón nitơ. Kết quả là giá năng lượng ở châu Âu cao đến mức một số công ty phân bón đã phải đóng cửa, ngừng vận hành nhà máy.

Trước cú sốc về nguồn cung phân bón có thể gây ra thiếu hụt nguồn cung thực phẩm, FAO kiến nghị các nước cần giữ cho thương mại lương thực và phân bón toàn cầu được mở, tìm nhà cung cấp thực phẩm mới và đa dạng hơn.

Đồng thời, các chính phủ cần mở rộng mạng lưới an toàn xã hội để hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương, và tránh các phản ứng chính sách đặc biệt nếu chưa xem xét đến tác động tiềm tàng của chúng đối với thị trường quốc tế.

FAO cũng kiến nghị cần tăng cường minh bạch thị trường và đối thoại để giúp các chính phủ và nhà đầu tư đưa ra quyết định sáng suốt khi thị trường hàng hóa nông sản có nhiều biến động.

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass ngày 19/4 thì kêu gọi các nền kinh tế phát triển tăng cường viện trợ lương thực cho các nước đang phát triển và nỗ lực nâng sản lượng lương thực, năng lượng và phân bón để ứng phó với tình trạng thiếu hụt và giá cả tăng cao hiện nay.

Trong khi đó, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho biết các khoản thanh toán bằng tiền mặt hoặc phiếu giảm giá sẽ giúp nông dân ở các nước nghèo mua phân bón để đảm bảo duy trì sản xuất lương thực.

Bà Georgieva đánh giá cuộc xung đột Nga-Ukraine đang làm trầm trọng thêm sự phân hóa giàu nghèo giữa các quốc gia và vấn đề thiết yếu là cần đa dạng hóa hoạt động sản xuất lương thực, năng lượng và phân bón để giảm sự phụ thuộc vào Nga…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục