Khuyến cáo doanh nghiệp thận trọng khi xuất khẩu tiêu sang Myanmar

19:20' - 18/10/2019
BNEWS Hải quan Myanmar cũng khuyến cáo các lô hàng hạt tiêu do doanh nghiệp này nhập khẩu nhưng không làm thủ tục nhận hàng sẽ không được tạo điều kiện cho tái xuất về Việt Nam.
Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Myanmar, Công ty Ngwe Galon Min của Myanmar (Ngwe Galon Min Co., Ltd; địa chỉ: 446/447, Konzedan Street, Thein Gyi Zay (A) Yone, Pabedan Tsp, Yangon) đã bị Hải quan Myanmar đưa vào danh sách theo dõi.   
Ngoài ra, Hải quan Myanmar cũng khuyến cáo các lô hàng hạt tiêu do doanh nghiệp này nhập khẩu nhưng không làm thủ tục nhận hàng sẽ không được tạo điều kiện cho tái xuất về Việt Nam và sẽ tiến hành đấu giá, sung công quỹ (nếu không làm thủ tục thông quan trong vòng 60 ngày kể từ khi cập cảng).
Trước đó, một số doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hạt tiêu trắng và tiêu đen sang Myanmar trong thời gian từ giữa năm 2018 đến đầu năm 2019 thường xuyên bị doanh nghiệp nhận hàng là Ngwe Galon Min Co., Ltd., (nhà nhập khẩu) từ chối làm thủ tục nhận hàng với lý do: gặp khó khăn về tài chính, chất lượng hạt tiêu không đảm bảo…
Hơn nữa, doanh nghiệp này chỉ thanh toán tiền đặt cọc (10-30% giá trị lô hàng), trì hoãn thanh toán và thậm chí từ chối nhận hàng khi hàng đã đến cảng Yangon, Myanmar.
Theo nhận định của Thương vụ Việt Nam tại Myanmar, lý do doanh nghiệp Myanmar không nhận hàng chủ yếu do giá tiêu xuống thấp vào thời điểm giao hàng so với dự kiến ban đầu. Do vậy, một số nhà xuất khẩu Việt Nam đã phải làm thủ tục tái xuất về nước để tránh thiệt hại.
Tuy nhiên, Luật Myanmar nêu rõ, nếu hàng hóa nhập khẩu cập cảng mà không làm thủ tục thông quan trong vòng 60 ngày thì lô hàng đó sẽ được đưa ra đấu giá, sung công quỹ.
Cùng với việc thận trọng khi xuất khẩu hồ tiêu sang Myanmar, theo Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), các hiệp định thương mại tự do đã ký kết thời gian qua đã mang lại cơ hội lớn cho hạt tiêu xuất khẩu.
Theo Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), để tận dụng được cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, cần xây dựng chuỗi liên kết doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu với người trồng hạt tiêu, tổ chức sản xuất hạt tiêu an toàn, bền vững; thí điểm mô hình liên kết có cấp chứng nhận, mã số vùng trồng tại một số địa phương trồng hạt tiêu lớn, đáp ứng nhu cầu một số thị trường yêu cầu cao về chất lượng và có thể kiểm soát qua thông tin chỉ dẫn xuất xứ.
Mặt khác, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư công nghệ chế biến hiện đại để chuyển dịch cơ cấu sản phẩm, nâng tỷ lệ tiêu trắng xuất khẩu đạt tỷ trọng 20% vào năm 2020 và 50% vào năm 2030.
Cục Xuất Nhập khẩu cũng khuyến cáo các doanh nghiệp cần phải chủ động tìm hiểu thông tin về các Hiệp định để nắm vững cam kết giữa Việt Nam và các thị trường đối tác, đặc biệt là các thông tin về ưu đãi thuế quan, các yêu cầu về chất lượng, quy tắc xuất xứ hàng hóa./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục