Khuyến nghị cách giúp doanh nghiệp khôi phục hoạt động sau COVID-19

09:55' - 16/05/2020
BNEWS Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định gỡ bỏ giãn cách xã hội, mọi hoạt động phát triển kinh tế lập tức vận hành trở lại, dần khôi phục nhịp độ sản xuất kinh doanh.

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định gỡ bỏ giãn cách xã hội và các biện pháp cách ly để phòng, chống dịch COVID-19, mọi hoạt động phát triển kinh tế lập tức vận hành trở lại, dần khôi phục nhịp độ sản xuất kinh doanh để bù đắp khoảng thời gian “ngủ đông” trước đó.
Chứng kiến lượng người và phương tiện lưu thông trên đường phố ở hầu hết các cung giờ trong ngày làm việc hay tại các tụ điểm mua sắm, ăn uống, kinh doanh buôn bán và các cửa hàng trên đường phố…, chắc hẳn không ai có thể hình dung trước đó, Thủ đô Hà Nội như vừa trải qua những ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết Nguyên đán dài nhất trong lịch sử, với sự vắng lặng, bình yên lạ thường, nhưng nay chợt “bừng tỉnh” để hòa vào nhịp sống sôi động, vội vàng và nô nức.
Tuy nhiên, để thực sự mọi lĩnh vực và ngành kinh tế lấy lại “phong độ” như trước đây là điều rất khó khăn trong một sớm, một chiều. Các chuyên gia kinh tế, đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước, kể cả Chính phủ, doanh nghiệp và người dân đều nhận thức rõ điều này.

Bởi hơn ai hết, tất cả từng chứng kiến chỉ trong thời gian ngắn, biết bao doanh nghiệp đã phải dừng hoạt động hoặc tuyên bố phá sản; bao nhà máy, công xưởng phải cho lao động tạm thời nghỉ việc, giãn việc hoặc xin trợ cấp từ Chính phủ…do thiếu nguyên vật liệu đầu vào để phục vụ sản xuất; đồng thời mất thị trường đầu ra do đối tác buộc phải hủy đơn hàng theo lệnh đóng cửa biên giới, ngừng giao thương của các Chính phủ…

Nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái và bị đình đốn trước sức ép của dịch bệnh. Mọi ngành, lĩnh vực kinh tế bị tác động và ảnh hưởng nghiêm trọng; thị trường bị thu hẹp; nhu cầu tiêu dùng suy giảm; hàng xuất khẩu bị dồn ứ; hàng tồn kho bị ế đọng không biết khi nào có thể giải tỏa… Việt Nam cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Theo tổng hợp của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện tại, 69% doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ đang bị giảm doanh thu do thị trường bị thu hẹp; 45% doanh nghiệp thiếu vốn, thiếu dòng tiền; 22% doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm vật tư, nguyên liệu và 18% doanh nghiệp bị thiếu hụt lao động có kỹ năng …, cho dù khó khăn đã bớt đi nhiều so với thời điểm thực hiện giãn cách xã hội.
Thách thức là vậy, nhưng cũng có tới 55% doanh nghiệp cho biết vẫn tiếp tục duy trì quy mô sản xuất hiện tại trong quý III năm nay; 22% doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh và chỉ 21% doanh nghiệp sẽ thu hẹp quy mô, tạm dừng hoạt động.

Điều đó cho thấy tín hiệu đáng mừng là trong bất cứ hoàn cảnh nào, khó khăn, thách thức tới đâu, nội lực của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam luôn thôi thúc, cháy bỏng một niềm tin vượt khó, vươn lên mạnh mẽ để tồn tại và phát triển bền vững.
Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ và Doanh nghiệp vừa được tổ chức gần đây ở Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, mặc dù phải tuân thủ giãn cách xã hội kéo theo sự gián đoạn về nguồn cung do tình trạng đóng cửa thị trường ở nhiều nước, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng 3,28%, cao hơn mức tăng trưởng bình quân của các nước phát triển ở thời kỳ thuận lợi thậm chí cao nhất trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN).

Điều này cho thấy, nền kinh tế Việt Nam không phải quá phụ thuộc vào thị trường thế giới như nhiều quan ngại; đồng thời cũng chứng minh năng lực nội sinh mạnh mẽ của nền kinh tế và của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Bằng chứng là có nhiều doanh nghiệp vẫn phát triển bền vững, thậm chí tăng tưởng cao; thị trường chứng khoán đi xuống nhưng vẫn có nhiều cổ phiếu tăng trưởng. Đó là vì các doanh nghiệp luôn lấy con người làm trung tâm chứ không theo đuổi các giá trị ảo.

Bên cạnh những thành công về y tế, những thành quả chống dịch còn cho thấy dân tộc Việt Nam đã có sẵn "chất đề kháng của tinh thần đoàn kết", tính kỷ luật và tuân thủ. "Nếu mỗi người chấp nhận hy sinh một phần lợi ích của mình thì tất cả đều được lợi"… Vì thế, giờ là lúc, là thời cơ vàng để cả nước quyết tâm tái cơ cấu, vượt lên trên các yếu kém để tăng tốc phát triển và thực hiện mục tiêu tăng trưởng, Thủ tướng kết luận.

Bàn tới các giải pháp giúp doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục sản xuất kinh doanh; kịp bắt nhịp với xu hướng vận hành chung của toàn nền kinh tế, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp cần sớm triển khai một chiến dịch vận động xúc tiến đầu tư mang tầm chiến lược quốc gia để tăng cường các hoạt động tiếp xúc, kết nối với các "đại bản doanh" của các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Qua đó, chủ động tham gia kiến tạo và vận động để đưa các công đoạn sản xuất, kinh doanh phù hợp, có giá trị gia tăng cao hơn vào Việt Nam mà không thụ động chờ các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài tìm tới.
Đại diện VCCI cũng khuyến nghị, để nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, giúp họ đủ sức trở thành đối tác có tiềm năng của các tập đoàn xuyên quốc gia, việc xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ; nâng cao năng lực quản trị của cộng đồng doanh nghiệp là rất cần thiết.

Nhờ đó, có thể đẩy nhanh việc thực hiện các yêu cầu quốc tế hoá và số hoá hay các mô hình kinh doanh bền vững, sáng tạo và có trách nhiệm.
Thị trường tiêu thụ vẫn luôn là khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt vào thời điểm này. Do đó, Chính phủ cùng các bộ, ngành nên sớm phát động những tháng cao điểm của phong trào vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” hay “Người Việt Nam tự hào dùng hàng Việt Nam”… để tiếp sức cho doanh nghiệp Việt.
Tự thực tiễn của ngành, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam Đào Phan Long nhận định, tác động và hậu quả của dịch COVID-19 đối với nền kinh tế là không thể đo đếm. Nhưng ở chiều ngược lại, khó khăn do dịch bệnh lại khơi dậy tinh thần doanh nghiệp, hợp tác và chia sẻ khó khăn. Thêm vào đó, do sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu khiến cho các doanh nghiệp phải tìm cách đi mới, cách làm mới để thích ứng và phát triển.
Với nguyện vọng thúc đẩy các doanh nghiệp ngành cơ khí, chế tạo có thêm động lực và nguồn lực để nhanh chóng khôi phục sản xuất, ông Long cho rằng, cần triển khai nhanh và hiệu quả những giải pháp toàn diện mà Chính phủ đã đưa ra như giãn nợ, giảm lãi suất, giãn các nghĩa vụ thuế và các khoản phải nộp của doanh nghiệp, giảm thuế nhập khẩu vật tư… Nên đơn giản hóa các điều kiện áp dụng để những chính sách ưu đãi đó nhanh chóng đến được với doanh nghiệp.
Song song đó, quy hoạch và tổ chức lại sản xuất của ngành cơ khí chế tạo cùng các ngành công nghiệp khác; thúc đẩy việc hợp tác thương mại, giảm bớt sự phụ thuộc vào nước ngoài. Trong lúc sản xuất còn đình trệ, các cấp, ngành cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp nâng cấp máy móc thiết bị để khi thị trường trở lại bình thường sẽ không gặp tình trạng sản xuất bị gián đoạn.

Chính phủ cũng nên chỉ đạo quyết liệt các dự án đầu tư công về giao thông, năng lượng và môi trường…. để tạo nhiều việc làm cho doanh nghiệp trong nước. Khi có việc làm, doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung sẽ nhanh chóng phục hồi và tăng trưởng nhanh.
Có thể thấy rằng, Việt Nam đang có thời cơ vàng để bứt phá về kinh tế song song với những kết quả đáng tự hào của công cuộc phòng, chống dịch COVID-19, bảo vệ cuộc sống bình yên cho người dân. Với những nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, từ Chính phủ tới doanh nghiệp và người dân; các cấp, ngành từ Trung ương tới địa phương sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp để Việt Nam thêm lần nữa giành được thắng lợi trên mặt trận phục hồi kinh tế sau đại dịch./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục