Khuyến nghị chính sách cho ngành chăn nuôi “hậu” TPP

05:25' - 19/10/2015
BNEWS Tái cấu trúc ngành chăn nuối cần hướng vào các phân ngành không phải cạnh tranh gay gắt từ hàng ngoại nhập do thói quen tiêu dùng, rào cản thương mại tự nhiên hoặc các sản phẩm mang tính đặc sản.

Kết quả nghiên cứu của VEPR một lần nữa khẳng định rằng chăn nuôi không phải là một ngành mà Việt Nam đang có lợi thế khi khi Việt Nam tham gia vào sân chơi TPP. Sự gia tăng cạnh tranh từ hàng nhập khẩu sẽ buộc ngành phải tái cấu trúc mạnh mẽ để tăng hiệu quả nhằm tồn tại được trên thị trường.

Tái cấu trúc cần được cụ thể hóa

Nhiều hộ nông dân, các trang trại, các doanh nghiệp kém hiệu quả trong ngành, ví dụ như trong phân ngành thịt lợn và thịt gia cầm sẽ bị buộc phải rời khỏi thị trường trong khi những hộ, trang trại, doanh nghiệp còn tồn tại được sẽ phải tái cấu trúc để có thể cạnh tranh.

Mô hình nuôi (R) gà đẻ trứng sử dụng nền đệm lót sinh học mang lại hiệu quả tại gia đình ông Trần Đức Xân, ở khu 13, xã Long Đức, huyện Long Thành (Đồng Nai). Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Trong giai đoạn chuyển tiếp đó, các chính sách hướng đến việc tái cấu trúc ngành chăn nuôi là cần thiết nhằm thỏa mãn một phần nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng, và nhằm giảm bớt những thua thiệt cho những đối tượng buộc phải chuyển đổi công việc hoặc buộc phải rời khỏi ngành.

Đề án Tái cấu trúc ngành nông nghiệp và các Kế hoạch hành động đang được hướng theo hướng này thông qua những quy hoạch về khu vực chăn nuôi và sản xuất, quy hoạch về vật nuôi, về phương pháp sản xuất và về chuỗi giá trị.

Tuy nhiên, những kế hoạch này đều cần được cụ thể hóa và đẩy nhanh quá trình vận dụng. Chính phủ cần xem xét hỗ trợ hơn nữa cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển nhằm tăng giá trị gia tăng cho các sản phẩm chăn nuôi Việt Nam.

Trong quá trình hội nhập, các biện pháp tạm thời như áp dụng một lịch trình cắt giảm thuế quan tối ưu, sử dụng hạn ngạch thương mại hay các biện pháp phi thuế quan khác có thể được xem xét sử dụng để bảo vệ các phân ngành được ưu tiên và hỗ trợ sự dịch chuyển các nguồn lực từ các phân ngành kém hiệu quả sang các phân ngành được ưu tiên và sang các ngành có lợi thế của nền kinh tế như dệt may, da giầy…

Tuy nhiên, không nên duy trì những biện pháp này quá một vài năm vì chúng đi ngược nguyên lý của thị trường tự do.

Tái cấu trúc cũng cần hướng ưu tiên vào các phân ngành hiện nay hoặc trong tương lai không phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt từ hàng ngoại nhập do thói quen tiêu dùng (thịt tươi hơn thịt đông lạnh), do các rào cản thương mại tự nhiên (sữa tươi, trứng…) hoặc các sản phẩm mang tính đặc sản như gà thả đồi, lợn mán, lợn cắp nách…

Các chính sách về thuế trong chăn nuôi cũng nên có định hướng rõ ràng hơn về việc khuyến khích các mô hình chăn nuôi mới như các trang trại công nghệ cao, các hợp tác xã kiểu mới, hay những trang trại quy mô lớn có liên kết chặt chẽ với các hộ nông danh và nhà phân phối. Cấu trúc các loại thuế và phí cho sản phẩm chăn nuôi cũng cần được cơ cấu lại.

Tự do hóa thị trường các yếu tố sản xuất cơ bản

Tái cơ cấu cần phải được đi kèm với tự do hóa các thị trường yếu tố sản xuất cơ bản trong ngành chăn nuôi. Tự do hóa các thị trường này sẽ giúp cải thiện khả năng tiếp cận vốn, dịch chuyển lao động từ nơi này sang nơi khác, từ (phân) ngành này sang (phân) ngành khác trong quá trình tái cơ cấu, và đất đai có thể dễ dàng chuyển đổi mục đích sử dụng.

Vấn đề đất, chẳng hạn, là một vấn đề cần bàn tới. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy mặc dù diện tích đất trồng lúa để đảm bảo an ninh lương thực đã đang được giảm bớt, diện tích đất cho ngành chăn nuôi vẫn còn rất hạn chế. Ở những nơi được phép, đặc biệt là các vùng xung quanh các trang trại chăn nuôi lớn, đất lúa đã một phần được chuyển sang trong các loại cây thức ăn chăn nuôi và đem lại lợi nhuận cao hơn.

Trang trại nuôi lợn của hộ dân ở huyện Hương Khê tỉnh Hà tĩnh. Ảnh: Đình Huệ/TTXVN.

Do vậy, nhóm nghiên cứu đề xuất tiếp tục giảm diện tích trồng lúa và tăng diện tích trồng cây làm thức ăn chăn nuôi ở những khu vực thích hợp.

Về chuỗi sản xuất, chính sách khuyến khích liên kết hiện nay đã có nhưng thực trạng liên kết còn lỏng lẻo, với nhiều khâu trung gian từ đầu vào cho đến đầu ra làm gia tăng chi phí cho người chăn nuôi (chi phí về thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, chuồng trại, môi trường).

Đối với các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, vấn đề đảm bảo đầu ra ổn định giúp thị trường ổn định, tránh trường hợp mất cân bằng cung cầu vẫn còn gặp khó khăn.

Trong điều kiện hiện nay của Việt Nam, với quy mô các doanh nghiệp còn nhỏ, phương án khả thi là xây dựng các vùng chăn nuôi, quy tụ vùng nguyên liệu, nhà máy thức ăn chăn nuôi, cụm trang trại, cơ sở giết mổ, nhà máy chế biến và đóng gói; kết hợp với mạng lưới phân phối và bán lẻ ký hợp đồng lâu dài và hiệu quả nhằm làm giảm chi phí vận chuyển và hao hụt trên đường đi. Quy hoạch vùng chăn nuôi còn cần phải gắn liền với phát triển cơ sở hạ tầng.

Về sản xuất quy mô lớn, theo điều 11, NĐ 210/2013/NĐ-CP, những dự án đầu tư cơ sở chăn nuôi gia súc có quy mô tập trung sẽ được hỗ trợ về vốn nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng về điện, nước, nhà xưởng, xử lý chất thải, mua thiết bị, nhập giống gốc cao sản vật nuôi, nhập bò sữa giống từ các nước phát triển.

Thực tế cho thấy doanh nghiệp và người dân còn khó tiếp cận được các ưu đãi này do một loạt các nguyên nhân như thủ tục hồ sơ phức tạp, chậm và chưa rõ ràng, chưa biết rõ cơ quan có thẩm quyền xét duyệt và giám sát,... 

Hay cho dù một số doanh nghiệp/nhà đầu tư có thể đáp ứng yêu cầu của cơ sở giết mổ tập trung lại không mặn mà tham gia thị trường này. Nguyên nhân chủ yếu là do suất đầu tư cao hơn nên giá thành của các cơ sở giết mổ tập lại cao hơn các cơ sở giết mổ nhỏ trong dân trong khi đa số người dân vẫn quen mua thịt ngoài chợ do tiện lợi.

Trước mắt, để khuyến khích các cơ sở giết mổ tập trung, Chính phủ cần xem xét giảm thuế VAT đối với các cơ sở này.

Về thị trường, vấn đề đầu ra của các sản phẩm chăn nuôi từ các cơ sở chăn nuôi, giết mổ quy mô lớn là một trong những khó khăn lớn nhất của ngành chăn nuôi. Phát triển thị trường, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng vào sản phẩm của mình là việc của doanh nghiệp.

Sản phẩm tốt, đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ dần được người tiêu dùng chấp nhận và tin dùng. Khi đó, đầu ra sẽ được bảo đảm. Đầu ra được đảm bảo sẽ giúp doanh nghiệp tận dụng lợi thế kinh tế nhờ quy mô và giảm dần giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của hàng sản xuất trong nước.

Các giải pháp phát triển thị trường của doanh nghiệp cần được gắn liền với các chương trình quốc gia về khuyến khích tiêu dùng hàng nội địa, đặc biệt là những mặt hàng chất lượng và an toàn.

Chính phủ và các cơ quan ban ngành có liên quan cần tiếp tục hướng dẫn cụ thể, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu, đăng ký thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, cung cấp thông tin thị trường cho các doạnh nghiệp trong nước và hộ/trang trại chăn nuôi nhanh chóng và kịp thời để nhà sản xuất có sự chuẩn bị thích hợp nhằm tăng khả năng cạnh tranh với hàng nhập khẩu./.

TS. Nguyễn Đức Thành,

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR)

*Bài viết này là một phần của Báo cáo “Tác động của TPP và AEC lên nền kinh tế Việt Nam: Khía cạnh Kinh tế Vĩ mô và trường hợp Ngành chăn nuôi” được tài trợ bởi Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), hoàn thành tháng 8/2015, được thực hiện bởi Nhóm Nghiên cứu VEPR gồm TS. Nguyễn Đức Thành, TS. Nguyễn Thị Thu Hằng, GS. Ken Itakura, Nguyễn Thị Linh Nga và Nguyễn Thanh Tùng. Tác giả xin chân thành cảm ơn JICA và các thành viên nhóm nghiên cứu đã thực hiện Báo cáo này.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục