Khuyến nghị đào tạo nghề cập nhật ứng dụng công nghệ trong sản xuất

16:59' - 21/03/2019
BNEWS Nhiều chuyên gia cho rằng, cần chủ động nâng cao chất lượng đào tạo nghề theo hướng cập nhật, ứng dụng các tiến bộ công nghệ trong sản xuất.
Toàn cảnh Hội thảo “Tăng năng suất lao động để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam”. Ảnh: Thạch Huê/BNEWS/TTXVN

Chiều ngày 21/3, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo “Tăng năng suất lao động để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam”. 

Sự kiện thu hút mối quan tâm và theo dõi của đông đảo giới nghiên cứu, các chuyên gia kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp.

Khai mạc hội thảo, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, thời gian qua năng suất lao động của Việt Nam đã được cải thiện liên tục, đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Tuy vậy, đến nay năng suất lao động của Việt Nam vẫn thua kém nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, nhất là trong tương quan so sánh với các thành viên ASEAN; trong đó, năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng khoảng 7,2% của Singapore.

Sự hạn chế về năng suất lao động đã và đang trở thành rào cản, là yếu tố ngăn trở mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững và cải thiện sức cạnh tranh của nền kinh tế.

"Năng suất lao động chính là thước đo tầm vóc và sức sống của một quốc gia trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt; cũng như quyết định sự thành bại của một nền kinh tế trước làn sóng hội nhập toàn cầu như hiện nay.", ông Lộc bày tỏ.

Mục tiêu tăng năng suất lao động và tái cơ cấu lao động, kết hợp với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đang được đặt ra và cần được quan tâm hơn lúc nào hết.

Nhiều chuyên gia cho rằng, cần chủ động nâng cao chất lượng đào tạo nghề theo hướng cập nhật, ứng dụng các tiến bộ công nghệ trong sản xuất.

Các cơ quan chức năng cũng nên có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện để các tổ chức nghiên cứu, các doanh nghiệp tự giác tham gia, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới.

Từ đó, thúc đẩy năng suất lao động tăng lên trên diện rộng và trở thành trào lưu trong xã hội. Ngoài ra, sự cần phối hợp để xây dựng lộ trình, xác lập các công cụ để thúc đẩy sự cải thiện, nâng cao năng suất lao động. Phải chủ động tiến tới một chương trình hành động cụ thể vế vấn đề này.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Trường Đại học Kinh tế Đại học quốc gia Hà Nội TS. Nguyễn Đức Thành cho biết, trong 25 năm qua, năng suất lao động của Việt Nam chỉ tăng chưa tới 3 lần, thấp hơn rất nhiều so với tốc độ của các nước khác và nguy cơ tụt hậu đã thực sự là nhãn tiền. Thực tế này đang và sẽ gây tác hại, cản trở đà tăng trưởng và năng lực cạnh tranh quốc gia.

Đặc biệt, riêng năng suất lao động của khu vực sản xuất công nghiệp và xây dựng- vốn là khu vực quan trọng nhất, từ lâu đã chững lại, gây ra tình thế bất lợi cũng như kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế.

Nhìn chung, các doanh nghiệp vẫn chưa hiểu đúng và chú trọng cho hoạt động đầu tư mua sắm, thay đổi công nghệ theo hướng hiện đại để hỗ trợ người lao động, tạo môi trường làm việc thuận lợi, tiến tiến để nhân công có thể tận dụng, phát huy tối đa năng lực và từ đó cũng nâng cao năng suất lao động...

Cũng tại hội thảo, các chuyên gia đều nhất trí cho rằng, cần nhận diện và làm rõ các nguyên nhân dẫn đến sự tụt hậu, hạn chế về năng suất lao động để có biện pháp khắc phục.

Điều này cần sự quyết tâm và nỗ lực liên tục từ cấp điều hành vĩ mô đến cơ quan quản lý, đặc biệt là trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp.

Xét về lý thuyết, khi đã nâng cao được tốc độ tăng năng suất lao động thì sẽ rút ngắn được khoảng cách tụt hậu với các nước và thời gian tới sự thịnh vượng của nền kinh tế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục